THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:51

Chuyện chàng trai trẻ “kết duyên” văn hóa Thái

 

 

Cảm xúc cơm nếp xôi

Ở Mai Châu, anh Kiều Văn Kiên, quê ở xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là người nổi tiếng. Anh biết tiếng Thái, biết các ngóc ngách lẫn góc cạnh của nền văn hóa vùng cao. Duyên nghiệp đưa anh trở thành một nhà sưu tầm văn hóa có ba bảy đường, nhưng anh bảo lần đầu đặt chân đến Mai Châu đã rợn rợn nhớ đến câu thơ của Quang Dũng: “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi/Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Bảng lảng Mai Châu xa xôi mà sương khói, làm chàng trai Hà Nội cứ mê đắm mãi. Rồi anh kết duyên với người con gái Thái, ở xã Xăm Khòe, một nhành ban trắng của núi rừng. Từ đó tình yêu đối với văn hoá Thái như mầm lộc bật tung nảy nở.

Vậy là từ cảm xúc “cơm nếp xôi” đã khiến chàng trai sinh năm 1978 đi vào con đường hoàn toàn mới lạ. Lúc đầu, nhiều người nghĩ đó là con đường không có tiền đồ, danh vọng thì càng hão huyền. Người khác lại nghĩ, hay Kiên bị bùa mê thuốc lú, nên mới làm những việc vô công rồi nghề như vậy(!).

Hành trình tìm “kho báu” Thái

Vạn sự khởi đầu nan, ngày đi làm, đêm về Kiên nhờ vợ dạy tiếng và chữ Thái. Như “cô dâu mới về nhà chồng”, Kiên phải tìm hiểu cuộc sống, phong tục, tập quán của người Thái bản địa để ứng xử với nhà vợ và sống với bà con làng bản cho đúng lễ nghĩa. Ngày rảnh, anh rủ vợ đi vào các bản làng ngấm thêm những nét đẹp mà anh chưa từng biết.

Anh kể, trong một lần đến thăm nhà hàng xóm, thấy những vật dụng hàng ngày để trên gác bếp của gia chủ thật lạ mắt. Anh xin được cầm xem, vừa ngắm anh vừa hỏi gia chủ công dụng của từng đồ vật cũ và từ đó trở nên tương tư. Vợ anh, chị Hà Thị Lê cho biết: “Tất cả các vật dụng cũ, từ ấm chén chum vại đến thúng mủng, cối xay đều được anh ấy quý giá nâng niu còn hơn vợ con. Biết anh yêu thích mà không phải để buôn bán nên nhiều người cũng biếu không chơ đỡ chật nhà”. Tuy vậy, Kiên từng chứng kiến vô số đồ cổ của các dân tộc bị những tay buôn thu mua kiếm lợi. Điều đáng buồn là nhiều người trong các bản làng không hiểu về giá trị văn hóa của vật dụng tổ tiên để lại nên đã bán đi mà không mảy may nuối tiếc.

Từ đó, anh thường lui tới các bản làng vùng sâu, vùng xa tìm mua lại những đồ vật cũ, cổ của người Thái. Những chuyến đi luôn tiềm ẩn rủi ro vì đường xa trơn trượt, thậm chí cướp bóc cũng không làm anh chùn bước. Chị Lê cho biết: “Thời gian đầu, thấy anh ấy suốt ngày đi xa, lại tha rổ rá, thúng mủng cũ về mà tôi thấy buồn, giống như phận có chồng mà cũng như không. Nhưng sau đó, biết được ý định bảo tồn văn hóa của anh ấy nên tôi cũng ủng hộ”.

Vật dụng đánh bắt cá của người Thái.

Suốt 10 năm nay, chỉ cần nghe nơi nào, nhà nào có đồ vật cũ của người Thái là anh lập tức lên đường. Hình như anh sợ “kẻ thù thời gian” sẽ làm hư hỏng, thất lạc đi những hiện vật kia để chúng không bao giờ tồn tại nữa. Không chỉ ở vùng Mai Châu, anh Kiên còn lặn lội đến khắp các tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An hoặc bất cứ vùng nào có người Thái cư ngụ để tìm hiểu, sưu tập và truyền bá những giá trị văn hóa cổ để người dân cùng yêu mến và giữ gìn cho thế hệ sau.

Tháng 6/2012, anh Kiên xin phép chính quyền địa phương dựng điểm tham quan văn hóa Thái Mai Châu, tại bản Mỏ xã Chiềng Châu để trưng bày, giới thiệu cho mọi người được biết về thời đã xa của một dân tộc có nền văn hóa đậm đà bản sắc. Điều đáng chú ý, tất cả mọi người vào đây đều không mất tiền vé, miễn sao khi ra về có được một chút gì đó trong đầu để thêm yêu hơn mảnh đất Mai Châu này.

Khu trưng bày của anh Kiên không rộng, chỉ là một ngôi nhà sàn cùng một khoảnh sân nhỏ. Tôi chú ý, trong số đó có những vật dụng rất có giá trị. Có những thứ được gọi là bảo vật quý giá. Những chum chóe đồ gốm do chính người Thái làm ra có tuổi đời vài trăm đến nghìn năm cũng được anh thu lượm về. Gặng hỏi mãi, anh mới tiết lộ: “Có những vật dụng mà nếu bán có giá cả tỷ bạc. Nhưng tỷ bạc không mua được quá khứ, không mua được văn hóa nên dù với giá nào tôi cũng không bán”. Anh cho biết thêm, trong thời gian tới, cùng với việc sưu tầm cổ vật văn hóa Thái, anh dự định mở lớp dạy chữ Thái miễn phí cho học sinh và thanh niên có nhu cầu. Vì theo anh, biết chữ Thái thì mới hiểu được tường tận nét văn hóa của người Thái.

Cả một nghìn hiện vật kia là một nghìn câu chuyện của quá khứ. Câu chuyện ấy không phải là sử thi, cũng không phải là một bài ca của núi rừng Tây Bắc mà đơn giản là câu chuyện của ngày hôm nay, câu chuyện của bảo tồn văn hóa. Có văn hóa là có tất cả. Giữ được văn hóa là giữ được tâm hồn.

TRẦN NAM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh