Chung tay duy trì và phát triển văn hóa đọc sau ngày hội sách tại Vân Hồ - Sơn La
- Văn hóa - Giải trí
- 09:21 - 05/05/2022
Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tại lễ trao tặng sách và ngày hội “Cuộc phiêu lưu vào xứ sở sách” nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4/2022.
Sự kiện được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF), Phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ và Tủ Sách Nhân Ái tổ chức tại trường Tiểu học Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La với sự đồng hành của BAC A BANK cùng Tập đoàn TH.
Trong khuôn khổ sự kiện, các bên đã tiến hành trao tặng 207 tủ sách với 8.200 cuốn sách trị giá 300 triệu đồng cho 20 trường tiểu học và trung học cơ sở cùng 7 trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn huyện Vân Hồ. Nhân dịp này, các bên cũng tổ chức Ngày hội đọc sách “Cuộc phiêu lưu vào xứ sở sách" với 12 hoạt động trải nghiệm bổ ích và lý thú cho 568 học sinh tại Trường Tiểu học Chiềng Khoa. Đây là một trong chuỗi các hoạt động được tổ chức nhằm thúc đẩy văn hóa đọc cho trẻ em nói chung và trẻ em vùng cao nói riêng.
Vân Hồ là huyện miền núi mới được thành lập và còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Đa số trường học đóng trên địa bàn thuộc các xã vùng III, có nhiều điểm trường lẻ, cách xa điểm trường trung tâm, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được cho hoạt động dạy - học của giáo viên và học sinh, trong đó còn thiếu nhiều đồ dùng, trang thiết bị dạy học và đặc biệt là sách, tài liệu tham khảo cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Chia sẻ về khó khăn này, ông Đỗ Công Bình - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ chia sẻ: “Hàng năm, các đơn vị trường học đều xây dựng kế hoạch bổ sung đầu sách cho các thư viện, tuy nhiên mới chỉ bổ sung sách giáo khoa cho các khối lớp. Do hạn hẹp về kinh phí nên các đầu sách, đặc biệt là sách tham khảo và sách truyện cho học sinh chưa được bổ sung. Hiện tại, huyện Vân Hồ chưa có thư viện trung tâm. Đa số trung tâm học tập cộng đồng chưa có tủ sách dùng chung, nếu có cũng với số lượng sách rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhân dân. Việc trao tặng 8.200 cuốn sách của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Tủ sách Nhân Ái có ý nghĩa rất thiết thực với địa phương”.
Bên cạnh ý nghĩa đóng góp về mặt cơ sở vật chất cho hoạt động dạy - học của giáo viên và học sinh, sự thành công của Ngày hội đọc sách bước đầu đã khơi gợi được niềm đam về và tình yêu của các em dành cho sách cũng như phần nào hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách. Tuy nhiên, để có thể duy trì và phát triển niềm yêu mến đó trở thành sở thích, thói quen của các em học sinh về lâu về dài đòi hỏi phải có một môi trường với sự khuyến khích và nhiều hoạt động về sách. Điều này yêu cầu cần có sự tạo điều kiện và phối kết hợp đến từ nhiều phía như gia đình, nhà trường, lãnh đạo địa phương...
Hiểu được tầm quan trọng trong việc tạo dựng một môi trường lý tưởng để góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh tại Trường tiểu học Chiềng Khoa nói riêng và huyện Vân Hồ nói chung, ông Đỗ Công Bình - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ chia sẻ thêm: “Chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị trường học và trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn được thụ hưởng thực hiện nghiêm túc thỏa thuận hợp tác đã ký. Đồng thời quản lý và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số sách được nhận nêu trên. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách cho các em học sinh. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong các nhà trường, cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập”.
Trước đó, các hoạt động nhằm duy trì và phát triển văn hóa đọc sau Ngày hội sách 2019 của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã được thực hiện tích cực tại 20 trường tiểu học thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Các tiết đọc sách và các hoạt động về sách như: Ngày hội đọc sách, kể chuyện theo sách hay tiết đọc thư viện giỏi toàn huyện vẫn được tổ chức đều đặn dù phần lớn thời gian các học sinh phải chuyển sang học online vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong đó, một số trường ghi nhận những con số ấn tượng: Trường TH Hợp Thành đạt 20 tiết đọc sách/tuần, 23.380 lượt đọc sách/năm; Trường TH Thị Trấn đạt 18 tiết đọc sách/tuần, 21.805 lượt đọc sách/năm; Trường TH Minh Thành đạt 16 tiết đọc sách/tuần, 19.320 lượt đọc/năm.
Từ sự nỗ lực hết mình của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cũng như các tổ chức xã hội nói chung trong việc đem đến cơ sở vật, và bước đầu thắp lên ngọn lửa cho tình yêu đối với văn hóa đọc, thì sự cam kết, hỗ trợ, cũng như sự khích lệ đến từ gia đình, nhà trường và các đơn vị có liên quan sẽ giúp các em có được động lực và môi trường để duy trì và hình thành nên thói quen say mê với đọc sách. Một lần nữa có thể thấy rằng để hình thành và lan tỏa sâu rộng văn hóa đọc đến gần hơn với các em học sinh đòi hỏi cần có sự vào cuộc, phối hợp tích cực hơn nữa của tất cả các bên.