CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Chuyện cổ tích giữa tâm dịch

Đọng lại sau tất cả là tình người

Suốt nhiều ngày qua, ca sĩ Phương Thanh và nhiếp ảnh gia Võ Sĩ Điều trở thành "cặp bài trùng" khi luôn cùng nhau rong ruổi trên những con phố Sài Gòn vắng vẻ mùa dịch. Hai chị em đi xe máy, theo sau là chiếc xe tải chở đầy gạo và nhu yếu phẩm. Đó là số hàng mà Phương Thanh vận động được từ nhiều mạnh thường quân, mang đến các khu phong tỏa, các xóm trọ nghèo - nơi có nhiều người đứng trước nguy cơ thiếu ăn.

Chuyện cổ tích giữa tâm dịch - Ảnh 1.

Ca sĩ Phương Thanh vác gạo và nhu yếu phẩm trao cho người dân.

"Hai chị em đều tham gia trong đội tình nguyện viên của Thành đoàn tổ chức, tranh thủ thời gian tạm coi là "rảnh rỗi" để đi phát quà từ thiện cho người nghèo, người dân trong các khu phong tỏa. "Chị Thanh vận động được nhiều gạo và hàng hóa thiết yếu lắm, nên cứ một vài ngày lại đi phát cho kịp. Hễ nơi nào có người gọi điện hay lên mạng "cầu cứu" là hai chị em lập tức có mặt. Nhiều hôm từ Thủ Đức ngược về Bình Chánh, Quận 12, rồi có khi xuống Nhà Bè, Quận 8... Có những ngày hai chị em chạy xe máy cả trăm cây số, tối về thấy ai cũng đen nhẻm. Nhưng vui vì đã làm được nhiều việc nghĩa" - nhiếp ảnh gia Võ Sĩ Điều nói.

Hành trình của hai chị em nghệ sĩ nói trên không đơn độc. Song hành cùng với họ là hàng chục, hàng trăm đội, nhóm thiện nguyện khác, cũng ngày ngày ngược xuôi khắp các quận, huyện mang những món quà tình nghĩa giúp đồng bào đang gặp khó khăn.

Có thể gặp những người đi làm việc thiện ở khắp nơi, mọi lúc ở Sài Gòn vào lúc này. "Có thể nói, giai đoạn lịch sử này đã làm nhiều giá trị thay đổi và đọng lại sau tất cả là tình người. Tôi biết giữa mùa dịch thế này mà đi ra đường, để phát quà từ thiện cho nhiều người là vất vả và nguy hiểm, nhưng tôi cũng như nhiều người hoạt động thiện nguyện khác đều nhận thức được rằng, đây là lúc cần hành động để chia sẻ gánh nặng với đồng bào, giúp họ vững tin vượt qua đại dịch", ThS, KTS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc công ty Tỷ Lệ Vàng (quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Chuyện cổ tích giữa tâm dịch - Ảnh 2.

Tại TP.HCM đang có hàng chục bếp ăn từ thiện ngày đêm đỏ lửa để nấu những phần cơm dinh dưỡng gửi đến người nghèo, người công tác tại các khu cách ly, người ở tuyến đầu chống dịch. Có thể kể đến bếp từ thiện Nhơn Hòa (huyện Bình Chánh); bếp ăn cô Bảy (Quận 2); bếp Nụ cười (quận Bình Thạnh); bếp ăn của nhiều cá nhân và nhà chùa trong Thành phố...

Theo chị Kim Thảo (phụ trách bếp Chị Em tại Quận 11), mỗi ngày bếp từ thiện của chị chuẩn bị 1.200 phần cơm để gửi đến người khó khăn. Trong đó, bữa trưa có 800 phần cơm mặn và 300 phần cơm chay, bữa tối có 100 phần cơm mặn. Chị Thảo kể: "Tôi không thể nào quên hình ảnh cả xóm người già neo đơn tại Quận 11 phải nhịn đói 2 ngày cho đến khi chúng tôi tìm đến, ai cũng rưng rưng nước mắt. Tôi cũng không quên được hình ảnh người mẹ bật khóc khi con mình được ăn cây xúc xích nhóm gửi tặng. Có lẽ lâu lắm bé mới được món ăn ngon lành đến như vậy...". Với chị, mỗi hộp cơm là một câu chuyện gắn với một thân phận bao nỗi niềm chất chứa...

