Lấy ý kiến để triển khai Chiến dịch thanh tra ATLĐ lĩnh vực xây dựng 2016
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:50 - 24/02/2016
Chiến dịch thanh tra lao động năm 2016, có chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn”, do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện. Lễ phát động Chiến dịch dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 21/3, tại tỉnh Hưng Yên.
Tham dự Hội thảo có đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), VCCI, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Thanh tra: Bộ Xây dựng,… Tại hội thảo, đa số ý kiến tán thành dự thảo Chiến dịch, và cho rằng, phải có các biện pháp xử thật nghiêm, không dừng ở việc kiến nghị nhắc nhở nữa, khiến các danh nghiệp “nhờn" luật.
Cụ thể, thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020, sau khi thống nhất với ILO, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc thông qua thanh tra lao động”, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2016.
Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng: "Sẽ xử nghiêm các doanh nghiệp, công ty, đơn vị vi phạm ATLĐ trong lĩnh vực xây dựng"
Trong khuôn khổ dự án, ILO cam kết hợp tác với Thanh tra Bộ nhằm củng cố thể chế và phát triển năng lực cho hệ thống thanh tra lao động; đồng thời cải thiện văn hóa tuân thủ tại Việt Nam thông qua các phương pháp tiếp cận khác nhau. Theo đó, chiến dịch Thanh tra lao động sẽ được hoàn thiện với việc đào tạo về phương pháp lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá chiến dịch. Trước khi thực hiện hoạt động thanh tra, các thanh tra lao động sẽ được tập huấn để triển khai chiến dịch thanh tra theo một cách tiếp cận giống nhau. Việc tập huấn này sẽ được tiến hành tiến hành kết hợp ngay sau khi kết thúc các hội thảo ba bên tại 4 tỉnh Yên Bái, Hưng Yên, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Chánh Thanh tra Bộ, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết: “Năm 2015, Chiến dịch thanh tra lao động đã được thực hiện thí điểm trong lĩnh vực may mặc tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả của việc thí điểm thực hiện chiến dịch thanh tra năm 2015 cho thấy việc thực hiện chiến dịch thanh tra lao động theo từng lĩnh vực là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện tại”.
Theo đó, Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng 2016 hướng tới các mục đích sau: Cải thiện tình hình tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ cho người lao động, qua đó, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động; Nâng cao kiến thức của người sử dụng lao động và người lao động về vai trò của Thanh tra lao động ở cấp trung ương và địa phương; Mở rộng phạm vi ảnh hưởng của hệ thống thanh tra lao động đối với việc tuân thủ pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, các công trường xây dựng; Nắm bắt tình hình thực tế áp dụng pháp luật lao động và những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.
“Việc tổ chức Chiến dịch phải đảm bảo thống nhất về nội dung, cách thức tiến hành ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, tập trung vào hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người lao động và người sử dụng lao động”, Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng cho biết.
Chiến dịch sẽ bao gồm ba phần: các hoạt động tuyên truyền; các hoạt động Thanh tra tại doanh nghiệp và hoạt động giám sát, tổng kết. Trong đó, hoạt động thanh tra tại các công trình xây dựng, các doanh nghiệp là nhà thầu thi công các công trình xây dựng nhằm nắm bắt tình hình thực tiễn, hướng dẫn doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc tuân thủ tại nơi làm việc và tiến hành xử lý những vi phạm nghiêm trọng gây mất an toàn, vệ sinh lao động.
Sau đó, Thanh tra Bộ sẽ tổng kết, kết hợp với các đối tác ba bên giám sát chặt chẽ quá trình triển khai chiến dịch ở các địa phương và chủ trì việc tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chiến dịch.
Chiến dịch sẽ diễn ra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tại một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ. Các địa phương còn lại thực hiện chiến dịch dưới sự hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn từ Thanh tra Bộ. Việc thực hiện chiến dịch thanh tra sẽ diễn ra từ tháng 3- 11/2016.
Cụ thể, từ tháng 3- 5: Phát động Chiến dịch, triển khai các hoạt động tuyên truyền; Từ tháng 4- 10: Thực hiện các cuộc thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp; Từ tháng 10- 11/2016: Tổng hợp kết quả và báo cáo tổng kết chiến dịch. Sau khi đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được năm 2016, Chiến dịch sẽ được thực hiện ở các lĩnh vực, ngành nghề khác trong những năm tiếp theo.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Chiến dịch thanh tra tập trung vào lĩnh vực xây dựng, do đó, hoạt động truyền thông sẽ tập trung vào người sử dụng lao động, người lao động thi công trên các công trường xây dựng. Tổ chức đoàn thanh tra sẽ do Chánh thanh tra Bộ và Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố quyết định.
Thời gian tiến hành thanh tra tại 1 doanh nghiệp/nhà thầu tối đa là 1 ngày. Trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra theo đúng quy định tại Luật Thanh tra và Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ
Bộ LĐ-TB&XH có định hướng tiếp tục tổ chức các Chiến dịch Thanh tra lao động trong những lĩnh vực khác nhau, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và yêu cầu về đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động trên toàn quốc. Một trong những lĩnh vực sản xuất có nhiều lao động và đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây là ngành xây dựng. Theo Thông báo tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ LĐ-TB&XH, lĩnh vực xây dựng chiếm 30,4% tổng số vụ tai nạn và 37,8% tổng số người chết, là ngành nghề có số vụ và số người bị tai nạn lao động cao nhất trong các ngành, nghề sản xuất kinh doanh. |