THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:00

Chương trình EPA: Thu nhập cao, cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản cho điều dưỡng, hộ lý Việt Nam

Ông Phạm Viết Hương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

Ông Phạm Viết Hương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

Xin ông cho biết những ưu điểm vượt trội mà Chương trình EPA có được so với những chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khác?

Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, chương trình đưa ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản (gọi tắt là chương trình EPA) được hai nước chính thức triển khai từ năm 2012. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH, trực tiếp là Cục Quản lý lao động ngoài nước, là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình này. Là chương trình phi lợi nhuận được ký kết giữa hai Chính phủ, do đó, khi tham gia chương trình, các ứng viên sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi mà các chương trình khác khó có được. Cụ thể

Các ứng viên được lựa chọn tham gia chương trình EPA được đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở, học tập; được trợ cấp tiền sinh hoạt phí trong thời gian tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật 12 tháng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ứng viên được đài thọ chi phí vé máy bay, lệ phí visa sang Nhật Bản, vé máy bay về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình, chỉ phải trả phí khám sức khỏe trước khi đi. Ứng viên cũng được tham gia khóa đào tạo nâng cao miễn phí tại Nhật Bản trong 2 tháng trước khi đến cơ sở tiếp nhận.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, việc tiếp nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý là hoạt động đặc biệt được triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ. Thời gian tới, Nhật Bản mở rộng tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, ưu tiên hàng đầu là nhân lực chăm sóc người cao tuổi.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đến Nhật Bản hồi tháng 9 năm nay, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yasuhito Hanashi nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là mở rộng dần các ngành nghề, lĩnh vực cho thực tập sinh nước ngoài. "Trước mắt, một số ngành nghề được mở rộng và ưu tiên hàng đầu là chăm sóc người cao tuổi", ông Yasuhito Hanashi cho hay.

 

Thời gian vừa học vừa làm tối đa là 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần) tại các cơ sở dưỡng lão, bệnh viện của Nhật Bản. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương theo quy định của pháp luật nước sở tại. Mức lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý thông thường ở mức 160 nghìn - 180 nghìn yên/tháng  (tương đương 26 triệu-30 triệu đồng). Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

Đặc biệt, trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, ứng viên được phép tham dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ tư. Nếu đỗ, ứng viên sẽ được phía Nhật Bản cấp chứng chỉ quốc gia điều dưỡng, hộ lý và được phép ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản.

Điều dưỡng, hộ lý Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được đánh giá cao

Điều dưỡng, hộ lý Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được đánh giá cao

Để được hưởng những chính sách phúc lợi trên, các ứng viên cần phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?

Công dân Việt Nam có nguyện vọng đăng ký tham gia chương trình phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể:

Đối với ứng viên hộ lý, cần tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm). Ứng viên không quá 35 tuổi; đủ điều kiện về sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; có nguyện vọng được tham gia chương trình và có thể tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật.

Đối với ứng viên điều dưỡng, ngoài những tiêu chí được nêu với ứng viên hộ lý, họ phải có thêm một số điều kiện nữa. Đó là: được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ứng viên cần có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).

Nói về cơ hội cho người lao động Việt Nam sang làm điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH DV Quốc tế Sài Gòn - Saigon Inserco cho rằng cơ hội việc làm bền vững, lâu dài cho điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tại Nhật Bản là rất lớn. Ở Nhật, đây là công việc rất được xã hội quý trọng bởi Nhật Bản là đất nước trọng người cao tuổi. Phúc lợi cho người lao động làm việc trong lĩnh vực này cũng khá tốt. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho công việc này là trình độ tiếng Nhật. Nếu tiếng Nhật tốt, người lao động sẽ bắt nhịp rất nhanh với công việc vì kỹ năng và trình độ chuyên môn về điều dưỡng, hộ lý các lao động trẻ người Việt là khá tốt.

"Khi chọn ngành điều dưỡng, hộ lý thì người lao động không nên hỏi "đi nhanh hay đi chậm" vì nếu đi Nhật Bản khi còn trẻ, chưa được trang bị tốt về chuyên môn, ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, tác phong làm việc chuyên nghiệp thì hiệu quả không cao. Nếu được đào tạo bài bản, có kỹ năng, ngoại ngữ thì sẽ có cơ hội phát triển, học hỏi nhiều hơn để có bước đệm trước khi trở về Việt Nam. Khi có kinh nghiệm, người lao động sẽ có thu nhập tốt, công việc ổn định, lâu dài"- bà Cúc nói.

 

Sau 10 năm triển khai, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Chương trình này?

Thực tế đó cho thấy, Chương trình EPA là cơ hội việc làm tốt, hấp dẫn để sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam có điều kiện nâng cao tay nghề, kỹ năng và thu nhập tốt ở Nhật Bản. Hoạt động này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm phù hợp tại Nhật Bản.

Đặc biệt, vì đây là chương trình phi lợi nhuận, hầu hết chi phí người lao động đều được hỗ trợ nên rất phù hợp với những đối tượng không có điều kiện kinh tế. Do vậy, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo… là những đối tượng ưu tiên mà Chương trình EPA  hướng tới...

Nhật Bản hiện đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế nên nhu cầu lao động trong lĩnh vực này rất cao. Trong khi đó, qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác với tỉ lệ thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao  (37% với ứng viên điều dưỡng và 91% với ứng viên hộ lý, so với ứng viên của các nước khác chỉ đạt tỉ lệ đỗ khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý). Trong thời gian qua chất lượng của ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã được các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận của phía Bạn luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tuyển chọn 240 ứng viên điều dưỡng, hộ lý đến tham gia chương trình EPA khóa 11 năm 2022.

Ứng viên đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc qua đường bưu điện tới: Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn), 41 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 7/6/2022 đến 31/10/2022.

Dự kiến, thời gian tuyển chọn diễn ra vào trung tuần tháng 11/2022. Thời điểm cụ thể và danh sách ứng viên tham gia dự tuyển sẽ được thông báo trên website www.dolab.gov.vn và thông tin trực tiếp đến các ứng viên có hồ sơ hợp lệ.

Ứng viên trúng tuyển tham gia chương trình và các thủ tục nhập học đối với khóa đào tạo tiếng Nhật dự kiến khai giảng tuần đầu tháng 12/2022. Các ứng viên đã đạt chứng chỉ tiếng Nhật N1, N2 không phải học khóa đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam.

 

Hà Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh