THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:11

Chữa cháy bất lực vì nhiều trụ nước chỉ để… làm cảnh

 

Căn nhà 48 nằm trong ngõ sâu số 41 phố Vọng. ảnh: T.G.

Khi cần chữa cháy trụ nước lại thiếu nước

Cho đến bây giờ, sự cố cháy ngôi nhà số 48 khiến hai mẹ con tử vong, những người dân sống trong ngõ 41 phố Vọng, (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng. Căn nhà 4 tầng bị lửa thiêu rụi trơ khung, khóa trái cửa từ hôm đó đến nay. Người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi tên Hải, nhà ở ngõ 41 phố Vọng cho biết: “Hôm đó, một thanh niên đi chơi về muộn mới phát hiện căn nhà 48 đang bốc cháy. Ngay sau khi hô hoán, hàng xóm người xô người chậu hắt nước vào để giải cứu nhưng không ăn thua. Lúc đó, có nước sẵn thì hậu quả không nghiêm trọng như thế”.

Bà Hải cho biết thêm, chỉ một lúc sau đã có một loạt xe cứu hỏa xếp hàng cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Tuy nhiên, do hiện trường vụ cháy nằm trong ngõ sâu, các xe chữa cháy không vào tận hiện trường, gây khó khăn cho công tác dập lửa. Theo ghi nhận của PV, ngõ 41 phố Vọng vừa sâu lại hẹp, hai bên là hàng trăm nhà ở san sát nhau. Không chỉ trong ngõ này mà cả tuyến phố Vọng, những tuyến phố lân cận thuộc địa bàn phường Đồng Tâm chưa được lắp đặt trụ nước cứu hỏa công cộng.

Người dân khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa) cũng cho biết, nếu các trụ nước cứu hỏa được lắp đặt sẵn trong khu mà có nước thì hậu quả đã không khiến đến 6 căn hộ bị thiêu rụi vào cuối năm 2013. Ông Trần Chí Trung, cư dân khu tập thể Nam Đồng ngõ 119 Hồ Đắc Di cho biết: “Vụ cháy khởi đầu từ một căn hộ ở tầng 3 tòa nhà Đ11 sau đó lan lên tầng 4, rồi tầng 5. Các xe cứu hỏa và lực lượng PCCC đã có mặt kịp thời sau khi được thông báo. Nhưng khi các xe hết nước và cần sự “trợ giúp” từ trụ nước cách đám cháy khoảng 100m thì mới biết trụ nước này chỉ để làm “cảnh”.

Ông Trung cho biết các trụ nước cứu hỏa dùng chung với mạng lưới cung cấp nước sinh hoạt: “Nước sinh hoạt cho người dân vào mùa hè còn yếu thì nói gì đến cứu hỏa”, ông nói.

Kinh nghiệm của người dân Nam Đồng cho thấy, nước tại các trụ cứu hỏa thường sẽ có vào các khung giờ từ 5-9 giờ, 17-21 giờ còn những khung giờ còn lại sẽ có trụ cứu hỏa không có nước do áp lực nước thấp. “Đen đủi xẩy ra cháy vào giờ nước yếu thì coi như xác định phải chịu thiệt hại”, ông Trung nói.

Lo lắng vì đường nước cứu hỏa và sinh hoạt là một

Theo tính toán của sát Cảnh sát PCCC Hà Nội, Thủ đô còn thiếu khoảng 4000 trụ nước cứu hỏa.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu địa điểm lấy nước để phục vụ công tác PCCC, thành phố vừa lắp đặt và đưa vào sử dụng 500 trụ nước cứu hỏa mới. Đó là những điểm lấy nước cứu hỏa thuộc các trục đường phố chính khu vực các quận nội thành như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai và Nam Từ Liêm.

Qua thị sát, những tuyến phố mới kiểu mẫu như Lê Trọng Tấn (quận Hoàng Mai) được trang bị đầy đủ các trụ nước cứu hỏa. Tuy nhiên, nó cũng chỉ mới được lắp đặt ở ngoài đường lớn. Còn lại ngõ ngách nơi con phố này có hàng nghìn hộ dân sinh sống thì trụ nước vẫn chưa hiện diện.

Anh Phan Đình Thành, ngõ 192 Lê Trọng Tấn băn khoăn: “Phố Lê Trọng Tấn đã được lắp những trụ nước. Tuy nhiên, nếu nước cứu hỏa đi chung với đường nước sinh hoạt thì thật đáng lo ngại. Vì mùa hè ở khu vực này, áp lực nước sinh hoạt rất yếu, thậm chí thỉnh thoảng mất nước thì lấy đâu ra nước cứu hỏa”. Anh Thành cũng băn khoăn, từ ngoài phố vào đến số nhà 66 ngõ 192 của anh phải hơn 200m. “Nhà tôi mặt ngõ cách trụ nước cả trăm mét. Đáng lo ngại là những ngôi nhà sâu trong ngách hẹp, chỉ một đường ra vào nếu cháy rất khó ứng cứu”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc quản lý và sử dụng các trụ nước cứu hỏa hiện nay trên toàn thành phố do nhiều cơ quan đảm nhận. Trong khi lực lượng Phòng cháy chữa cháy là đơn vị sử dụng thì Sở Xây dựng lại là đơn vị quản lý và bảo trì những trụ nước này. Cùng lúc, nhiều đơn vị kinh doanh cung cấp nước nên đôi khi lực lượng chữa cháy không biết đâu là đơn vị chủ quản cung cấp nước cho trụ nước cứu hỏa.

"Vào mùa hè, lượng nước dân sử dụng nhiều nên thiếu nước, nếu có cháy thì chúng tôi phải gọi nhà máy nước, trụ nào thuộc quản lý của công ty nào phải gọi điện để tăng áp để lấy nước chữa cháy khiến việc chữa cháy thêm công đoạn”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội thông tin

Số lượng trụ nước, điểm lấy nước cứu hỏa mà thành phố mới bổ sung chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của thành phố. Hạ tầng phục vụ chữa cháy trên địa bàn Hà Nội còn nhiều khó khăn như giao thông đông đúc, rồi đặc thù nhà nhỏ, ngõ hẹp. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội đã làm một cuộc khảo sát và cho hay, trên địa bàn có hơn 1.200 ngõ nhỏ xe chữa cháy không tiếp cận được.

 

Tháng 4/2017, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, trong số 2.688 trụ nước hiện có, có tới 382 trụ nước qua kiểm tra không lấy được nước, 1.193 bể dự trữ nước qua kiểm tra có 87 bể không lấy được nước. 382 trụ nước không có nước không phải hỏng hoàn toàn mà do hệ thống cấp nước chữa cháy đó xa nhà máy nước, ở cuối nguồn. Đặc biệt vào mùa hè, lượng nước dân sử dụng nhiều nên thiếu nước, nếu có cháy thì cảnh sát phải gọi nhà máy nước, trụ nào thuộc quản lý của công ty nào phải gọi điện để tăng áp để lấy nước chữa cháy.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh