Chủ tịch tỉnh TT. Huế yêu cầu Văn phòng ghi chép lại các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo
- Dược liệu
- 17:31 - 26/01/2019
Ông Phan Ngọc Thọ (đứng giữa) - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi họp báo
Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo tỉnh này đã có báo cáo tóm tắt, điểm lại những nét nổi bật trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2019; đồng thời, tỉnh này cũng thông báo một số hoạt động mừng Đảng mừng Xuân và chăm lo tết cho người.
Theo đó, vào đêm Giao thừa, tại Quảng Trường Ngọ Môn (TP. Huế) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật tổng hợp, kết hợp bắn pháo hoa để chào đón năm mới. Bên cạnh đó, tại công viên trung tâm thị trấn Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) và Khu du lịch Laguna Lăng Cô (Phú Lộc) cũng sẽ tổ chức bắn pháo hoa đêm Giao thừa. Trong những ngày trước và trong Tết sẽ diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội chào đón Xuân mới trên khắp địa bàn tỉnh.
Về công tác chăm lo Tết cho người dân, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chuẩn bị hàng hóa, bảo đảm về cả số lượng, chất lượng một số mặt hàng thiết yếu; chống đầu cơ tích trữ, không để khan hiếm gây đột biến về giá cả gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân; tuyệt đối không để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách,…thiếu đói trong dịp Tết. Ước tính tổng giá trị dự trữ hàng hóa trong dịp Tết khoảng gần 1.300 tỷ đồng.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, tính đến thời điểm này, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc chuyển quà Tết đến các đối tượng chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 100.000 đối tượng được nhận quà Tết và hỗ trợ đón Tết từ Trung ương và của tỉnh với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng.
Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuyển 33.445 suất quà của Chủ tịch nước và tặng hơn 77.732 suất quà của tỉnh cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội toàn tỉnh; hỗ trợ cho gần 57.000 người thuộc các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và hỗ trợ quà Tết cho trên 15.150 hộ nghèo đón Tết với mức 200.000 đồng/hộ.
Tại buổi họp báo, các phóng viên, nhà báo cũng đặt các câu hỏi, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội,…của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Trong đó, phóng viên báo LĐ&XH, báo điện tử Dân Sinh đã đề cập vấn đề từ phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đến hành động, sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan đôi khi chưa được thực thi. Cụ thể, phóng viên đã trao đổi về vấn đề nhà báo, phóng viên bị đe dọa đến tính mạng khi đi tác nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau đó, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2018 đã phát biểu chỉ đạo rằng: “Chúng tôi sẽ bảo vệ báo chí tối đa, bảo vệ còn hơn cả bản thân tôi. Nếu không bảo vệ được báo chí tác nghiệp thì chúng ta sẽ mặc nhiên duy trì cho cái xấu, cái ác tồn tại. Tôi hứa với toàn thể báo chí ở đây là sẽ giữ được sự an toàn cho các anh chị khi tác nghiệp”. Và ông cũng hứa ngay ngày hôm sau (sau họp báo tháng 5/2018) sẽ làm việc với công an tỉnh để bàn về việc bảo vệ báo chí.
Đồng thời tại buổi họp báo hôm đó, Đại tá Phan Văn Minh - Trưởng Phòng tham mưu kiêm Người phát ngôn Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, Đại tá Lê Quốc Hùng, Giám đốc Công an tỉnh (thời điểm đó) đã cho yêu cầu Công an Thị xã Hương Trà điều tra làm rõ vụ việc.
Tuy nhiên, theo thời gian, sự việc sau đó cũng dần trôi vào quên lãng; không một cá nhân nào bị điều tra, làm rõ. Cá nhân phóng viên bị đe dọa cũng không nhận được thông báo nào từ các cơ quan chức năng tỉnh này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo, yêu cầu bộ phận Văn phòng UBND tỉnh cần phải ghi chép lại các ý kiến phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh tỉnh tại các cuộc họp, họp báo, những chuyến đi khảo sát thực địa,…để nhắc nhớ, tham mưu lãnh đạo vì “quá nhiều việc, không nhớ hết”.