Chúng ta đã có gì và phải làm gì để đối phó thảm họa khí hậu?
- Văn hóa - Giải trí
- 20:48 - 03/06/2021
Cuốn sách được phát hành nhân Ngày Môi trường Thế giới thường niên 5/6/2021 - một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.
Không chỉ chống chọi với đại dịch COVID-19, chúng ta cũng đang tiếp tục phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt cùng với mùa bão kỷ lục - khiến cuộc sống nhiều nơi trở nên điêu đứng và gây ra mối đe dọa cho sự ổn định kinh tế của nhiều quốc gia.
Ngay lúc này, biến đổi khí hậu đã không chỉ còn là lý thuyết. Với những mùa hè thiêu đốt, bão tố dữ dội và nước biển dâng, nó đang thực sự đe đọa đến sự tồn tại của con người. Một "Thảm họa khí hậu" sẽ không còn xa… nếu chúng ta không làm được những điều cần thiết.
Để hoàn thành cuốn "Thảm họa khí hậu", Bill Gates đã dành một thập kỷ để điều tra nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu lên hành tinh. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, kỹ thuật, khoa học chính trị và tài chính, ông tập trung vào những gì phải làm để ngăn chặn sự trượt dốc của hành tinh đối với thảm họa môi trường. Bill Gates đặt ra một bảng tính, thế giới cần loại bỏ 51 tỉ tấn khí nhà kính để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mở đầu cuốn sách, Bill Gates đã đề cập đến một vấn đề luôn nhức nhối: "Có hai con số bạn cần biết về biến đổi khí hậu. Con số đầu tiên là 51.000.000.000. Con số còn lại là 0.
51.000.000.000 là số tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà thế giới trút vào bầu khí quyển mỗi năm. Mặc dù con số này có thể tăng hoặc giảm một chút qua các năm nhưng nhìn chung, nó đang tăng lên. Đây là thực trạng hiện nay.
Còn 0 chính là mục tiêu chúng ta cần hướng tới. Để ngăn chặn tình trạng gia tăng nhiệt độ và tránh những tác động tồi tệ nhất, thực sự tồi tệ, của biến đổi khí hậu, con người cần ngừng trút thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển."
Theo Bill Gates, phát thải khí nhà kính chính là nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu và nếu chúng ta không làm gì, một thảm họa khí hậu sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Trong cuốn sách, tác giả đã đưa ra một kế hoạch lớn, thực tế về cách toàn cầu giảm thiểu khí thải nhà kính, tránh thảm họa khí hậu. Ông tập trung mạnh vào các giải pháp năng lượng để đưa lượng phát thải khí nhà kính "về 0" càng sớm càng tốt, đó là 'khiến năng lượng sạch có giá thấp đến mức mọi quốc gia sẽ chọn nó thay vì nhiên liệu hóa thạch.'
Cụ thể, trong các chương từ 4 đến 9, Bill Gates phân tích các biện pháp kỹ thuật để làm giảm lượng phát thải và thúc đẩy việc đưa các biện pháp này vào thực tiễn bằng cách làm giảm Chi phí Xanh – một thuật ngữ mà tác giả nhắc đến rất nhiều lần trong cuốn sách, nghĩa là chi phí chênh lệch giữa việc sử dụng phương thức cũ (ví dụ như sử dụng ô tô chạy xăng) với phương thức mới (ô tô chạy điện). Bên cạnh đó ông cũng nhắc đến việc thích nghi với biến đổi khí hậu, tuy nhiên không đi quá sâu vì cho rằng biện pháp chính vẫn là giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Nội dung cuối cùng của cuốn sách chỉ ra kế hoạch chi tiết để làm được những điều trên. Trong đó, Bill Gates đề cập cụ thể đến vai trò của chính sách, tổ chức và cá nhân trong việc giảm phát thải.
Bill Gates là đồng chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates và là người sáng lập tổ chức Breakthrough Energy (Năng lượng Đột phá).
Vào năm 1975, Bill Gates thành lập Microsoft với Paul Allen và đưa công ty đến vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ dành cho cá nhân và doanh nghiệp.
Vào năm 2008, ông dành toàn bộ tâm sức vào hoạt động của Quỹ Gates để đem đến cơ hội cho những con người yếu thế nhất trên toàn cầu.
"Cuốn sách này là lời giải thích toàn diện nhất về những động lục đang thúc đẩy chúng ta, những con người đang sống trên một hành tinh đang ấm dần; cách đo lường tác động của vô số nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh hoàng và khôn lường này; và cuối cùng là cách tìm kiếm những phương thức tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết từng nguyên nhân. Cuốn sách này chính là thứ gần nhất với cái có thể được gọi là một bản hướng dẫn cách xử trí với cuộc khủng hoảng về khí hậu."
Clinton Leaf, Fortune