THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:12

Chưa chỉ rõ "địa chỉ" tham nhũng và trách nhiệm cá nhân

 

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016 (từ ngày 1/10/2015 đến 31/7/2016) cho thấy năm 2016, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm đã được kiềm chế, giảm đáng kể.Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp; vi phạm trong cấp phép, xuất bản, in ấn xảy ra nhiều hơn. An ninh an toàn mạng tiếp tục bị đe dọa. Tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm đâm thuê, truy sát nhau siết nợ, tổ chức đánh bạc, cá độ có dấu hiệu phức tạp; số vụ giết người tăng cao; tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp...

Tình hình vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu là trong các lĩnh vực: An toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; thuế, môi trường; xây dựng; bảo hiểm; an toàn thực phẩm; thuế; hải quan; xây dựng đất đai; xuất nhập khẩu; tài nguyên khoáng sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định: Công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt mục tiêu

Cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2016, Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm. Đó là tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý là đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường tại bốn tỉnh ven biển miền Trung, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, xã hội. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng đã đến mức báo động. Tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, hiệu quả phòng ngừa tham nhũng chưa cao.

Ủy ban tư pháp cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các báo cáo vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”…. mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.

Uỷ ban Tư pháp đánh giá việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, phải phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi ẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân.

Ủy ban tư pháp cho rằng để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào.

Bổ nhiệm ồ ạt gây bức xúc

Uỷ ban Tư pháp cho biết, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân. Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.

 “Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.   ”- Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh