THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Chuẩn nghèo mới và thách thức cho Thủ đô

Hộ nghèo tăng mạnh

Theo UBND TP Hà Nội, đến hết năm 2015 Hà Nội đã có 201/386 xã (chiếm 52,07%) đạt chuẩn NTM, vượt 12,07% so với mục tiêu đề ra, 102 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 83 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2015 đạt 33 triệu đồng, trong đó Hoài Đức 35,5 triệu đồng, Thanh Trì 33,3 triệu đồng, Gia Lâm 33 triệu đồng... Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ. 100% trạm y tế xã có bác sỹ, trên 91% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; 100% số xã có máy tính kết nối internet; hầu hết các hộ có điện thoại.

Nhưng theo cách tính hiện nay thì toàn thành phố chỉ có 169/386 xã đạt 19 tiêu chí, 142/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 71/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Chủ yếu là bởi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới.

Đáng chú ý, với yêu cầu cao hơn của Thủ đô, ngày 13/4/2016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 12/2016/QĐ - UBND ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, quy định hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,1 triệu đồng/tháng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,1 - 1,5 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên, gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 - CTr/TU, qua rà soát theo chuẩn nghèo mới, đến nay toàn TP còn 65.377 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hộ 3,64%. Trong đó, khu vực nông thôn còn 60.272 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,6%, tăng 4,1% so với năm 2015. Đến thời điểm hiện tại đã có 218/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hộ nghèo, giảm 109 xã so với năm 2015. Như vậy, toàn TP còn 168/386 xã chưa đạt tiêu chí này, tăng 109 xã so với năm 2015. Đây là những con số “biết nói” trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM hiện khá hạn hẹp, chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc đấu giá đất ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn. Rõ ràng, đây đang là thách thức không nhỏ cho chặng đường về đích NTM của các địa phương nói riêng và toàn TP Hà Nội nói chung.

Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Cty HTD cho biết: Trong những năm tới, Cty và công đoàn sẽ chú trọng hơn nữa công tác an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để góp phần giúp xóa đói giảm nghèo… Tại huyện Mê Linh, theo thống kê đến tháng 6/2016, toàn huyện có 2.956 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,96%, tăng 3,84% so với năm 2015. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, nguyên nhân số hộ nghèo tăng thêm là do áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới. Tại huyện Thường Tín, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn 5,6% và mới chỉ có 3/28 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hộ nghèo...

Cần giải pháp đồng bộ

Hiện nay, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ở một số địa phương trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp, việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, để nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân... Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất ở một số nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm. Chính vì vậy, Hà Nội đang đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đời sống nông dân, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.

Cụ thể, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2016; cân đối hỗ trợ kinh phí cho các huyện đăng ký hoàn thành số xã đạt chuẩn NTM tăng thêm trong năm 2016, phấn đấu cuối năm toàn thành phố tăng thêm tối thiểu 35 xã đạt chuẩn; hỗ trợ kinh phí đào đắp giao thông thủy lợi đối với các địa phương dồn điền đổi thửa vượt kế hoạch thành phố giao (3.287,41ha). Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của thành phố về xóa đói giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn...

Như vậy, việc chuyển đổi theo phương pháp đo lường hộ nghèo theo cách tiếp cận đa chiều tuy trước mắt tạo ra thách thức, nhưng nhìn chung sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn; tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo từ đó giảm nghèo bền vững.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh