Chung kết Hội thi tiếng hát Người khuyết tật lần thứ II năm 2019
- Dược liệu
- 01:00 - 18/06/2019
Đại diện các đoàn dự thi chụp ảnh lưu nệm cùng lãnh đạo Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam và Ban giám khảo cuộc thi.
Những năm qua, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, cải thiện sinh hoạt cho NKT, Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi (NKT&TMC) Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui chơi, giải trí cho NKT. Một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc và sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng đó là việc Hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công Hội thi tiếng hát NKT lần thứ nhất năm 2014.
Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Trung ương Hội, Trưởng ban Tổ chức Hội thi cho biết: “Tiếp nối thành công của Hội thi năm 2014, thể theo nguyện vọng tha thiết của cộng đồng NKT, Hội Bảo trợ NKT&TMC Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội thi tiếng hát NKT lần thứ II năm 2019 với chủ đề “Những trái tim khát vọng”. Hội thi là một sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và quyền được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật của NKT; khuyến khích họ tự tin thể hiện tài năng, năng khiếu trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật của mình, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho NKT. Qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội, xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng”.
Đối tượng dự thi là NKT được tuyển chọn từ phong trào văn hóa, văn nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hình thức sơ tuyển hoặc phát hiện, giới thiệu do các tổ chức thành viên của Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện.
Tại vòng thi khu vực Bắc – Trung – Nam, đã có 40 tỉnh, thành phố trong cả nước thành lập đoàn tham gia Hội thi với 368 thí sinh là NKT, 120 tiết mục dự thi gồm nhiều thể loại: ca, múa, đàn với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu thương, lòng nhân ái đồng thời giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền trên cả nước. Hội thi không chỉ dừng ở ý nghĩa là một cuộc thi văn nghệ quần chúng, mà hơn thế đã trở thành một sân chơi bổ ích, lý thú khẳng định quyền được tham gia vào các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của NKT, qua đó truyền đi một thông điệp: NKT có thể vượt qua raò cản khuyết tật làm được mọi việc, thậm chí làm rất tốt nếu được tạo điều kiện.
Theo ban tổ chức, tại vòng thi khu vực, BTC đã trao 31 Huy chương vàng, 43 Huy chương Bạc; trao 3 giải Nhất cho các đoàn: TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Nghệ An; 3 giải Nhì cho các đoàn: Phú Thọ, Đà Nẵng, Kiên Giang và 4 giải Ba cho các Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Phước.
Với sự chuẩn bị chu đáo, tập luyện kỹ càng của các đoàn, hứa hẹn sẽ mang đến Hội thi chung kết những phần trình diễn xuất sắc và ấn tượng nhất. Đó là những tiết mục được dàn dựng công phu với chất lượng nghệ thuật đã đạt đến tầm chuyên nghiệp như liên khúc theo chủ đề Phương Nam với những giai điệu thiết tha mà phóng khoáng của đoàn TP. Hồ Chí Minh; tiết mục múa “Cánh cò quê hương” đầy bay bổng và lãng mạn của các thí sinh khiếm thính đoàn Nghệ An; tiết mục “Thơ thợ lò” hào hùng, khỏe khoắn mà đầy chất thơ của tốp ca nam khuyết tật đoàn Quảng Ninh.
Tiết mục "Dấu chấm hỏi", đoàn Thanh Hóa trình bày tại hội thi.
Hội thi một lần nữa tô đậm thêm tinh thần nỗ lực tuyệt vời của những NKT, bằng tài năng và sự đam mê của mình, họ đã vượt qua định kiến để thay đổi nhận thức xã hội về năng lực và sự cống hiến của họ. Trần Văn Linh (đoàn Bình Phước) bị bại não từ nhỏ, chân tay co cứng rất khó điều khiển nhưng bằng tình yêu âm nhạc cháy bỏng, em vẫn tìm cách để học organ và đàn bằng chân được nhiều bản nhạc, trong đó có tác phẩm “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” rộn ràng mang đến sân khấu Hội thi.
Hay cậu bé khiếm thị 11 tuổi Vũ Huy Thiệp (đoàn Phú Thọ) – thí sinh nhỏ tuổi nhất Hội thi đã khiến khán giả lặng người xúc động vì giọng hát mộc mạc, khắc khoải của em khi biểu diễn bài hát “Gặp mẹ trong mơ”. Cha Thiệp vừa đột ngột qua đời vào ngày mùng 2 Tết Kỷ Hợi vừa qua, em lại bị khiếm thị từ nhỏ, cuộc sống khó khăn và nghiệt ngã là thế, nhưng Thiệp vẫn hồn nhiên hát bằng niềm vui và sự say sưa con trẻ, bởi với em, âm nhạc giờ đây đã trở thành người bạn, thành ước mơ ấp ủ cho tương lai.
Với tác phẩm ca cổ “Tình đồng chí”, hai giọng ca Huỳnh Văn Sến (khiếm thị) và Nguyễn Văn Lộc (khuyết tật vận động) đội Kiên Giang đã tái hiện đầy cảm xúc một biểu tượng cao đẹp về tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng của người lính cách mạng Việt Nam, của sự hoà quyện giữa chất hiện thực nghiệt ngã và lãng mạn bay bổng trong tác phẩm “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Đó cũng là hình ảnh những thí sinh của Hội thi, của những NKT - dù phải đối diện với sự khắc nghiệt của số phận, vẫn luôn lạc quan, yêu đời, vẫn để tâm hồn cảm nhận và bay bổng với vẻ đẹp, sự lãng mạn của nghệ thuật và cuộc sống…