Chuyện cổ tích của thiên thần trượt băng
- Văn hóa - Giải trí
- 14:14 - 18/02/2018
Niềm vinh quang sau những khổ luyện của Trần Khánh Linh.
9 tuổi bén duyên với trượt băng nghệ thuật
Trượt băng nghệ thuật là môn thể thao kén người chơi, dù phổ biến trên thế giới nhưng khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện cả nước mới chỉ có 6 sân băng để các vận động viên (VĐV) tập luyện, thi đấu.
Vì thế mà dù thích trượt băng từ nhỏ khi xem các VĐV thi đấu qua ti vi, nhưng phải đến 9 tuổi Trần Khánh Linh mới có cơ hội được “xỏ giày” để ra sân băng. Khi đó, gia đình của Khánh Linh chỉ nghĩ đơn giản cho con theo tập để rèn luyện sức khỏe và giúp con tự tin hơn.
“9 tuổi, gia đình cho con học trượt băng nghệ thuật như một hoạt động rèn luyện sức khoẻ, nhưng con càng học càng đam mê và tiến bộ không ngừng. Vợ chồng tôi thay phiên nhau đưa đón con đi học và tập luyện”, chị Trịnh Thị Trang, mẹ của Khánh Linh kể.
Kể từ ấy, Khánh Linh luôn hướng về sân băng và coi đó là ngôi nhà thứ hai của mình. Bất cứ khi nào rảnh, em đều được cha mẹ đưa tới sân. Thấy con đam mê , gia đình chị Trang quyết định chuyển nhà về gần sân tập để có điều kiện đưa đón hơn. Khánh Linh ham học và có năng khiếu nổi bật so với các bạn cùng trang lứa. Ngay từ những động tác đầu tiên, các huấn luyện viên (HLV) đã nhận định em là “viên ngọc thô” của làng trượt băng nghệ thuật Việt Nam. Nghe theo các HLV, chị Trang quyết định để con được tập luyện môn thể thao này một cách nghiêm túc, với sự huấn luyện của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Khánh Linh dành tối đa thời gian để tập luyện, kết hợp với tập gym và ba lê. Chị Trang cho biết, bộ môn này cũng mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp Khánh Linh tăng cường sức khoẻ, sự mềm mại dẻo dai, mà còn rèn cho con sự tự tin, bình tĩnh và tâm lý vững vàng khi thường xuyên biểu diễn trên sân băng. Ngoài ra, do tiếp xúc với nhiều HLV nước ngoài và đọc tài liệu bằng tiếng Anh, nên khả năng tiếng Anh của Khánh Linh cải thiện rõ rệt.
Khổ luyện
Chị Trang cho biết ban đầu chỉ muốn con được rèn luyện sức khỏe, nhưng sau một thời gian ngắn, Khánh Linh đã bộc lộ tài năng bẩm sinh. Cô bé có dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, linh hoạt xử lý các động tác khó một cách thuần thục. Ở độ tuổi 9, 10 như Linh, ít ai làm được như thế.
Sau hơn 2 năm theo học cơ bản, Khánh Linh đã tìm được thầy “xịn” để theo học. “Trước giải VĐQG 2017, Linh đã sang Australia theo học HLV Kuznetsova. Suốt 4 tháng trời Linh phải ngủ ở ghế sofa vì nhà HLV chật chội. Tôi vẫn luôn động viên con phải nỗ lực, cố gắng. Rất may là Khánh Linh giao tiếp tốt bằng tiếng Anh nên lĩnh hội được nhiều từ HLV người Nga”, mẹ Linh cho biết.
Chị Trang kể, 10 tuổi, Khánh Linh đã phải tập luyện theo chế độ như của một VĐV chuyên nghiệp. Những món ăn yêu thích như gà rán, khoai chiên Linh phải từ bỏ. Một tuần, Khánh Linh chỉ có duy nhất một ngày nghỉ và 6 ngày còn lại cô bé đều phải tập luyện làm sao cho đủ ít nhất 10 tiếng trên sân băng, chưa kể những bài tập ngoài sân khác như gym hay ba-lê. Bên cạnh đó, Khánh Linh còn dành rất nhiều thời gian cho những chuyến thi đấu quốc tế và đặc biệt là những lần tập huấn xa nhà.
“Viên ngọc thô” của làng trượt băng nghệ thuật Việt Nam.
