THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:51

Chuyện chưa kể về chuông cổ bị đánh cắp ở Bắc Ninh

 

Chuông cổ bị đánh cắp ra sao? 

Thông tin về quả chuông cổ Ngũ hộ được ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cho biết, chuông đang được trưng bày trong bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. Nhiều người cho rằng, chuông phải treo ở chùa thì mới đúng là chuông. Còn theo ông Nga, chuông là kỷ vật của tình hữu nghị Việt - Nhật nên bảo tàng mới giữ trưng bày.

Chúng tôi tìm đến thôn Kim Đôi (xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh) dò hỏi thêm những thông tin về quả chuông Ngũ Hộ. Hầu hết các cao niên ở Kim Đôi đều khẳng định số phận kỳ lạ của chuông Ngũ Hộ. Sở dĩ, người ta gọi đó là chuông Ngũ Hộ vì trước đây được treo ở chùa Ngũ Hộ.

Ngôi chùa này cũng lạ lùng và gắn liền với con số 5. Đó là ngôi chùa cổ được xây dựng do sự chủ trì của 5 gia đình thuộc 5 dòng họ, ở 5 thôn khác nhau. Có lẽ vì thế, mà ngôi chùa được đặt tên là Ngũ Hộ để khắc ghi tình đoàn kết của cha ông thời xưa đã có công dựng chùa, lập miếu.

Theo quan sát và đo đạc của chúng tôi, quả chuông đồng có hình ống, cao 1,2m, đường kính 45cm, nặng 200kg, bên trên có chạm hình rồng hai đầu, bốn phía có khắc bốn chữ “Ngũ Hộ Tự Chung”. Phần chữ Hán khắc ở thân chuông có đoạn viết được dịch như sau:

“Chuông của chùa Ngũ Hộ, xã Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn. Chuông chùa bị chiến tranh thiêu hủy, phải đúc một quả chuông khác. Tháng 2/1825 chuông mới đúc lại bị cướp mất. Nhân dân trong xã rất buồn vì bị cướp đi mất tiếng chuông khi sáng sớm, lúc ban chiều. Năm sau, mọi người lại cùng nhau góp công, góp của đúc quả chuông thứ ba. Sau hai năm quyên góp tiền và đồng, chuông đã đúc xong ngày 19 tháng 12 năm Minh Mạng thứ chín, Mậu Tý - 1828)”. Theo ông Lê Viết Nga, trên chuông đồng cổ còn ghi tên hơn 300 người, thuộc 30 xã đã góp công, góp của đúc quả chuông này. “Thời kỳ đó, chuông Ngũ Hộ là một quả chuông lớn, rất quý giá vì có sự hợp sức chung lòng của nhiều người. Chuông được treo lên, đánh tiếng vang khắp mấy thôn của xã Kim Chân xưa”.

Cũng theo ông Nga, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, quân đội Nhật Bản chiếm đóng Bắc Ninh đã dùng chùa Ngũ Hộ làm xưởng chế biến gỗ. Sau đó chúng phát hiện ra quả chuông nên đã đánh cắp về Nhật và bán lại cho một tiệm cầm đồ.

Hồi hương sau 40 năm

Sau gần 40 năm bị quân phát xít Nhật cướp đoạt, ngày 14/6/1978, một buổi lễ trang trọng trao trả chuông đồng Ngũ Hộ cho Việt Nam đã diễn ra tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Theo ông Lê Viết Nga, chuông cổ được trả về đúng nguồn gốc, công lớn thuộc về một người Nhật Bản đầy tâm huyết.

Đó là luật sư Watanabe Takuro, trong một lần dạo phố ông đã phát hiện quả chuông đồng cổ kính treo trong cửa hàng chuyên buôn bán đồ cổ ở phố Ginza (Thủ đô Tokyo) vào cuối tháng 9/1977. Ông Watanabe Takuro đã ghi chép lại các chữ Hán khắc ở thân chuông để nhờ bạn bè lược dịch xem thực sự nguồn gốc chuông từ đâu.

Hơn 1 tuần sau, luật sư Watanabe liên hệ với ông Saito Ghen, Ủy viên thường vụ Ủy ban Nhật Bản ủng hộ nhân dân Việt Nam; Giáo sư Goto thuộc Đại học Rikio và anh Ishikawa Bunyo, nhiếp ảnh gia đến thảo luận và xác định quả chuông có nguồn gốc từ Việt Nam và thuộc quyền sở hữu của các tăng ni Phật tử chùa Ngũ Hộ (tỉnh Hà Bắc cũ).Sau khi được tin báo, sư cụ Onishi thuộc chùa Kyoto cùng nhà sư Fuji và nhà văn Seicho đã gửi thông báo rộng rãi đến khắp bạn bè trong đất nước Nhật Bản để cùng nhau quyên góp tiền mua lại chuông cổ Ngũ Hộ từ tiệm buôn bán đồ cổ để gửi trả cho Việt Nam.

Đến ngày 15/11/1977, người Nhật đã quyên góp được 7 triệu yên. Hai tháng sau, số tiền đã lên tới gần 10 triệu yên. Từ khi chuông được mua về từ tiệm buôn bán đồ cổ ở phố Ginza cho đến mấy tháng tiếp theo, khắp nơi trên đất nước xứ Phù Tang đã diễn ra những buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình nói chung và cho chuông Ngũ Hộ nói riêng được thuận lợi trở về Việt Nam.

Sự chân thành của người Nhật

Ông Lê Viết Nga cho biết, sau khi chuông Ngũ Hộ được trao trả về cho Việt Nam, hội Hữu nghị Việt - Nhật cùng Trung ương hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định để chuông ở chùa Bút Tháp. Sở dĩ phải để chuông ở đây vì chùa Ngũ Hộ đã bị tàn phá trong chiến tranh. Hơn nữa, trong số 300 người quyên góp đúc chuông, có cả người ở Bút Tháp.

Kể từ giờ phút trao trả chuông Ngũ Hộ cho phía Việt Nam, luật sư Watanabe Takuro không biết gì về hành trình lưu lạc tiếp theo của chuông Ngũ Hộ ra sao. Mãi đến năm 1993, ông mới có cơ hội viết thư gửi cho chị Komatsu Miyuki là giáo viên dạy tiếng Nhật tại Hà Nội.Từ đó, hành trình suốt 9 năm ròng, chị Komatsu đã đi khắp nơi dò hỏi về chuông Ngũ Hộ. Chị đến cả chùa Quán Sứ cùng các bảo tàng ở Hà Nội, nhưng đều bặt vô âm tín. May thay, khi chị gặp một nhà khảo cổ người Nhật ở Hà Nội, sau khi trình bày sự việc, nhà khảo cổ đã khuyên chị lên Bắc Ninh tìm hiểu.

Khi thấy chuông Ngũ Hộ ở Bảo tàng Bắc Ninh, chị Komatsu đã ứa nước mắt cảm động. Chị biên thư về cho luật sư Watanabe Takuro. Năm 2012, dù sức khỏe yếu và phải ngồi xe lăn, nhưng luật sư người Nhật vẫn sang Việt Nam để tham sự lễ cầu nguyện cho hòa bình dưới tiếng chuông Ngũ Hộ.

TRẦN NAM - NGUYÊN NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh