THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:36

Dự thảo Luật quy hoạch: Còn nhiều vấn đề tranh cãi

 

Có đủ thời gian để sửa 32 Luật cho phù hợp với Luật quy hoạch?

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị cần phải giải quyết mối quan hệ giữa Luật này với các luật liên quan, rà soát, hủy bỏ những luật đã được thông qua nhưng trái với quy định Luật này để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, Luật cần có phương án xử lý các quy hoạch đã được phê duyệt khi Luật này có hiệu lực. 

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng Đề án rà soát tổng thể các quy hoạch hiện hành với lộ trình phù hợp để từng bước điều chỉnh bằng các chính sách, quy định pháp luật để đến năm 2020 có thể thực thi đồng bộ các quy hoạch theo Luật quy hoạch.

Theo báo cáo của các cơ quan hữu quan được phân công qua rà soát, có 32 Luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật quy hoạch. Để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế  tiếp thu, chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của dự thảo Luật theo hướng Luật quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.  Cùng với đó, quy định tại khoản 2 Điều 69 giao Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các Luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật bảo đảm phù hợp với Luật quy hoạch, trình Quốc hội xem xét, quyết định và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 1/1/2019. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn liệu có đủ thời gian để sửa 32 luật này không? Bà Nga phân tích, 32 luật này nếu có hiệu lực từ 1/1/2019 thì thông thường từ khi thông qua đến khi có hiệu lực thường xác định là 6 tháng. Điều này có nghĩa đến tháng 6/2018 phải thông qua những luật này, trong khi đó giờ đã là tháng 3/2017. "Chúng tôi đề nghị Ủy ban Pháp luật có ý kiến luôn là có thể đảm bảo việc này không?", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi.

Từ thực trạng quy hoạch, xây dựng đô thị không đồng bộ, không tạo được tính kết nối, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, thực trạng này là do quy hoạch chưa phát huy hiệu quả hay do thực hiện quy hoạch không tốt? Từ đó, mới xem xét có cần sửa đổi, bổ sung 32 luật có liên quan đến quy hoạch hay không? 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho ý kiến về dự thảo Luật quy hoạch

Nên hay không đưa quy hoạch xây dựng vào  Luật quy hoạch?

Cũng băn khoăn về tính khả thi của luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ cách tích hợp các quy hoạch vào một quy hoạch chung, thời gian tích hợp bao lâu và tính khả thi, tác động trên thực tiễn của việc tích hợp này đối với điều hành phát triển kinh tế xã hội. Hơn nữa, quy hoạch xây dựng có tính đặc thù rất cao về khối lượng sản phẩm, hệ thống sản phẩm. Vì vậy, việc tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch chung là rất khó khăn. 

"Việc thể hiện quy hoạch xây dựng trong Luật quy hoạch này không bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với quy hoạch xây dựng mà đã được thể hiện đầy đủ, đồng bộ trong các luật hiện hành rồi. Bên cạnh đó, cách thể hiện không thống nhất, không rõ ràng đến khi thực hiện có thể dẫn tới sự xáo trộn không cần thiết, không đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật hiện hành", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Về việc  Bộ Xây dựng muốn có một điều riêng trong Luật Quy hoạch quy định về quy hoạch xây dựng, tức là các vấn đề liên quan đến xây dựng thực hiện theo luật chuyên ngành về xây dựng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng,  Nếu đưa điều này vào Luật Quy hoạch sẽ phá vỡ toàn bộ nội dung của luật này với tư cách là một công cụ điều tiết nguồn lực, không gian bảo đảm quyền lợi quốc gia được ưu tiên hơn so với quyền lợi của ngành, địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng “Không thể có quy hoạch ngành, mà quy hoạch ngành phải nằm trong quy hoạch tổng thể”.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, “Luật Quy hoạch là một cuộc cách mạng giải quyết được tất cả các bất cập của đất nước từ trước đến nay như chồng chéo, cát cứ, cục bộ, sử dụng lãng phí nguồn lực… Luật Quy hoạch tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo ra tư duy mới, cách làm mới, bảo đảm phát triển bền vững, khai thác hết tất cả tiềm năng, lợi thế; triệt tiêu tất cả chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm của các bộ, ngành, địa phương, vì vậy, còn có nhận thức, ý kiến khác nhau cũng là bình thường”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kể cả xáo trộn, kể cả phải sửa nhiều luật, nhưng Luật Quy hoạch rõ ràng tốt hơn thì vẫn phải làm, không nên lùi và không thể lùi. “Cả xã hội rất quan tâm, rất đồng tình, nếu vì ngại thay đổi mà bàn lùi sẽ không có đột phá, không có cú hích, hạn chế sự phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự luật), ông Vũ Hồng Thanh bày tỏ thái độ lo ngại vì đến thời điểm này, sau khi đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều lần cho ý kiến và đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Khóa XIV mà vẫn còn ý kiến không đồng tình. Nếu vẫn còn những ý kiến không đồng tình thì không biết có kịp trình Quốc hội thông qua để đến năm 2019 Luật Quy hoạch kịp thời có hiệu lực.

“Năm 2020, các địa phương tổ chức Đại hội Đảng các cấp, trong đó phải thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2020-2025, nếu không có Luật Quy hoạch thì không biết xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thế nào”, ông Thanh nói.

Qua thảo luận, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, ngay trong Chính phủ cũng chưa thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, chuẩn bị các nội dung kỹ lưỡng, để trình ra Hội nghị đại biểu chuyên trách vào tháng 4 tới.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh