CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:49

Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020: Nâng cao vị thế người khuyết tật

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng; Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã Văn phòng Chính phủ Đoàn Hữu Bảy; Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi; Chủ tịch Quỹ an sinh xã hội Tạ Việt Anh, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và người khuyết tật tham dự.

Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020: Nâng cao vị thế người khuyết tật - Ảnh 1.

Hội nghị Tổng kết Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020

Gần 30.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh

Theo Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT) chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020: Nâng cao vị thế người khuyết tật - Ảnh 2.

Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi

Từ năm 2013 đến 2020, kinh phí thực hiện Đề án 1019 từ dự toán chi thường xuyên hàng năm khoảng trên 300 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các Bộ, ngành trung ương 86,24 tỷ đồng, địa phương 214 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội cho biết, Việt Nam hiện nay có gần 30.000 trẻ chiếm khoảng 2% dân số trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ phát hiện sớm, những khiếm khuyết của trẻ trước sinh và sơ sinh trong phạm vi của Đề án 1019 được triển khai thực hiện lồng ghép trong Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020: Nâng cao vị thế người khuyết tật - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội

Về Trợ giúp tiếp cận giáo dục, đến nay, cả nước đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố, phát triển được mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 tỉnh, thành trong cả nước; biên soạn và cung cấp một số giáo trình, tài liệu phục vụ việc học tập của học sinh khuyết tật, số lượng học sinh khuyết tật được đi học trong giai đoạn 2012 – 2020 đã tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000 – 2010, đồng thời chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng cao, trên 45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên, tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở trẻ em khuyết tật đã giảm đáng kể.

Cả nước hiện có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là 3.359 giáo viên. Giai đoạn 2012- 2020, bình quân mỗi năm có từ 17.000 – 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Nâng cao vị thế của người khuyết tật thông qua Chương trình

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam Lê Tấn Dũng cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc.

Đặc biệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của người khuyết tật. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã được thực hiện và cơ bản hoàn thành. Chương trình cũng đã thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và người khuyết tật.

Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020: Nâng cao vị thế người khuyết tật - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu chị đạo tại Hội nghị

Người khuyết tật đón nhận chương trình với tình cảm phấn khởi, tin tưởng; nhiều người khuyết tật được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống của họ được cải thiện nâng cao rõ rệt; góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước, thu hẹp tốc độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; các cấp chính quyền và đoàn thể có thêm những kinh nghiệm quý trong quá trình tổ chức triển khai chương trình.

Kế thừa và phát huy thành quả đạt được về trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020, đồng thời thực hiện Công ước quốc tế về quyền NKT, Chiến lược Incheon " đưa Quyền thành hiện thực" cho NKT ở châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2013- 2022 và Luật người khuyết tật, ngày 5/8/ 2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật,nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT, tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.

"Việc tổng kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai Chương trình 2021-2030 có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về người khuyết tật và Luật người khuyết tật, thúc đẩy hòa nhập đời sống xã hội của người khuyết tật" – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, qua thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 cần thiết phải có Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Trong giai đoạn này, Đề án cần bám sát Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên hợp quốc và các cam kết của khu vực Đông Nam Á và ASEAN, Luật Người khuyết tật, các chính sách liên quan đến người khuyết tật để xác định nội dung các hoạt động, tiêu chí và mục tiêu phấn đấu và ưu tiên, giai đoạn 2021-2030.

Triển khai các hoạt động thi hành Luật người khuyết tật và các Luật liên quan, Chỉ thị 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật (gọi tắt là Chỉ thị 39) sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân và người khuyết tật nói riêng.

Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật; khuyến khích người khuyết tật có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và giúp đỡ người khuyết tật khác.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh