CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:21

Chuông nguyện Núi Nài

Núi Nài hay còn gọi Cảm Sơn với diện tích chưa đầy một ki lô mét vuông, nằm tọa lạc ngay giữa lòng "Thành Sen" (thành phố Hà Tĩnh) từng cất dấu biệt ly trong thơ của cố thi sỹ Phạm Ngọc Cảnh : " ... Lum khum dáng cuốc mờ chân Núi Nài/ Vại cà mặn thấm nương khoai/Nuôi nhau đủ tiếng thở dài mà đi...".Dù ly biệt, biệt ly thì Núi Nài vẫn đứng đó vò võ đợi người về!  Bởi vậy, cố nhà văn Văn Linh cũng là một đứa con ưu tú của long mạch Cảm Sơn đã lấy cảm hứng từ những bông hoa dẻ, mà người Thành Sen quê tôi thường gọi hoa Trập trội, khiêm tốn nép mình bên dốc núi như những nàng thiếu nữ vừa bước qua tuổi dậy thì buông mềm tóc xõa, tỏa ngát hương quê, để viết lên tiểu thuyết "Mùa hoa giẻ" nổi tiếng. 

Và rồi, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, dù ở miền viễn xứ nhà văn vẫn vái vọng về phương trời bản quán nói lời trăng trối cuối cùng với con, cháu với ước nguyện chỉ mong được yên nghỉ dưới lòng đất mẹ Núi Nài. Giờ thì di nguyện ấy đã thành hiện thực, khi họa sĩ Trần Thạch Linh, con trai ông đã chuyển hài cốt phụ thân yêu dấu của ông từ Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) về an táng ngay bên sườn dốc Núi Nài thiêng ấy, để linh hồn ông được mãn nguyện gối giấc vĩnh hằng.

Núi Nài không những nên thơ mà còn là địa chỉ tâm linh trong tín ngưỡng của người Thành Sen. Núi luôn ẩn chứa sức mạnh phi phàm đầy quyền uy như một pháo đài sừng sững, bất khả xâm phạm, ôm ấp lấy quê tôi từ trong rốn ruột mà vượt qua bao biến động của dịch hoạn, thiên tai và chiến tranh lửa khói. Trải qua bao giông tố thời gian, Núi Nài càng được biết đến như một bảo tàng thu nhỏ của nhiều di tích lịch sử- văn hóa, gồm cả một hệ thống đền, chùa, miếu mạo... với nhiều nét kiến trúc khác nhau. Nổi bật là những kiến trúc mang đậm tính giao thoa văn hóa của hai nền văn minh Đại Việt và Chiêm Thành như: Đền Cảm Lĩnh, Đền Thánh Mẫu, Đền Tứ Vị thần, Miếu Tam tòa thần từ, Miếu Sơn Thần...

Trận địa ra đa Núi Nài (ảnh Sĩ Ngọ)

Trận địa ra đa Núi Nài (ảnh Sĩ Ngọ)

Đặc biệt là Chùa Cảm Sơn, ngôi chùa linh thiêng được xây dựng từ thời hậu Lê vào khoảng năm 1653 - 1657, từng được Nguyễn Công Trứ chọn làm nơi di dưỡng tinh thần, để ông được thả sức gióng lên hồi chuông đại hồng chung thỉnh về trăm họ yên bình.

Ngoài Chùa Cảm Sơn, dưới chân núi (trong khuôn viên Trường THCS Đại Nài hiện nay) còn có một trụ đá nguyên khối hình chữ nhật, cao khoảng một mét, phần chóp hình trụ vừa mang đậm kiến trúc Chàm với biểu tượng thờ thần Linga, vừa mang dáng dấp kiến trúc Đại Việt với hình tượng tấm bia. Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định niên đại của nó.  Cũng có giả thiết khác cho rằng đó là tác phẩm do cụ Nguyễn Công Trứ cho tạc nên, đặt trước Chùa Cảm Sơn. Chỉ biết, đây là khối đá được ghè đẽo công phu nhưng không có chữ,

Với thế núi độc lập nằm tách biệt giữa vùng đồng bằng rộng lớn từ lưu vực sông Ray đến sông Hạ Hoàng (sông Rào Cái và sông Hộ Độ ngày nay), vô hình dung Núi Nài trở thành pháo đài vững chắc cho bất cứ đạo quân nào khi chiếm lĩnh được vị thế ấy. Bởi thế, năm 1801-1802 vua Gia Long đã chọn Núi Nài làm điểm tựa cho xây dựng Thành Phủ Hà Thanh (nguyên tỉnh lị Hà Tĩnh) ngay dưới chân núi.

Thành được xây dựng bằng đất sét, sau đó được bao bọc bằng tường đá vào năm 1824 dưới triều Minh Mạng. Chu vi 267 trượng, cao 7 thước, hồ ngoài thành rộng 1 trượng và sâu 4 thước. Hiện nay cũng giống như các ngôi đền, miếu trong vùng, dấu tích thành phủ Hà Thanh chỉ còn sót lại một phần hệ thống nền, hào thành, và ngôi Đền Tam Trung thờ ba ông trung quan bảo vệ thành bị sát hại vào năm 1873 trong một cuộc binh biến.

Chính vì vậy, ngoài quần thể Chùa Cảm Sơn đã được trùng tu và xây mới nhiều hạng mục, xứng tầm với những giá trị là điều hết sức trăn trở đối với các cấp lãnh đạo chính quyền và người dân địa phương.

Ông Dương Tất Thắng - Bí thư Thành ủy TP. Hà Tĩnh tỏ ra rất tâm niệm khi nhắc đến việc tôn tạo, xây mới các công trình thuộc quần thể di tích lịch sử - văn hóa Núi Nài. Ông cũng thể hiện sự quyết tâm nhằm đưa quần thể này trở thành điểm nhấn trên bản đồ TP. Hà Tĩnh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Núi Nài cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Chứng tích cụ thể chính là mốc son lịch sử ngày 26, tháng 3, năm 1965 khi hàng loạt máy bay Mỹ thi nhau ném bom, mở đầu cho cuộc không kích với quy mô chưa từng có tại mặt trận tiền phương Hà Tĩnh, hòng san phẳng cả ngọn núi, tiêu diệt hoàn toàn hệ thống ra đa của ta. Nhưng Núi Nài vẫn oai hùng đứng đó viết nên trang sử chói lọi của quân, dân Hà Tĩnh với việc bắn cháy tại chỗ chín tên "thần sấm", góp phần tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không lâu sau trận địa ác liệt đó, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã ghé thăm Núi Nài chứng kiến được sự tàn khốc tận cùng của chiến tranh, nhưng cũng đầy hồn nhiên và lãng mạn của mạch đất, con người Thành Sen. Để rồi thi sĩ đã thức trọn một đêm trên núi nghe hoa dẻ, hoa mua.... cựa mình thóc mách mà viết lênbài thơ "Đêm Trăng rú Nài": "...Lối đi phẳng dấu đạn cày/ Hố bom thành giếng đã đầy nước mưa..."

Chùa Cảm Sơn

Chùa Cảm Sơn

Cụ Lê Tất Sinh, sinh năm Kỷ Tỵ (1929 ) hiện sinh sống ở phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh, nguyên cán bộ Ty Thủy lợi Hà Tĩnh tự hào kể lại: Thời điểm diễn ra trận chiến đó cụ được cử ra Bộ Thủy lợi trình xin máy bơm và các loại thiết bị vật tư kĩ thuật để phục vụ việc chống hạn cho tỉnh nhà. Sau khi tới Hà Nội trình diện xong, cụ tranh thủ đi dạo chơi ở đường Trần Nhật Duật ven sông Hồng thì bất ngờ nghe loa báo tin chiến thắng của quân dân Hà Tĩnh tại trận địa Núi Nài, khiến cụ vui mừng khôn xiết!

Trong lúc đang lâng lâng cảm xúc bỗng có một đồng chí cán bộ Văn phòng Bộ Thủy lợi chạy tới đập vai báo tin với cụ về gặp Bộ trưởng ngay. Vừa tới nơi cụ được Bộ trưởng chờ sẵn trước sảnh cơ quan Bộ bắt tay chúc mừng: "Hà Tĩnh anh hùng đã lập công xuất sắc với chiến công Núi Nài oanh liệt". Đồng thời Bộ trưởng hỏi cụ là công dân của Hà Tĩnh bây giờ cần gì cứ trình bày. Cụ đưa tờ trình cho Bộ trưởng xem. Vừa xem xong, Bộ trưởng ký duyệt ngay rồi trực tiếp giao cho Tổng cục Vật tư gấp rút cung ứng máy móc thiết bị cho Hà Tĩnh.

Trong lúc cả tỉnh đang bước vào giai đoạn hạn hán, ruộng đồng cháy khô, bất ngờ hàng loạt máy bơm và các thiết bị vật tư thủy lợi được cụ Lê Tất Sinh áp tải đưa về lắp ráp, triển khai hoạt động, kịp thời tưới tiêu. Nhờ đó khắp nơi mạ lúa thi nhau vẽ lên bức tranh xanh mơn mởn, càng làm cho quê hương Hà Tĩnh thêm rộn ràng! Đó cũng là một kỉ niệm đẹp trong đời mà cho tới nay cụ vẫn luôn tự hào kể lại cho con, cháu. 

Tuy vậy, mỗi khi nhắc đến Núi Nài nhiều thế hệ người Thành Sen vẫn nhớ như in về cái chết của hàng chục đồng bào ta làm nghề tiểu thương buôn bán và dân thường, trong một trận oanh kích đẫm máu của giặc Pháp vào năm 1953. Đó thời điểm chợ Tỉnh sơ tán họp dọc hai bên đường lên Núi Nài (nay là đường 26/3). Đầu đường lên chợ, đoạn từ cầu Sở Rượu có quán cắt tóc của ông Lê Thọ nằm dưới gốc cây bàng được che sơ sài mấy tấm lá cọ, với chiếc gương to kê tạm trên miếng gỗ gắn vào thân cây. Hôm đó vào mùa hè trời nóng như đổ lửa, giữa đám đông bà con đang họp phiên chợ chính bỗng có một chiếc máy bay calatinan (loại thủy phi cơ của Pháp) bay từ phía biển lên, chúng dùng trọng liên canon vingt (pháo 20 mm) bắn xối xả xuống chợ, gây ra cảnh chết chóc tang thương chưa từng có ở nơi này!

Để tưởng nhớ những người vô tội bị chết oan hôm đó, bà con địa phương đã cho xây một miếu thờ nhỏ dưới chân Núi Nài. Nhưng hiện nay ngôi miếu này không còn dấu tích. Việc tôn tạo ngôi miếu, đồng thời xây dựng một tấm bia ghi danh tội ác của thực dân Pháp trong trận bắn giết dân lành ngày ấy cũng là điều mà các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần cân nhắc để đưa vào quy hoạch tổng thể Dự án Khu di tích lịch sử - văn hóa Núi Nài.

Nghĩa Trang Núi Nài

Nghĩa Trang Núi Nài

Thủa nhỏ, tôi từng nghe bà ngoại kể về cơn đại hồng thủy kinh hoàng năm Giáp Tuất (1934) diễn ra lúc mẹ tôi vừa lọt lòng. Thời điểm đó, lũ từ sông Phủ cuộn về sông Cụt bủa vây khắp thị xã Hà Tĩnh nhỏ bé và vùng lân cận như muốn nhấn chìm tất cả xuống biển nước mênh mông. Nhưng không! Núi Nài đã hóa thành ngọn "Tản Viên" kiêu hùng đạp lên sóng lũ giữ dằn, dang tay đón nhận gia đình bà ngoại tôi cũng như bao gia đình nạn nhân khác lên chùa lánh nạn.

Bao nhiêu câu chuyện về Núi Nài đã in sâu vào lòng tôi. Tôi tự hào về những mối liên quan đó luôn can thiệp vào cuộc sống thường nhật của mình như những tặng vật quý giá nhất, thiêng liêng nhất để tôi được lựa chọn hành trang cuộc đời và không quên ngày trở về trọn vẹn nơi nguồn mạch rốn rau đất tổ, quê cha.

Trong tâm khảm tôi cũng ước sao Núi Nài sẽ được trả lại nguyên trạng của tạo hóa sau những vết thương bầm dập trên cơ thể, bởi chiến tranh và những sai lầm một thời do nạn khai thác đất, đá bừa bãi.

Vì rằng, thủa nhỏ tôi từng hình dung vóc dáng Núi Nài khác rất nhiều so với hiện nay. Nhất là mỗi khi trời trong mây trắng, núi như hiện nguyên hình một con rồng cuộn. Đầu rồng ngẩng về hướng mặt trời mọc, há miệng phun ra hàng vạn viên ngọc bích lấp lánh; thân rồng vặn mình xuống sông Phủ với những chõm đá mồ côi đuổi nhau như những móng vuốt, ngoạm lấy cả thảm dốc mênh mông; đuôi rồng vẫy về hướng mặt trời lặn, thoải dần tận ranh giới Trường Cao đẳng VHNT Hà Tĩnh hiện tại.

Những năm gần đây, TP. Hà Tĩnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng tăng lên. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hà Tĩnh và vùng phụ cận, tầm nhìn đến năm 2050 thì TP. Hà Tĩnh sẽ mở rộng chủ yếu về hướng biển với diện tích rộng gấp nhiều lần về địa giới hành chính, và tăng gấp nhiều lần về quy mô dân số so với hiện tại. Theo đó, cơ sở hạ tầng đô thị sẽ được đầu tư xây dựng hiện đại với những dự án "khủng".

Trước mắt TP. Hà Tĩnh đang bắt tay vào việc triển khai một số dự án thiết thực. Trong đó có Dự án Công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại phường Đại Nài và Văn Yên. Đây là dự án có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến Dự án Khu di tích lịch sử - văn hóa Núi Nài. Vì vậy khi thực hiện cần phải cẩn trọng từng chi tiết, tránh sự chồng chéo về quỹ đất cũng như chồng lấn về mục đích cốt lõi của từng công trình, đặc biệt là đối với các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như việc khai thác du lịch về sau một cách bền vững.

Để thực hiện Dự án Khu di tích lịch sử - văn hóa Núi Nài, ông Nguyễn Trọng Hiếu - Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh cho biết: "Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư địa phương và các đơn vị liên quan. Đồng thời có tờ trình đến các cơ quan thẩm quyền về việc thẩm định và phê duyệt tổng mặt bằng sử dụng đất trên cơ sở điều chỉnh cục bộ các quy hoạch chi tiết của dự án, với mục tiêu tạo điểm nhấn cảnh quan văn hóa đô thị; khu tiếp nối lịch sử giữa hiện tại và tương lai; khu di tích văn hóa cấp tỉnh; điểm tín ngưỡng của người dân trong khu vực; nơi để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, và cũng là nơi giáo dục cho các thế hệ sau về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và của TP. Hà Tĩnh nói riêng.

UBND TP. Hà Tĩnh cũng đang xây dựng, đề xuất phương án kêu gọi xã hội hóa và huy động các nguồn lực để chỉnh tráng nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài; xây dựng hạng mục tượng Phật đặt tại đỉnh núi và xây dựng hệ thống đường dạo, cây xanh, mặt nước trong khu vực..."

Núi Nài dù một hòn đá, viên sỏi; một chùm rễ sim, rễ mua... cũng có linh hồn, cưu mang bao thế hệ người dân quê tôi vượt qua nghìn trùng bỉ nạn! Hy vọng dự án sẽ sớm thành hiện thực để không phụ hồn chuông nguyện từ rau rốn Núi Nài!

Thành Sen, tháng 7/2023.

Bút ký của Nguyễn Ngọc Vượng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh