Chuyện của những người phụ nữ tháng ba
- Văn hóa - Giải trí
- 14:01 - 12/03/2017
Dù là tác phẩm đầu tay viết cho thiếu nhi hay tác phẩm của tác giả đã có tên tuổi, họ đều là những người phụ nữ của tháng ba với những tập truyện ngắn nhỏ xinh, tất cả đều mang đến cho độc giả những câu chuyện thú vị, mang nhiều nét đặc trưng của miền đất quê hương tác giả.
Từng đoạt giải thưởng trong nhiều cuộc thi viết, nhưng “Thì thầm cùng giọt sương” lại là tác phẩm đầu tay của tác giả Nguyễn Thu Hằng. Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, những câu chuyện của chị mang hơi thở đậm nét của vùng đồng bằng Bắc Bộ với trò chơi chọi cỏ gà của lũ trẻ, câu chuyện về chú cò mong muốn đi xa nhưng vẫn luôn hướng về “lũy tre làng bên dòng sông hiền hòa, nơi có tổ ấm của cò, có cò mẹ đang mong nhớ đứa con xa”, hay chuyện “Bà Đần xin tương” cảm động… Dù những câu chuyện trong tập “Thì thầm cùng giọt sương” khá phong phú về thể loại, gồm cả truyện đồng thoại, truyện sinh hoạt ở nhà ở trường của lũ trẻ hay những câu chuyện có hơi hướng cổ tích với bối cảnh là vùng núi rừng Tây Nguyên, tác giả Nguyễn Thu Hằng đều cuốn hút độc giả bằng những tình tiết bất ngờ, cuốn hút, gây xúc động.
Dọc theo dải đất miền Trung, theo bước chân của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, độc giả sẽ được đến thăm vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió nhưng cũng không kém phần trù phú với đồng cỏ tươi xanh ngút tầm mắt, những giàn nho trĩu quả gọi mời, với đàn cừu mũm mĩm nhởn nhơ gặm cỏ; và cùng bước vào thế giới cổ tích thần tiên, với nàng “công chúa chăn cừu”, chàng “hoàng tử mặt buồn”, “Biệt đội dũng sĩ Mít Ướt”, cùng tới “Vương quốc Linh Lung” để tìm kiếm một phép màu kì diệu, cùng trải qua những cuộc phiêu lưu đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị với bạn dê “Tai Trắng”, tới những vùng đất mới, tìm kiếm tự do cho mình.
Là tác giả của nhiều tập truyện viết cho thiếu nhi như “Tay chị tay em”, “Cút cà cút kít”… nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa thể hiện sự am hiểu thế giới trẻ thơ qua từng trang viết của mình. Chị giống như một bà tiên bí ẩn trong thế giới cổ tích mà chị dựng nên, với cây đũa thần kì diệu vẩy phép màu vào thế giới trẻ thơ. Nguyễn Thị Kim Hòa cuốn hút độc giả nhí bằng lối viết vừa mộng mơ, vừa giàu chất hiện thực, ngôn ngữ hóm hỉnh, dí dỏm và nhiều chi tiết cảm động. Chị luôn thấu hiểu, đồng cảm và tinh tế, nhẹ nhàng trong cách viết về trẻ nhỏ, nhất là về những em nhỏ khác biệt. Là người có duyên với các giải thưởng, Nguyễn Thị Kim Hòa từng đoạt giải Nhất cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch với truyện ngắn “Hoàng tử Rơm” với sự đồng thuận tuyệt đối từ hội đồng chung khảo.
Xuôi xuống vùng đất phía Nam, tới vùng đất Tây Ninh với “cái nắng rang của vùng đất xám cao su”, độc giả lại được đắm chìm vào không gian tuổi thơ của tác giả Riv Nguyễn với “những buổi trưa dang nắng lang thang trong rừng cao su”, đi hái hột điều “dưới cái nắng chang chang, trắng xóa”, “những trò chơi dân gian đơn giản với que trúc, quả banh chuyền tự quấn bằng mủ cao su”. Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn nhưng không làm lũ trẻ thôi thả hồn mơ ước. Mơ ước được bay lên bầu trời khám phá những khoảng không cao rộng, ước mong đong nắng về cất giữ để sấy thóc cho mẹ, hay ước mơ trẻ thơ được về thăm ngoại để thỏa thuê ăn các món bánh dân dã, ngọt bùi tình ngoại. Có thể nói, bằng sự quan sát tinh tế, lối kể mộc mạc, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, tác giả Riv Nguyễn đã dựng nên một thế giới trẻ thơ “luôn tinh khôi, rực rỡ và rộn ràng như màu nắng yên nguyên rạo rực”.
Ba tác giả nữ tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ, mỗi người một phong cách, với những câu chuyện mang đặc trưng của tuổi thơ ở vùng đất mà mình gắn bó. Ba tập truyện trong Tủ sách Văn học Tuổi thần tiên đem đến cho độc giả nhỏ những câu chuyện thú vị về cuộc sống xung quanh, dẫn các em tới những miền cổ tích êm đềm, nơi tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng biết ơn luôn ngự trị.