Những "cây ATM" thần kỳ

Nguồn oxy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình cấp cứu F0. Nối tiếp thành công của mô hình "ATM gạo" và "ATM khẩu trang" trước đây, Hoàng Tuấn Anh cùng với đội nhóm PHGSmarthome, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và Thành đoàn TP.HCM đã sáng chế ra mô hình "ATM oxy" nhằm cung cấp máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khoẻ cho hệ thống bệnh viện, giúp quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 thuận lợi hơn.

Chuyện cổ tích giữa tâm dịch - Ảnh 3.

Sau mô hình "ATM gạo", Hoàng Tuấn Anh tiếp tục sáng chế mô hình "ATM oxy" để kịp thời cấp cứu bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng.

Thời gian đầu, "ATM oxy" hoạt động từ 8h - 17h hằng ngày, với 90 bình oxy loại 8 lít để lập các trạm ở các Quận đoàn trên địa bàn 6 quận, huyện: Quận 7, Quận 8, Quận 10, quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Anh Hoàng Tuấn Anh cho biết, các F0, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà nên không thể đem bình oxy đi đổi, số lượng tài xế giao hàng công nghệ hạn chế, xe tải của các trung tâm sang chiết oxy cũng đã quá tải... trong khi đã xuất hiện tình trạng đầu cơ đẩy giá bình lên cao, gây khan hiếm nguồn cung, việc tìm mua, đổi bình oxy trở nên khó khăn. "ATM oxy" ra đời với mong muốn hỗ trợ các F0 đang cách ly tại nhà giảm được khó khăn trong quá trình điều trị.

"Theo kế hoạch, PHGSmarthome sẽ cùng Hội LHTN Việt Nam TP.HCM lập trạm ATM oxy miễn phí tại tất cả các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Mỗi ngày các xe bán tải sẽ đi nạp oxy tại các trạm sang chiết ở ngoại thành và tỉnh lân cận sau đó đem về các "cây ATM" sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu", Tuấn Anh cho biết thêm.

Ngoài việc hỗ trợ các bệnh nhân, các F0 tại nhà, trong giai đoạn 2 ATM oxy sẽ hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến 5.000 - 10.000 bình. Nhóm cũng đã lên kế hoạch cho giai đoạn 3, ATM oxy sẽ cho các bệnh viện mượn để sau này khi TP.HCM giảm dịch thì có thể hỗ trợ các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Chuyện cổ tích giữa tâm dịch - Ảnh 4.

Ca sĩ Phương Thanh tham gia đội tình nguyện viên của Thành đoàn TP.HCM điều phối hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều địa bàn.

Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam tại TP.HCM cũng đã phát động chương trình "ATM phòng trọ cộng đồng" và "ATM việc làm cộng đồng" nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Văn phòng chương trình hoạt động 24/7 với đội ngũ tình nguyện viên tiếp nhận thông tin về nhu cầu liên quan đến việc làm và phòng trọ miễn phí.

"ATM việc làm cộng đồng" giúp kết nối nhà tuyển dụng và người tìm việc làm. Còn "ATM phòng trọ cộng đồng" kết nối nhu cầu tìm chỗ ở, chỗ trọ của người dân tới những nhà trọ cộng đồng trong thời điểm khó khăn này.

Nhiều chương trình của chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cùng nêu cao tinh thần "lá lành đùm lá rách" đã giúp nhiều đồng bào tạm vượt qua những khó khăn trước mắt. Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng, nhiều gia đình lao động, nhất là lao động nhập cư phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một số địa phương đã tổ chức đón những đồng bào của mình về lại quê nhà, nhưng không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà con vì năng lực cách ly ở địa phương cũng như việc phòng dịch buộc phải hạn chế người di chuyển.

Một số địa phương bắt đầu triển khai các gói hỗ trợ cho đồng hương kẹt lại ở tâm dịch, như tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ mỗi đồng bào mình 1 triệu đồng và 10 - 20kg gạo; Hải Phòng thông báo giúp 2 triệu đồng/người; Quảng Trị giúp 1 triệu đồng/người... Cách làm này không chỉ san sẻ gánh nặng cho những tỉnh, thành tâm dịch, mà còn trực tiếp lo chén cơm, viên thuốc, tiền phòng trọ cho từng đồng hương đang gặp khó khăn trong đại dịch.

Sâu xa hơn, điều này còn góp phần duy trì nguồn nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam để có thể sớm khôi phục hoạt động sản xuất sau khi dịch được khống chế, đồng thời cũng là giữ được an yên cho quê nhà, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, xáo trộn đời sống...

Những tấm lòng thơm thảo sẻ chia trong mùa cao điểm dịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam góp phần quan trọng để mọi người dân cùng đồng lòng, chung sức quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh