CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:09

Chửi người khác trên Facebook: Mất tiền, có thể bị tù

 

Ngày 28/9, TAND huyện Tân Trụ (Long An) đã bác yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng của Công an huyện Tân Trụ đối với bà Mỹ P. (32 tuổi, ngụ huyện Tân Trụ). Trước đó, bà Mỹ P. bị Công an huyện Tân Trụ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vì có hành vi nói xấu người khác trên Facebook.

 

 

Nghĩ gì viết đó, tức gì chửi đó.

Nhiều người vẫn có thói quen thích gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy trên Facebook. Những cơn bực tức, trút giận, bất đồng quan điểm… đều được đưa lên “phây” bằng các từ ngữ nặng nề. Ít người biết và tin rằng hành vi ấy có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự, chưa kể phần trách nhiệm dân sự.

Tiếp xúc với PV, bạn Trịnh Hồng L. (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) nói: “Facebook là trang cá nhân, nó thuộc quyền sở hữu của tôi, tôi muốn viết gì thì viết chứ có hại ai đâu mà bị phạt. Ai cũng có quyền tự do ngôn luận và việc bình luận, đưa ý kiến chân thật có gì là sai? Chê một ai đó ngu, dốt hay ví “con này, con kia” chẳng qua là tôi bực quá. Facebook cũng giống một diễn đàn, khi bị người khác nói xấu thì người bị nói xấu cũng có quyền trả lời, bình luận lại để bảo vệ cho mình mà. Tôi không nghĩ việc nói xấu người khác trên Facebook là vi phạm pháp luật”.

Chị Trần Ly L. (quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) quan niệm: “Những gì viết trên Facebook chỉ để bạn bè xem và chia sẻ với nhau, chứ không phải là một kênh truyền thông đại chúng nên việc xử phạt vì viết dòng tâm trạng trên Facebook thì tôi thấy lạ. Có lần, lên Facebook chửi cô người yêu cũ của chồng cho bõ tức. Sau khi được mấy người bạn góp ý thì tôi đã xóa status đó. Tôi xóa thì đâu ảnh hưởng gì”.

Ngược lại, nạn nhân của các status có nội dung mắng chửi, miệt thị, xúc phạm người khác cảm thấy bị tổn thương. Chị Nguyễn Thu Hương (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, vì trả tiền cho người bạn thân trễ hẹn vài ngày mà chị bị bạn hiểu nhầm, đưa lên Facebook chửi chị là “kẻ ăn giựt, ăn chơi đua đòi, lười biếng, ngu mà học chi cho lắm…”. Chị Hương cố gắng mượn tiền người khác để trả lại cho bạn, status được xóa đi nhưng những người đọc được status trên vẫn nhìn chị với ánh mắt khinh thường khiến chị ám ảnh.

Mắng “ngu, dốt…” cũng là xúc phạm

Lãnh đạo đội tham mưu tổng hợp công an một quận tại TP.Hồ Chí Minh phân tích: Nhiều người vì bức xúc cá nhân mà vô tư xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên Facebook; thậm chí chỉ vì người đó không cùng quan điểm với mình mà mắng người ta là “ngu như bò, ngốc như lợn, dốt thúi”… Đó đều là hành vi nhục mạ người khác, vi phạm pháp luật. “Mạng xã hội khiến thông tin truyền đi nhanh hơn. Chỉ cần một dòng trạng thái, cả trăm người vào bình luận, chia sẻ đã đủ khiến hàng triệu người biết đến. Dù sau này người viết xóa status nhưng làm sao xóa được của những người đã đọc status và copy về. Các hành vi xúc phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự” - vị lãnh đạo này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, nạn nhân có thể chụp lại màn hình máy tính, điện thoại lưu giữ thông tin bị bôi nhọ, đường link làm cơ sở trình báo; có thể khéo léo khiến họ thừa nhận hành vi của mình bằng cách ghi âm lại cuộc điện thoại, cuộc nói chuyện. Cơ quan điều tra có nghĩa vụ xác minh làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi xử lý họ.

 

Cách giữ chứng cứ trên Facebook

• Trước hết, sao chụp lại toàn bộ trang mạng đã đưa thông tin này. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ không dễ dàng vì có thể status đăng một thời gian rồi được xóa đi.

• Ngay khi phát hiện status, hãy lập tức nhờ thừa phát lại lập vi bằng. Vi bằng được coi là chứng cứ hợp pháp để cá nhân bị xúc phạm liên hệ cơ quan chức năng nhờ can thiệp, yêu cầu xin lỗi công khai.

• Kế tiếp, yêu cầu người xúc phạm mình gỡ bỏ những thông tin sai lệch xuống và xin lỗi công khai. Nếu họ đã thực hiện, cân nhắc việc khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại.

• Đồng thời, tùy theo tính chất, mức độ, người bị xúc phạm có thể gửi đơn tố cáo đến công an, kèm theo vi bằng để làm chứng cứ.

Ông LÊ MẠNH HÙNG, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại

quận Bình Thạnh, TP.HCM

Pháp luật xử lý ra sao?

Về xử lý hành chính: Căn cứ điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 thì hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Về mặt hình sự, nếu hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm tương ứng nào sẽ bị xử lý đối với tội đó. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 121 BLHS quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khoản 1 Điều 122 của bộ luật trên quy định tội vu khống với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Về mặt dân sự, tổ chức, cá nhân bị xúc phạm hoặc bị vu khống có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại, bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần theo Điều 604 BLDS năm 2005. Các thiệt hại được xác định trong trường hợp này là: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần (do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định).

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh