Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm: Người dân tận dụng thế mạnh bản địa để vươn lên làm giàu
- Dược liệu
- 23:41 - 23/03/2021
Gần 4.500 sản phẩm đạt 3 sao trở lên
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, triển khai chương trình OCOP, có 4.469 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên của 59 tỉnh, thành phố, vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp... từ đó góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, có 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Chương trình OCOP cũng đã góp phần đáng kể trong tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như, các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động... Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam (25%).
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Chương trình OCOP góp phần bảo tồn và phát huy gần 2.000 làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn. Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương. Hiện cả nước có khoảng 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động.
Phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP
Là một chương trình mới, OCOP sẽ khó tránh khỏi việc nhiều chủ thể tham gia chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của Chương trình, cũng như còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác. Điều này dễ khiến Chương trình OCOP triển khai như một hình thức thi đua, phong trào.
Theo ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, cần sớm ban hành Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương có cơ sở ban hành Đề án thực hiện trong giai đoạn tới. Đồng thời, rà soát, đánh giá và hoàn thiện lại Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn. Cùng đó, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thực hiện Chương trình, nhất là việc kiểm tra, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dung; chỉ đạo, hướng dẫn đánh giá phân hạng sản phẩm tại các địa phương, đảm bảo thực chất, tránh tính trạng chạy theo thành tích về số lượng sản phẩm đạt chuẩn.
Cũng theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng về OCOP, ngành công thương và ngành nông nghiệp nên nghiên cứu thống nhất, quy định chung Bộ tiêu chí đánh giá, cấp Giấy công nhận sản phẩm chung là sản phẩm OCOP; không nên để tình trạng cùng một sản phẩm vừa cấp Giấy công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, vừa cấp giấy công nhận sản phẩm OCOP (tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận của 2 loại này gần như có tính tương đồng). Ngoài ra, các bộ, ngành cũng cần bổ sung, hoàn thiện Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạnh sản phẩm OCOP; trong đó, cần tăng điểm tiêu chí chất chượng sản phẩm; xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng, lưu hồ sơ phân hạng... Bởi đây sẽ là yếu tố giúp cho chương trình tập trung cho phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, muộn nhất vào tháng 6/2021. "Trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.
Ngoài ra, phải chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.