THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:20

Chuyện anh Ba Dũng và người cứu mạng (Kỳ 1)

 

 Kỳ 1 - 41 vết thương và 11 mảnh đạn trên người anh Ba Dũng

 
(Cũng xin phép bạn đọc, trong ghi chép này, khi nói về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi sẽ gọi là Anh, bởi lẽ từ khi Anh còn là Thứ trưởng Bộ Công an, và ký quyết định cho ra đời tờ An ninh thế giới, chúng tôi đã gọi Thủ tướng là “Anh”. Sau này,  tôi và một số anh em văn nghệ sĩ khác hiếm khi gọi anh là Thủ tướng, hay Ông. Kể cả có những khi họp hành, nếu được phát biểu thì cũng cứ là “thưa anh Ba...”)

 


Anh Ba Dũng với nhà báo Nguyễn Như Phong.

 

Lần ấy, Anh gọi tôi tới phòng làm việc trong khu làm việc của Chính phủ. Đó là phòng làm việc của bác Phạm Văn Đồng ngày xưa. Trong phòng vẫn còn một số đồ đạc của bác Đồng để lại.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Anh đi dép lê và đi cà nhắc. Tôi hỏi: “Chân anh sao thế?”. Anh nói: “Chân anh bị thương từ hồi chiến tranh, đến bây giờ vẫn còn ít mảnh đạn, trở trời là đau lắm”.
Nói rồi, Anh kéo ống quần lên cho tôi nhìn.  Nhìn ống chân Anh, tôi sững sờ bởi bắp chân của đã bị biến dạng. Lúc này, tôi mới nhớ rằng trong lý lịch của Anh có ghi Anh là thương binh hạng 2/4, tức là loại khá nặng.
Tôi lại hỏi Anh: “Em nghe chị Ba nói, Anh vẫn còn nhiều mảnh đạn trên lưng, phải không?”. Anh gật đầu, cười và nói: “Anh bị 41 vết thương và 21 mảnh đạn. Gắp ra được nhiều rồi, nhưng bây giờ vẫn còn 11 mảnh ở vai, lưng và chân”.
Giao việc cho tôi xong, thấy Anh có vẻ thư thái, tôi nán lại hỏi chuyện, rằng nghe nói có một lần Anh sang Mỹ, máy soi an ninh cứ réo hoài trong khi trên người Anh không mang theo thứ gì, thì có phải do những mảnh đạn trên người không. Anh Ba cười: “Đúng đấy. Lúc đầu, an ninh sân bay ngạc nhiên lắm. Sau khi anh cho họ xem các vết thương, thậm chí còn sờ thấy mảnh đạn dưới thịt thì họ mới tin”.
Rồi bỗng nhiên, ánh mắt Anh trở nên xa xăm. Anh nói: “Anh vẫn áy náy lắm. Ngày ấy, nếu không có một người cứu anh thì chắc cũng đã chết từ lâu rồi”.

 


Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tấn Dũng với một số đại biểu công an tại Đại hội Đảng VIII.


Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tấn Dũng thăm gian triển lãm báo Xuân Công an nhân dân năm 1995


Rồi anh kể lại cho tôi một cách tóm tắt rằng trong một trận đánh, có Anh và một đồng đội, sau khi bắn hết đạn, anh trúng một quả đạn cối cá nhân M79 của lính Sài Gòn. Chân phải Anh bị thương nặng, không thể lê nổi. Anh quyết định ở lại chặn giặc cho người đồng đội bơi qua sông Cái Tàu để rút về, nhưng người đó không chịu.
Anh ấy bơi qua sông, rồi lại quay lại, đẩy theo một chiếc cối giã gạo khoét bằng một khúc gỗ lớn, rồi bế Anh xuống chiếc cối ấy và phủ lục bình lên để đẩy qua sông. Sau đó, Anh được đưa vào bệnh xá .
Sau đó, người đồng đội ấy trở về đơn vị và từ ấy hai người bặt tin nhau. Anh chỉ nhớ người đó tên là Kiên, hay còn gọi là Tư Kiên.
Sau khi giải phóng Sài Gòn, mỗi khi nhớ đến người đã cứu mình, anh Ba lại áy náy không yên. Anh đã nhờ rất nhiều người đi tìm, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nghe anh Ba kể câu chuyện đó, tôi nói: “Chắc là anh ấy đã hy sinh, nếu không thì sau này thế nào cũng tìm đến Anh”.
Anh Ba lắc đầu: “Anh không tin là anh ấy đã hy sinh. Còn chuyện anh ấy không tìm đến mình thì cũng dễ hiểu, bởi mình đã tìm được anh ấy đâu”.
Câu chuyện dừng lại ở đó. Hơn một năm sau, cũng trong một lần gặp Anh Ba, tôi được nghe Anh kể vắn tắt về câu chuyện đã tìm được người cứu Anh.
Tôi nghe nói câu chuyện anh Ba gặp lại người cứu mình đã được một số tờ báo viết, và được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 làm lại thành một bộ phim. Sau này, tôi cũng được biết rằng mỗi khi có dịp về, anh Ba, chị Ba, có khi cả các con của Anh đều đến thăm chú Tư Kiên. Sau này rà soát lại thành tích, chú Tư Kiên cũng đã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Chỉ có điều, trong thành tích để phong Anh hùng, người ta chỉ nhắc một cách hết sức sơ lược là đã cứu anh Ba Dũng.

 


Anh Ba Dũng cho xem tấm phim chụp mảnh đạn trong chân phải.

 

Vào một ngày đầu tháng 3/2016, trước khi rời vị trí Thủ tướng Chính phủ, anh Ba có kêu mấy anh em nhà văn tới ăn cơm và tặng mỗi người một cây bút, trên đó có khắc tên người được nhận. Điều làm các anh em văn nghệ sĩ ngạc nhiên nhất, đó là anh Ba nhớ rất nhiều tác phẩm văn học. Có những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, mặc dù đã đọc cách đây cả chục năm, anh Ba vẫn nhớ một số chi tiết.
Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì kể một câu chuyện về trí nhớ siêu phàm của anh Ba. 5 năm trước, trong một lần gặp anh Ba, anh đã tỏ ra rất thích thú với truyện ngắn “Ký ức binh nhì”. Anh nói, Anh đã đọc đi đọc lại truyện ngắn này trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, rồi Anh đọc cho Trần Đăng Khoa nghe cả một đoạn trong truyện mà anh thuộc lòng.
Lần ấy, Trần Đăng Khoa đã hết sức kinh ngạc vì người ta nhớ nhạc, nhớ thơ thì nhiều, chứ nhớ một đoạn văn xuôi trong truyện ngắn thì thật hiếm có.
Trong câu chuyện với anh em nhà văn chúng tôi hôm ấy, gồm có tôi, Xuân Ba, Nguyễn Thu Huệ, Nguyễn Quang Thiều, Chu Lai, Trần Đăng Khoa và Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước. Điều kỳ lạ và khiến chúng tôi rất xúc động là Anh Ba không chỉ nhớ tên các tác phẩm lớn của chúng tôi và còn bình phẩm những chi tiết hay.
Lúc này, càng nhìn Anh Ba, tôi càng thấy ở Anh có chất hơi “lãng tử”. Và ngắm những tấm ảnh mà tôi chụp Anh từ hồi Đại hội Đảng 8 thì thấy ở Anh có toát lên chất nghệ sĩ, và cứ lờ mờ giống giống ai.
Bỗng nhà văn Chu Lai nói: “Nếu anh Ba Dũng không làm chính trị mà đí đóng phim, chắc cũng sẽ nổi tiếng”. Anh Ba bật cười và bảo: “Tôi có ông cậu họ đóng phim nổi tiếng lắm”.
Mọi người hỏi, Anh Ba mới nói đó là Nguyễn Chánh Tín. Hóa ra Anh Ba và Nguyễn Chánh Tín là có họ rất gần. Ông ngoại của anh Ba Dũng là anh ruột ba ông Nguyễn Chánh Tín. Và má anh Ba Dũng là chị họ Nguyễn Chánh Tín. Cho nên, về vai vế họ hàng, anh Ba Dũng phải gọi Nguyễn Chánh Tín bằng cậu. Thảo nào, nhìn kỹ ảnh thời trai trẻ thì giữa Anh Ba và Nguyễn Chánh Tín cũng có nét giống.
Hai gia đình như hai cành cây mọc ra từ một gốc nhưng lại chĩa hai ngả khác nhau. Gia đình anh Ba Dũng thì cả nhà tham gia kháng chiến, còn gia đình ông Nguyễn Chánh Tín lại về Sài Gòn và theo con đường khác.
Câu chuyện của hai gia đình và chuyện Anh Ba với ông Nguyễn Chánh Tín cũng rất lý thú mà chúng tôi sẽ kể với bạn đọc vào một dịp khác.
Hôm ấy, chúng tôi uống khá nhiều rượu. Với những người như nhà văn Chu Lai và Xuân Ba, Hữu Ước thì tửu lượng cũng không xoàng, nhưng ai cũng lắc đầu khi thấy Anh Ba “hết nhé” rất dịu dàng.

 


Anh Ba Dũng tháo bỏ cravat ngay khi vào máy bay


Biết tiếng anh Ba có tửu lượng vào loại “cao thủ" từ lâu, nhưng hôm ấy tôi mới “thực mục sở thị”. Anh uống rượu cứ như không, và sắc mặt gần như không đổi. Anh bàn luận về rượu cũng sắc sảo, tinh tế.
Tôi hỏi Anh, thời thanh niên có uống rượu giỏi như thế này không. Anh nói, thời chiến tranh, Anh không biết uống rượu. Uống một ly là đỏ mặt, tim đập nhanh. Nhưng sau một lần bị thương nặng, anh em trong đơn vị phải tiếp máu cho Anh. Ngày ấy, không có máy móc để xác định các nhóm máu như bây giờ, chỉ có cách là đặt 2 giọt máu đặt cạnh nhau, và tự chúng “hít” vào nhau. Nếu không bị kết tủa là cùng nhóm máu và thế là… truyền.
Sau lần ấy, anh uống rượu rất tốt. Anh bảo rằng, nghe nói là trong số 12 người truyền máu cứu Anh, có hai “cao thủ”. Chắc là nhờ những giọt “máu rượu” này mà từ đó Anh Ba uống rượu rất giỏi.
Nghe Anh kể chuyện này, nhà văn Chu Lai cười sằng sặc: "Số anh thật là may vì tôi không tiếp máu cho anh, không thì sau này, anh nhìn thấy con gái sẽ không chịu nổi”.
Anh Ba lại cho chúng tôi xem mấy tấm phim chụp các mảnh đạn còn nằm trong người Anh. Có tất cả 11 mảnh, trong đó có một mảnh nằm ở khớp mắt cá chân rất hiểm ác.
Tôi được đi theo Thủ tướng trong nhiều chuyến ra nước ngoài nên cũng biết nỗi khổ của Anh về cái chân bị thương. Và tôi biết nhiều khi chân đau quá, Anh phải nghiến răng lại để mà đi cho “ngay ngắn”. Người bác sĩ của Anh luôn thủ theo một bình xịt gây tê dành cho cầu thủ bóng đá. Khi nào thấy đau không chịu được, thì phải dùng bình gây tê này.
Tôi cũng rình chụp được những tấm ảnh khá thú vị về Anh Ba, trong đó có ảnh, động tác đầu tiên của Anh Ba khi vào máy bay chuyên cơ là tháo ngay chiếc cravat…
Rồi nhà văn Chu Lai, người lính đặc công rừng Sác năm xưa  rất xúc động khi tận mắt thấy cẳng chân méo mó, sần sùi thương tích của Anh Ba, ông trịnh trọng: “Tôi khẳng định rằng, trong các nguyên thủ quốc gia đương đại trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người thương binh trong chiến tranh duy nhất”.

 

(Còn tiếp)

Ghi chép của Nguyễn Như Phong/PetroTimes

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh