CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:01

Chung tay giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh

 

Để cứu sống các bà mẹ và trẻ em bằng việc cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, UNICEF hợp tác Cty Johnson & Johnson thực hiện Dự án “Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh của phụ nữ dân tộc thiểu số ở 4 tỉnh của Việt Nam”.

Trẻ em dân tộc thiểu số tử vong cao gấp 3 lần trẻ em dân tộc Kinh 

PGS. TS. Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng, Vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cụ thể: Tỷ số tử vong bà mẹ giảm từ 233/100.000 năm 1990 xuống còn 69 vào năm 2010 và tiếp tục giảm còn 56/100.000 vào 2014; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58/1.000 xuống 23/1.000 năm 2014. Suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững (vượt xa chỉ tiêu của Mục tiêu thiên niên kỷ 1 từ trước 2010).

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 18.000 trẻ sơ sinh tử vong hàng năm ở Việt Nam. Nguyên nhân tử vong sơ sinh chủ yếu là do ngạt, nhiễm trùng và đẻ non. Phần lớn các trường hợp tử vong này đều có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp can thiệp đơn giản như có sự hỗ trợ có chuyên môn khi sinh đẻ, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, cho trẻ bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và chăm sóc kiểu Kangaroo cho các trẻ bị đẻ non và nhẹ cân. “Chúng ta không thể để các nguyên nhân có thể phòng ngừa và chữa trị được tiếp tục lấy đi mạng sống của các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Chúng ta cần phải hành động để đảm bảo rằng tất cả trẻ em được sinh ra an toàn và khỏe mạnh”, ôngYoussouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam cho hay.

 

Phụ nữ dân tộc thiểu số thường ít khi đi khám thai định kỳ.

Cũng theo TS. Lưu Thị Hồng, Việt Nam đang đứng trước những thách thức như: Sự khác biệt lớn về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em giữa các vùng, miền. Kết quả điều tra tử vong mẹ bà trẻ sơ sinh của Bộ Y tế cho thấy, tử vong sơ sinh ở các huyện miền núi là 10‰, các huyện đồng bằng 5‰, khu vực đô thị/thành phố 4‰ (miền núi cao hơn 2-2,5 lần so với các khu vực khác). So với khu vực nông thôn và thành thị, tỉ lệ tử vong sơ sinh ở 225 huyện khó khăn cao gần gấp đôi và ở 62 huyện nghèo nhất gần gấp 3. Tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền và các dân tộc. Ví dụ, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi ở tỉnh Kon Tum cao gấp 2,6 lần tỉ lệ trung bình trong cả nước. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần trẻ em dân tộc Kinh. Hệ thống báo cáo thống kê chưa đảm bảo chất lượng, số liệu chưa chính xác, chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Qua khảo sát của Bộ Y tế, 40% số ca tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh ở miền núi chưa được thống kê cập nhật. Một thách thức tiếp theo là tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo các kết quả điều tra gần đây, tỷ lệ tử vong sơ sinh đang chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Trong số tử vong sơ sinh, có đến 85% xảy ra trong vòng 7 ngày đầu sau đẻ.

 

Gần 1 triệu USD giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh tại 4 tỉnh

Để cứu sống các bà mẹ và trẻ em bằng việc cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng và xây dựng năng lực của các cán bộ y tế tuyến tỉnh, UNICEF hợp tác Cty Johnson & Johnson thực hiện dự án “Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh của phụ nữ dân tộc thiểu số ở 4 tỉnh của Việt Nam”.

 

Phụ nữ có thai đi khám thai ít nhất 3 lần. 

Trong khoảng thời gian 5 năm hợp tác, Johnson & Johnson, UNICEF và Bộ  Y tế sẽ giúp nâng cao năng lực cho hơn 3.000 nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản người dân tộc tại 4 tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai và Kon Tum về kỹ năng đỡ đẻ an toàn, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, chăm sóc kiểu Kangaroo. Các nhân viên y tế và nữ hộ sinh ở bốn tỉnh dự án cũng sẽ được hỗ trợ nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các hoạt động truyền thông cũng được tiến hành để tạo nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng ở phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Dự án cũng nhằm mục tiêu đạt được 80% phụ nữ có thai đi khám thai ít nhất 3 lần, và góp phần giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai và Kon Tum. Tổng số tiền thực hiện dự án làà 846.000 USD. Theo đại diện của UNICEF, một đóng góp tổng thể của Dự án là giảm số lượng tử vong mẹ, sơ sinh và trẻ em tại 4 tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Bộ Y tế đánh giá cao sự hỗ trợ của UNICEF và Cty Johnson và Johnson nhằm góp phần nâng cao sức khỏe bà mẹ và sơ sinh tại Việt Nam thông qua đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại trung ương và địa phương. Đây là những hỗ trợ quý báu và cần thiết, góp phần giúp Bộ Y tế đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong việc giảm tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Bộ Y tế sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa UNICEF và công ty Johnson và Johnson trong thời gian 5 năm tới”. 

Vân Khánh/ Báo Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh