Chuyện bầu Đức
- Văn hóa - Giải trí
- 02:35 - 09/02/2016
Từ việc mời Kiatisuk đầu quân
Bầu Đức bắt đầu “se duyên” với bóng đá từ việc tài trợ cho CLB Gia Lai năm 2001, sau đó năm 2002, đội bóng được UBND tỉnh Gia Lai chuyển giao cho Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai với tên gọi CLB HAGL FC. Khi đó, ông Đức tiếp nhận đội bóng và thành lập CLB HAGL nhằm mục tiêu dùng bóng đá quảng bá cho hoạt động kinh doanh gỗ, khai khoáng, thủy điện, chế tác đá xẻ của Tập đoàn HAGL. Và bầu Đức đã có một quyết định táo bạo, mời tiền đạo Thái Lan Kiatisuk Senamuang về đầu quân cho HAGL khi đó đang thi đấu ở giải hạng Nhất. Người viết còn nhớ, thời điểm đó có rất nhiều bài báo viết, bình luận về sự kiện này với nghi ngờ: Làm sao danh thủ Kiatisuk có thể đầu quân cho một đội bóng chưa hề có tên tuổi trong bản đồ bóng đá Việt, ngay một số đội bóng có “máu mặt” đang chơi ở V-League cũng khó có thể mời danh thủ số 1 Đông Nam Á sang đầu quân. Vậy mà ông Đức làm được và không những vậy, ông còn mời một loạt cầu thủ ngôi sao của Việt Nam thời điểm đó như: Nguyễn Hữu Đang, Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Phi Hùng, Võ Văn Hạnh… đầu quân.
Ông Đoàn Nguyên Đức.
CLB HAGL đoạt chức vô địch giải hạng Nhất, giành vé lên chơi hạng chuyên nghiệp V-League và 2 lần lên ngôi vô địch giải đấu cao nhất Việt Nam (V-League 2003, 2004) với đầu tầu là các danh thủ Thái Lan Kiatisuk, Chukiat, Dusit Chalermsan cùng các ngôi sao bóng đá Việt. Thời điểm đó, mỗi khi đội bóng HAGL đến địa phương nào thi đấu, y như rằng sân bóng đó người hâm mộ kéo tới ùn ùn chật kín, thậm chí có nguy cơ vỡ cả sân. HAGL được gọi là “Dream Team của bóng đá Việt” bởi một ông bầu yêu thích bóng đá cuồng nhiệt, sẵn sàng chi những khoản tiền lớn mua các cầu thủ ngôi sao về đầu quân cho CLB của mình. Với việc đưa danh thủ Kiatisuk sang thi đấu, bầu Đức đã mở ra kỷ nguyên các CLB bóng đá Việt Nam chọn cầu thủ Thái Lan sang chơi cho đội bóng của mình. Nhưng cũng chỉ có ông bầu đội bóng phố núi Pleiku thành công với việc sử dụng cầu thủ Thái Lan!
Đến Học viện HAGL -Arsenal JMG
Năm 2007, bầu Đức tiếp tục gây ngỡ ngàng cho giới làm bóng đá khi hợp tác với CLB Arsenal lừng danh của Anh quốc, thành lập Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, tuyển chọn các tài năng ở độ tuổi 10, 12 khắp mọi miền đất nước, sau đó do các chuyên gia hàng đầu của CLB Arsenal huấn luyện đào tạo. Mấy ai có thể nghĩ là bầu Đức, chứ không phải bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB HN.ACB khi đó), hay bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB Đồng Tâm-Long An)... lại là người tiên phong trong việc hợp tác với CLB bóng đá hàng đầu thế giới như Arsenal, trong khi bóng đá của Việt Nam chưa hề có tên tuổi trên thế giới. Còn nhớ, tại giải Ngoại hạng Anh mùa 2006 - 2007, ở những trận đấu của CLB Arsenal, trên bảng quảng cáo điện tử trên sân Emirates đều chạy dòng chữ: HOANG ANH GIA LAI VIET NAM, khiến cả triệu người hâm mộ bóng đá trong nước cảm thấy xúc động, tự hào.
Công Phượng (số 10) - sản phẩm của Học viện Hoàng Anh - Arsenal JMG.
Cuối năm 2014, lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL-Arsenal JMG trình làng ở giải vô địch U19 Đông Nam Á, Cup Nutifood mở rộng đã gây hiệu ứng với tin tức ngập tràn trên báo chí, truyền thông bởi lối chơi kỹ thuật, khéo léo từ những cái tên: Công Phượng, Đông Triều, Tuấn Anh, Văn Toàn... Sau đó, cơn sốt lên đến đỉnh điểm ở giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên tổ chức tại TP. Cần Thơ với sự tham dự của 6 đội bóng gồm: U21 Báo Thanh Niên, U21 Singapore, U21 Thái Lan, U19 HAGL-Arsenal JMG, U21 Malaysia và U21 Sydney. Mỗi trận đấu của U19 HAGL thi đấu có tới 4,5 vạn khán giả tới sân đông nghẹt (y như thời CLB HAGL có tiền đạo Kiatisuk trong đội hình năm 2003-2004), điều vốn chỉ diễn ra với đội tuyển bóng đá quốc gia. Và quả ngọt đã đến với bầu Đức: U19 HAGL-Arsenal đá bại U21 Thái Lan trong trận chung kết với tỷ số 3-0, lên ngôi vô địch thuyết phục.
Từ lứa cầu thủ tài năng khóa 1 của Học viện HAGL-Arsenal, bầu Đức tự tin đôn lứa Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều, Tuấn Anh làm nòng cốt dự V-League 2015, bất chấp những can ngăn của các chuyên gia. Do chưa có kinh nghiệm thi đấu ở V-League, đội bóng HAGL dưới sự dẫn dắt của HLV Guillaume Graechen đã thua 8 trận/13 lượt trận đi. Nhưng thật kỳ lạ, hiệu ứng từ Công Phượng, khiến HAGL vẫn thu hút rất đông khán giả theo dõi mỗi khi đội thi đấu, thậm chí có sân suýt vỡ vì lượng khán giả quá đông. Đội bóng thua liên tục, nhưng bầu Đức vẫn kiên trì thử thách lứa cầu thủ Học viện HAGL-Arsenal với lời tuyên bố: “Năm nay đá không tốt, sang năm sẽ đá tốt. HAGL có xuống hạng mùa này, tôi cũng không quá lo lắng”. Kết thúc V-League 2015, CLB HAGL trụ hạng ở vị trí áp chót, sau 3 trận thắng liên tiếp trước các đối thủ trên cơ, bầu Đức có thêm kinh nghiệm trong việc để lứa cầu thủ trẻ khi đá V-League.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
“Ông Miura là HLV ngoại dở nhất”
Là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hai khóa liên tiếp (khóa VI, VII), ông Đoàn Nguyên Đức không ngại khi thẳng thắn nhận xét về HLV Toshiya Miura sau 2 năm được VFF chọn làm thuyền trưởng dẫn dắt các đội tuyển bóng đá nam quốc gia. Thậm chí ông còn thẳng thắn: “Không phải vì HLV Miura ít xem trọng đến cầu thủ HAGL mà tôi phát biểu như vậy, đơn giản vì những gì ông làm được cho các đội tuyển quốc gia thời gian qua không bằng các HLV ngoại từng được VFF thuê. HLV Henrique Calitso đã giúp đội tuyển quốc gia một lần lên ngôi vô địch Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2008) một lần suýt giành HCV SEA Games 2009, triết lý bóng đá hoa mỹ của ông được nhiều người ủng hộ. Ngay cả khi HLV A. Riedl dẫn dắt các đội tuyển, chỉ tiêu luôn là vào tới chung kết và vô địch. Ông Miura thì sao, từ SEA Games đến AFF Cup chỉ tiêu đặt ra là vào tới bán kết, như vậy làm sao nâng tầm bóng đá Việt?”.
Bầu Đức cho rằng, triết lý bóng đá của HLV Miura quá bảo thủ, không phù hợp với cầu thủ Việt. Lối chơi thiên về sức mạnh mà HLV người Nhật áp dụng cho các đội tuyển Việt Nam đã không thành công, đội tuyển quốc gia không chỉ thua Thái Lan, Malaysia, thậm chí là cả Myanmar. “Nếu so sánh với tất cả các đời HLV ngoại tôi dám khẳng định chắc chắn, Miura là HLV ngoại dở nhất trong lịch sử các đời HLV ngoại từng làm việc với các đội tuyển Việt Nam. Nếu bỏ phiếu lựa chọn HLV trưởng cho đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia, tôi là người đầu tiên gạch tên HLV Miura”- bầu Đức bộc bạch.
Với tuyên bố thẳng thắn như vậy, chắc chắn ông Đức sẽ không được quan chức của Tổng cục Thể dục - Thể thao, và ngay với cả VFF không hài lòng. Nhưng với cách làm bóng đá chú trọng đào tạo cầu thủ trẻ từ mô hình Học viện HAGL-Arsenal JMG, cho trình làng những cầu thủ Việt có tiềm năng, niềm khát khao đưa bóng đá Việt đuổi kịp và vượt qua bóng đá Thái Lan, rõ ràng ông đang ghi điểm với những người hâm mộ bóng đá Việt.