Theo đuổi đam mê, cô bé mới hơn 10 tuổi đã phải đánh đổi rất nhiều. Trong quỹ thời gian của Khánh Linh gần như không có chỗ cho các hoạt động vui chơi giải trí. Lúc bạn bè vui chơi, Linh phải học, phải tập luyện. Mùa hè các bạn đi nghỉ mát thì Linh đi tập huấn.
Trong nước đã vậy, ra nước ngoài còn khổ hơn và buồn nhất là tủi thân. Đó là câu chuyện mà Linh kể về chuyến tập huấn tại Australia năm 2017: “Bên Australia, không chỉ tập trên sân bằng mà ngày nào cháu cũng phải tập những bài thể lực rất nặng bên ngoài sân. Từ chạy cầu thang, chạy quanh sân, bật cóc, chống đẩy, gập bụng. Tập vất vả đã đành nhưng buồn vì lủi thủi tập một mình, chưa kể ở Australia có nhiều bạn ít tuổi hơn nhưng lại có kỹ thuật cơ bản rất tốt, nên thực hiện được những kỹ thuật khó hơn, khi đó cảm thấy tủi thân lắm”.
11 tuổi giành HCV trượt băng châu Á
Theo đánh giá của HLV Kuznetsova, Khánh Linh là VĐV có tố chất đặc biệt, bà nói: “Linh xương nhẹ nhưng lại dày, nên cơ thể có độ dẻo, thực hiện tốt những động tác nhảy, xoáy. Chắc chắn cô bé này sẽ còn tiến xa”…
Cái ngày mà Linh tiến xa đó đang trở thành hiện thực. Giải trượt băng nghệ thuật toàn quốc 2017 vừa kết thúc tại Hà Nội, Khánh Linh lần thứ 3 liên tiếp giành Huy chương Vàng.
Không chỉ có giải VĐQG, năm 2016 Khánh Linh gây tiếng vang lớn khi giành 2 tấm HCV ở nội dung Artistic Freestyle 4 và Open Freestyle Silver 4 - nội dung được đánh giá khó nhất tại Giải trượt băng nghệ thuật châu Á - Skate Asia năm 2016 tại Malaysia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham dự giải đấu thường niên được tổ chức bởi Hiệp hội trượt băng châu Á và ngay lập tức cô bé đã mang vinh quang về cho đất nước. Ngoài ra Linh còn giành HCV nội dung Elementary Mixed Giải trượt băng Nghệ thuật Quốc gia Campuchia năm 2017.
Cũng trong năm 2017, Khánh Linh đã được Tổng cục TDTT đăng ký tham dự SEA Games 29, nhưng cuối cùng BTC nước chủ nhà Malaysia đã từ chối vì VĐV người Việt Nam thiếu… 3 tuổi so với quy định. Rất tiếc cho Linh bởi đây là kỳ SEA Games đầu tiên có môn trượt băng nghệ thuật.
Nhưng thành tích không phải là mục tiêu lớn nhất với Khánh Linh và gia đình em lúc này. Cô bé xinh xắn người Hà Nội chỉ nghĩ đơn giản: “Con thấy trượt băng nghệ thuật rèn luyện sức khỏe rất tốt, lại có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế, nên cũng học thêm được ngoại ngữ, học các động tác khó từ các HLV nước ngoài”.
Chị Trịnh Thị Trang cho biết: “Từ khi cháu theo môn này gia đình tốn cả tỉ đồng. Nhưng chúng tôi sẽ theo tới cùng để con có sự phát triển tốt. Theo kế hoạch năm 2018 Linh sẽ đi Australia và New Zealand, năm 2019 đi Nga, mỗi năm 6 tháng ở nước ngoài, 6 tháng về nước để học văn hóa”.
Nguyện vọng của gia đình chị Trang, nếu Việt Nam có Liên đoàn trượt băng nghệ thuật thì không chỉ Khánh Linh, mà nhiều VĐV khác sẽ có cơ hội được phát triển, tìm được nhà tài trợ để giảm gánh nặng chi phí.
Không chỉ tài năng trên sân băng, cô bé Trần Khánh Linh còn có sở trường về cờ tướng, cờ vua và đua ngựa. Khánh Linh từng đoạt giải trẻ quốc gia cờ vua. Mẹ Linh cho biết, việc chơi cùng lúc nhiều môn thể thao sẽ giúp con có sự bổ trợ rất tốt cả về trí tuệ và thể lực. |