THỨ BẨY, NGÀY 21 THÁNG 09 NĂM 2024 06:45

Chương trình nghệ thuật đặc biệt ''Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử''

Theo Bộ VH-TT&DL, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã đề nghị Nghệ sĩ nhân dân Trần Bình, tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn chương trình cùng ê kíp dàn dựng cần làm nổi bật giá trị những luận điểm cơ bản của Đề cương; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng, đặc biệt, một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong kháng chiến đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc.

16012022maimaitinDang2-1676368225932

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Bình, chương trình dùng ngôn ngữ nghệ thuật như hát, múa, phim tài liệu, các hình thức nghệ thuật biểu diễn khác để thể hiện những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa Việt Nam theo suốt dọc chiều dài lịch sử phát triển của đất nước 80 năm qua.

Theo đó, chương trình gồm 3 chương. Chương I - “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tái hiện bối cảnh lịch sử Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Hà Nội ngày 24/11/1946 với luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các ca khúc cách mạng trong chương 1 có: “Cờ Việt minh”, “Liên khúc Ngọn đuốc soi đường”, “Bình minh”, “Lá cờ Đảng”, “Đoàn lữ nhạc”…, nhằm tái hiện bối cảnh lịch sử trước khi Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời, lúc đó tình hình đất nước ta rất căng thẳng, trở thành thuộc địa của cả Pháp và Nhật. Khao khát độc lập dân tộc và tự do dân chủ trở thành nhu cầu của mỗi người Việt Nam. Một trong những điểm nhấn ở Chương I là liên khúc Ngọn đuốc soi đường (nhạc: Đức Trịnh, lời: NSND Trần Bình) qua sự thể hiện của hai ca sĩ Thanh Thanh, Phúc Đại, dàn hợp xướng và dàn múa sẽ phần nào nêu rõ tầm quan trọng của văn hóa, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Chương II - “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” tái hiện tinh thần khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành sức mạnh để huy động mọi nguồn lực dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt thời kỳ 1940-1975, góp phần phát huy vai trò của văn hóa, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, huy động được các lực lượng làm công tác văn hóa và toàn dân tham gia vào hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước qua các ca khúc đã đi cùng nhiều thế hệ người Việt Nam như "Biết ơn cụ Hồ Chí Minh", "Người Hà Nội", "Trường ca sông Lô", liên khúc "Hò kéo pháo", "Giải phóng Điện Biên"....

Chương III “Văn hóa còn thì dân tộc còn” với các tiết mục như liên khúc "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam", "Bay qua biển Đông", liên khúc "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "Việt Nam ơi, ta bước tiếp"... góp phần khẳng định giá trị tư tưởng nguyên vẹn của Đề cương về văn hóa Việt Nam 80 năm qua.

Sự kiện Đại hội Văn hóa toàn quốc khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 24/11/1946 với luận điểm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được tái hiện bằng hình ảnh phim tư liệu và cả ngôn ngữ nghệ thuật trên sân khấu với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Đoàn trống hội Bộ Công an, Đoàn nghi lễ Bộ Quốc phòng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương… Theo BTC, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, bằng lời ca tiếng hát, các nghệ sĩ tham gia chương trình cùng tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua. “Đây là một chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa đặc biệt. Vẫn là những giai điệu quen thuộc với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng nhưng thông qua đó, khán giả sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp, ý nghĩa mà các văn nghệ sỹ, ê kíp làm chương trình gửi gắm”, đại diện BTC chia sẻ.

Cũng trong dịp này, ở địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam với các hình thức phù hợp. Đó là tọa đàm, hội thảo khoa học; triển lãm nghệ thuật; nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi tìm hiểu về Đề cương văn hóa, qua đó, làm rõ khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm cần được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, hướng tới nhiều đối tượng; có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Duy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh