Chuyện bi hùng của gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Bía
- Tra cứu phẫu thuật
- 18:15 - 08/02/2015
Ông Nguyễn Văn Phúc (bên trái) và ông Phan Tâm.
Gia đình có ba người thân hy sinh vì cách mạng
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình thương được cấp 24m2, nằm hoang vắng trên đường lô cao su, phía sau là cánh rừng cao su của Nông trường Cẩm Mỹ, ông Nguyễn Văn Phúc với dáng vẻ ốm yếu, chân quê, nhưng giọng nói chắc nịch của người lính cho biết, Tết này, ông bước sang 69 tuổi, đã gần ngưỡng “Thất thập cổ lai hy”, gia đình ông đã sống và chiến đấu ở vùng đất Cẩm Mỹ đã gần 80 năm. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Ba (Bí danh Ba Quýt), sinh năm 1906, tại Hải Dương đã đưa gia đình vào Nam khi cụ làm công nhân cao su cho đồn điền Pháp tại Long Khánh từ năm 1936. Sau đó, được giác ngộ cách mạng, cụ trở thành cán bộ kháng chiến của Tỉnh ủy Đồng Nai. Do có nhiều thành tích trong đấu tranh cách mạng, cụ Ba đã bị địch treo giải bắt sống với giá 500.000 đồng (tiền chế độ cũ). Năm 1972, cụ Ba đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Long Khánh, trong trận càn khốc liệt của Mỹ- ngụy. Đau thương dồn dập đã xảy đến với gia đình cụ Đào Thị Bía, khi người chồng can trường vừa ngã xuống thì tiếp đến hung tin 2 người con yêu dấu là Nguyễn Ngọc Hạnh và Nguyễn Ngọc Tự cũng anh dũng hy sinh trong trận chiến ở huyện Cẩm Mỹ. Nước mắt bà Bia đã cạn khô vì gia đình có 3 người thân đã dâng hiến cho Tổ quốc, giờ đây cụ chỉ còn niềm an ủi, nhưng cũng đầy âu lo cho người con trai duy nhất còn lại là Nguyễn Văn Phúc. Kể đến đây, đôi mắt ông Phúc bỗng sáng lên, giọng nói mạnh mẽ, như nhớ đến thời oanh liệt của tuổi trẻ anh hùng. Nhớ lại về cái thời oanh liệt ấy, ông Phúc nói: "Năm 1964, với lứa tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết của gia đình truyền thống cách mạng, tôi tham gia du kích xã, rồi chuyển về chiến khu D. Qua hơn 1 năm học cơ yếu ở Trung ương Cục miền Nam, tôi được sung vào Ban Cơ yếu tỉnh Bà Rịa. Từ đây, tôi đã cùng đồng đội vào sinh ra tử với những trận đánh ác liệt ở Tây Ninh, Đồng Nai..."
Kỷ niệm nhất trong đời binh nghiệp của ông là trận chiến thắng vang dội Bình Giã. Lúc ấy, dù rất thiếu thốn và gian khổ đủ điều. Phải ăn củ mì sống và gạo mục, vũ khí số lượng hạn chế và chưa hiện đại so với địch. Nhưng ta đã đánh thắng nhiều trận lớn. Theo như sử liệu cho biết, ngày 3/1/1965, chiến dịch Bình Giã kết thúc. Ta đã tiêu diệt hơn 1700 tên địch, thu hơn 1000 súng và 100 máy thông tin, phá hủy 45 xe quân sự, bắn rơi 56 máy bay các loại ...
Một thời “oanh liệt” trong kháng chiến của ông Nguyễn Văn Phúc
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, ông về tham gia công tác ở địa phương, giữ các chức Chủ tịchUBND rồi Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ. Sau khi nghỉ việc ông ở nhà mà không được hưởng bất kỳ chế độ nào của Nhà nước. Năm 2008, ông đã được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng .
* Nỗi day dứt của người thân đang sống
Qua hồi tưởng những oai hùng của thời chiến sỹ, bỗng ông Phúc trầm giọng, như muốn trao gởi những tâm tình:
Gia đình ông đã có 3 người thân hy sinh cho Tổ quốc,cụ Đào Thị Bia, mẹ ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tuy nhiên, hiện nay Bằng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của mẹ, bằng Tổ quốc ghi công của người cha do lâu ngày đã phai mờ và bị lem nhòa vì dột nước mưa và thời gian. Nhưng xin đổi cấp lại vẫn không được. Nhất là tuổi ông nay đã cao và mong muốn trước khi nhắm mắt, thấy được tấm bằng Tổ quốc ghi công của người em liệt sỹ Nguyễn Ngọc Tự. Vì cho đến nay, đã gần 40 năm qua, ông đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng từ cấp xã, huyện, tỉnh, nhưng chỉ được trả lời rằng: Đã cấp rồi nhưng lại sai địa chỉ?!
Lúc chia tay chúng tôi, ông Phúc tâm sự thêm: Trước khi nhắm mắt, cha ông đã dặn dò phải chăm sóc cho một người em trai cùng cha khác mẹ - bà là cơ sở của cách mạng. Người em mà lúc nhỏ, thỉnh thoảng đã được ông đưa vào mật khu để thăm cha trong thời chiến. Sau này, ông đã dò tìm được người em đó, là ông Phan Tâm, sinh năm 1957, hiện cũng ở xã Xuân Mỹ,(huyện Cẩm Mỹ). Người mẹ kế tên là Trịnh Thị Trinh, đã mất và được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tặng vào ngày 14/7/2005, vì có thành tích trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào những dịp họp mặt gia đình, Phan Tâm đã đến lo hương khói cho cha, mẹ và cũng giúp đỡ ông trong lúc tuổi già yếu, gần đất xa trời. Đó là niềm an ủi cuối đời của ông.
* Một vài ý kiến của người viết
Là những nhà báo được mắt thấy tai nghe câu chuyện bi hùng của gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Bía, chúng tôi thiết nghĩ việc ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị được đổi lại Bằng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của mẹ, Bằng Tổ quốc ghi công của người cha, và Bằng Tổ quốc ghi công của người em liệt sỹ Nguyễn Ngọc Tự; cũng như bản thân ông Phúc đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ theo Nghị định 290 của Chính phủ là điều mà các cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai cần sớm kiểm tra, xem xét và nhanh chóng giải quyết. Đó là sự tri ân thiết thực nhất của những người đang sống đối với những người đã khuất, cũng như với những người đã có công trong cuộc kháng chiến giải phóng đất nước./.