THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:21

Chuyện cổ tích của chàng gù và cô gái lùn

Chàng gù ở cù lao Dung

Nguyễn Văn Cúng sinh ra và lớn lên bên dòng cù lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ của anh dầm dề, khổ đau như giông bão mịt mùng không thấy mặt trời Thủa nhỏ, Cúng đi chăn trâu, bắt còng dọc bờ kênh mùa nước nổi. Rồi tự nhiên, bên chân trái của Cúng nổi lên một cục mụn thịt to cỡ quả táo, một ngày, mụn chín mọng, ứa máu mủ ra, ba mẹ đưa Cúng đi nhà thương. Bác sĩ xét nghiệm “chất” trong mụn bèn phán: “Đây là cục mụn ác, có chứa nọc độc, nếu muốn cứu chữa khỏi ảnh hưởng đến bộ phận khác chỉ còn cách tháo khớp đầu gối”. Mẹ Cúng thương con, nghĩ cục mụn thế kia sao phải tháo cả khớp chân, bà không đồng ý. Cúng ra viện.

Đi học trên đôi chân tập tễnh lê từng bước trên đường làng. Nọc độc của mụn ăn lên tận xương sống làm cho cái lưng của Cúng trồi lên, gấp xuống. Phía trước ngực, hai hàng xương sườn teo lại, nhô ra nhọn hoắt. Hai khối xương nhô đã đè bẹp sức lớn của Cúng, Cúng trở thành cậu bé gù từ đó.

Gia đình hạnh phúc của, đứa con khỏe mạnh của vợ chồng anh Cúng, chị Thơm.

Một buổi trưa, khi đang đu đưa trên cánh võng, người bạn vô tình đùa rút chốt võng ra, Cúng đập lưng xuống đất. Từ đây, Cúng vĩnh viễn biến thành người tàn phế. Cúng gượng cố đến lớp 6 thì nghỉ học. Do mẹ Cúng khóc thương con đâm ra suy sụp sức khỏe, rồi chẳng bao lâu bà đã về với đất, bỏ lại thằng con trai tật nguyền bơ vơ, côi cút. Cúng được các anh em trong gia đình dồn hết tình thương, nhờ mảnh đất mặt tiền của người chị gái, Cúng mở tiệm cắt tóc tự nuôi thân. Những người đàn ông trong xóm thương tình, đến cắt tóc ủng hộ, Cúng sống bằng những đồng tiền từ nghề cắt tóc không chuyên.

Tình yêu từ hai “vầng trăng khuyết”

Đi bán vé số, Cúng thấy cuộc sống của mình sáng sủa hơn, chí ít cũng được sự đồng cảm của cộng đồng. Cúng bảo, ở quê anh không có nhiều người khuyết tật nên họ nhìn anh bằng ánh mắt thương hại nhiều hơn là đồng cảm.

Trong những ngày tháng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của đất Sài Gòn chật chội, Cúng gặp Vũ Thị Thơm (40 tuổi) quê Ninh Bình. Thơm xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, bản thân lại mang trong mình dị dạng nên chị sớm bươn chải ngoài đời. Những ngày nắng, hay những đêm mưa, hai con người cùng cảnh ngộ gặp nhau ở mái hiên ngôi nhà cao tầng. Họ hỏi thăm nhau về từng đồng bạc lẻ kiếm được, về cái chân có đau không, hay cái cục xương nhô ra của Cúng có vướng bận gì không?

 “Mưa dầm thấm lâu”. Tình yêu của Cúng, Thơm trải qua thăng trầm của cuộc mưu sinh, những đau đớn từ thể xác, những đấu tranh gay gắt từ số phận... Đơn giản, anh Cúng sợ cơ thể yếu đuối của mình sẽ không bảo bọc cho Thơm, còn Thơm sợ hai mảnh ghép này hợp lại sẽ chỉ làm khổ nhau suốt cuộc đời. Mối tình của họ được nhiều người vun vén, lý trí đã không thắng nổi con tim yêu, nỗi khát khao hạnh phúc gia đình, sự đợi chờ khắc khoải của hai tâm hồn chưa một lần “va chạm”.

Niềm hạnh phúc củahai tâm hồn “dâu bể”

Đám cưới anh Cúng, chị Thơm được nhiều người ủng hộ, tuy giản dị nhưng tràn ngập nụ cười hạnh phúc. Thế là nồi cơm của cô quạnh, khô khốc trong gian phòng trọ của anh Cúng từ nay không còn khét mùi cháy nữa. Hằng ngày, anh chị dắt nhau đi bán vé số, đi khi nào mỏi gối chùn chân thì về nghỉ. Một năm sau ngày cưới, đôi vợ chồng “dị nhân” này vẫn chưa thấy rục rịch chuyện con cái. Đối với người bình thường thì đó là điều đáng lo còn với anh Cúng, chị Thơm có thể họ đã chuẩn bị tâm lý trước. Rồi niềm vui đến cứ như trong mơ, cả họ hàng, gia đình đều quá bất ngờ khi nghe tin Thơm có thai. Xen lẫn niềm vui là những giọt nước mắt lo lắng, hồi hộp, không đêm nào chị Thơm không khóc bởi chị nghĩ, chẳng may đứa con sinh ra, cuộc đời nó giống cha mẹ thì là cái tội. Chị đi siêu âm, bác sĩ chẩn đoán thai nhi không bị dị tật đến 80%, chẳng hiểu nghe ngóng thế nào, chị Thơm nhầm rằng, 80% thai nhi sẽ bị tật. Chị khóc từ trong phòng khám khóc về tới phòng trọ, anh Cúng cầm giấy siêu âm, đọc lại cho vợ nghe, lúc này chị Thơm mới tỉnh ngộ. Chị Thơm sinh mổ, đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Nhìn thấy con, chị thở phào nhẹ nhõm. Có con, hạnh phúc và nỗi lo luôn song hành. Hằng ngày, anh Cúng đi bán vé số, xong lại tất tả lết về giặt giũ, cơm nước cho vợ con. Có những đêm, anh Cúng lụi cụi giặt tã lót cho con đến 3 giờ sáng, chợp mặt một lúc, 6 giờ lại đi bán vé số.

Khi con cứng cáp, chị Thơm dành phần đi bán vé số để con ở nhà cho anh Cúng chăm sóc vì sức khỏe anh Cúng yếu hơn chị. Chị Thơm tuy chân tay lỡ cỡ nhưng vẫn không phải chống nạng hay dùng xe lăn. Cuộc sống vất vả nhưng hễ nhìn thấy con là mọi buồn phiền, âu lo tan biến. 5 năm sau, anh chị quyết định “thả lỏng” để nhờ trời cho thêm đứa con nữa. Vậy là một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh chào đời, anh chị vui như ngày tết. “Ông trời lấy mất của hai vợ chồng sức khỏe, nhưng lại ban tặng hai thiên thần hoàn toàn bình thường, tôi không oán trách gì nữa, tôi thấy mình được nhiều hơn là mất” - giọng à ơi ru con, ánh mắt lấp lánh yêu thương, anh Cúng chia sẻ.

BÌNH NGHI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh