Chương trình cho thiếu nhi: “Sân chơi” đang bị bỏ ngỏ
- Văn hóa - Giải trí
- 04:43 - 13/05/2016
Truyền hình: Nhiều mà vẫn nhạt
Nhìn tổng thể, có khá nhiều chương trình truyền hình dành riêng cho trẻ em hiện nay, cả kênh trong nước và nước ngoài như: Disney Chanel, Bibi, Cartoon Network, KidT... Bên cạnh đó, còn các chương trình giải trí của các kênh truyền hình khác như: “Bông hoa nhỏ”, “Chúc bé ngủ ngon” (VTV2); “Truyện cổ tích Việt Nam”, “Chuyện ngày xưa” (HTV3)... Vài năm trở lại đây, các đài còn phát triển thêm nhiều thể loại chương trình như game show “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5”, “Trẻ em luôn đúng”; chương trình truyền hình thực tế: “Đồ Rê Mí đôi”, “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”...
Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng các chương trình thiếu nhi của các kênh truyền hình trong nước thì không ít người lắc đầu ngao ngán. Đã gần đến tháng 6 rồi nhưng trên chương trình “Nhảy cùng Bibi” của Kênh truyền hình Bibi cứ vài ngày lại phát lại bài nhảy “Sắp đến Tết rồi”. Nó lặp đi lặp lại, nhàm chán đến nỗi cứ mỗi khi bật tivi nhìn thấy cô MC dẫn chương trình bắt đầu câu nói “Các em ơi, sắp đến Tết rồi, chị sẽ hướng dẫn các em bài nhảy có tên…” là một cậu bé 3 tuổi lại giãy nảy lên “Mẹ bật kênh khác đi, con không xem cái này đâu”. Tương tự, các bài nhảy khác trong chương trình này cũng được phát đi phát lại cả năm trời như thế…
Trên truyền hình hiện nay, có khung giờ vàng dành để chiếu phim Việt nhưng là phim "cho người lớn" chứ không phải phim hoạt hình. Khán giả nhí muốn xem phim hoạt hình thì xin mời xem các kênh truyền hình nước ngoài trên hệ thống truyền hình cáp như Catoon Networks, Disney Cattoon. Đó là những kênh dành riêng chiếu phim hoạt hình và các em có thể "no nê" thưởng thức những bộ phim hoạt hình hay của thế giới. Ngay cả kênh truyền hình Bibi do Việt Nam sáng lập cũng gần như chỉ chiếu phim hoạt hình nước ngoài. Hầu hết trẻ em xem truyền hình đều thích thú với “món” phim hoạt hình, tuy nhiên, những bộ phim hoạt hình Việt Nam chỉ như muối bỏ biển. Số lượng phim sản xuất chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, và chất lượng thì còn tệ hơn nữa. Thực tế cho thấy, tuy mang danh nghĩa chương trình thiếu nhi nhưng nhiều chương trình thiếu nhi lại đơn điệu, khô cứng với cách suy nghĩ của người lớn, cách thể hiện ít sáng tạo...
Theo một kết quả khảo sát tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận, chỉ khoảng 30 - 45% các em có xem các chương trình truyền hình thiếu nhi do Việt Nam sản xuất, trong đó tỉ lệ các em xem thường xuyên chiếm khoảng 25 - 30%. Có một lý do, các chương trình phát sóng chủ yếu vào các múi giờ như 6 giờ 30, 7 giờ 30, 14 giờ 30, 16 giờ 30, 17 giờ... không phù hợp với việc xem truyền hình của trẻ em. Nỗi lo lớn nhất của các bậc phụ huynh hiện nay là phần lớn các chương trình đang phát trên truyền hình mà trẻ em yêu thích đều là hàng ngoại. Việc những đứa trẻ "cắm mặt" suốt ngày theo dõi các kênh hoạt hình nước ngoài (chỉ có phụ đề) dẫn đến quen, và yêu thích văn hóa nước ngoài; từ đó có thể dẫn tới hiện tượng chê và chối bỏ văn hóa trong nước...
Sân khấu: Vừa thiếu vừa nhàm
Khác với truyền hình, sân khấu dành cho thiếu nhi mỗi năm chỉ có một mùa. Tuy chỉ có một mùa nhưng năm nào cũng vậy, “mâm cỗ” dành cho thiếu nhi vẫn là món “lẩu thập cẩm” với một tí kịch, một tí xiếc, một tí hài kịch, múa, hát... Những người yêu nghệ thuật vẫn đang chờ đợi và mơ ước về một trung tâm kịch nghệ có sân khấu riêng cho thiếu nhi nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước.
Nhiều đơn vị nghệ thuật chia sẻ, làm chương trình cho thiếu nhi chẳng bao giờ lãi mà làm cho các em cũng không thể sơ sài qua loa được. Khi đầu tư xây dựng chương trình, những người làm nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như kịch bản, đạo cụ, phục trang, biên đạo, âm nhạc... Kinh phí bỏ ra cho một vở kịch thiếu nhi thường cao hơn so với kịch người lớn nhưng khả năng thu về lại rất bấp bênh. Những loại hình nghệ thuật sân khấu gần gũi với đối tượng thiếu nhi là kịch, xiếc và múa rối. Tuy nhiên, nếu cứ xoay vòng trong những kịch bản cũ mòn, thiếu đổi món, thiếu óc tưởng tượng sẽ dẫn đến việc trẻ không muốn xem, không muốn nghe.
Hơn nữa, sân khấu thiếu nhi đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình giải trí khác. Xét về thực lực thì đầu tư chương trình chất lượng cao, quy mô cũng khó có thể cạnh tranh với truyền hình, với các trò chơi điện tử hấp dẫn... Để có thể kéo các em tới rạp đòi hỏi vở kịch phải có sức hút lớn bởi hiện nay, các em tiếp xúc với các kênh giải trí truyền hình của nước ngoài, đã quen với một gu thẩm mỹ mới về hình ảnh, màu sắc, âm thanh... Điều này đồng nghĩa phải có sự đầu tư mạnh tay từ các đơn vị. Vấn đề lại không hề đơn giản trong tình hình “lay lắt” của nhiều sân khấu hiện nay. Đó cũng là một trong những lý do khiến các đơn vị phải làm kịch thiếu nhi “theo mùa” chứ không dám mạnh tay đầu tư dàn dựng kịch dành cho thiếu nhi trong khung biểu diễn định kỳ.
Dẫu những điều trông thấy về thực trạng sân khấu thiếu nhi đang bị “bỏ hoang” rất rõ ràng nhưng các đơn vị nghệ thuật từ nhà nước đến tư nhân không mấy mặn mà trong việc khai thác lại mảnh đất này. Nhiều đơn vị sân khấu cho rằng đầu tư vào kịch thiếu nhi không khác gì một canh bạc mạo hiểm. Chính vì sự mạo hiểm này nên nhiều đơn vị “né” mảng sân khấu thiếu nhi. Kết quả, chính các em là người chịu thiệt thòi nhất.