Chủ tịch tập đoàn EVN lý giải những nguyên nhân tăng giá điện lên 8,36 %
- Tây Y
- 22:07 - 22/05/2019
Tăng để bù đắp chi phí thiếu hụt
Sáng 22/5/2019, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Đánh giá những kết quả đạt được những tháng đầu năm 2019, Chính phủ nhận định mặc dù còn những hạn chế, yếu kém, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế- xã hội nước ta những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức.
Tại tổ 1, đoàn đại biểu Hà Nội đã nêu nhiều ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đại biểu Dương Quang Thành (Chủ tịch Tập đoàn EVN) đã báo cáo trước đoàn đại biểu về nguyên nhân khiến EVN tăng giá điện lên 8,36% thời gian vừa qua.
Đại biểu Dương Quang Thành nêu lý do: “Trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rất rõ, do tăng chi phí về môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội. Các đầu vào tăng như giá than tăng, giá than hiện nay không điều hành quản lý do Nhà nước mà do tập đoàn Than khoáng sản khai báo. Nếu không đủ chi phí sản xuất thì Tập đoàn Than khoáng sản có quyền báo cáo Bộ Tài chính về việc tăng giá than.
Khi giá than tăng, tất cả các chi phí đầu vào tăng. Trong báo cáo cũng nêu rõ, 20.000 tỷ đồng tăng thêm so với kế hoạch trong năm 2018 vừa qua thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp chi phí thiếu hụt. Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho sự thiếu hụt 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt”.
Chủ tịch Tập đoàn EVN cũng cho biết: “Năm 2019 chi phí sản xuất điện giảm 7.000 tỷ so với năm 2018. Chi phí truyền tải điện cũng giảm 2.000 tỷ so với năm 2018. Năm 2018, giá truyền tải điện là 110,8 đồng/KWh thì năm 2019 chỉ còn 101 đồng/KWh. Như vậy, chỉ riêng EVN giảm đến 9.000 tỷ trong tổng số toàn bộ chi phí”.
Hiện nay, EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Và tỷ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%, còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chiếm chỉ có 23%. Như vậy, việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, có tiền mua dầu, mua điện để cung cấp điện.
11 khách hàng phản ánh trên báo chí được giải thích
Lãnh đạo EVN cũng cho hay, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018. Kết luận gần nhất trước khi tăng giá điện là ngày 27/1/2019, Thường trực Chính phủ đã họp và đã có quy định điều chỉnh giá điện lên 8,36%. Từ 27/1 đến 20/3 là gần 2 tháng, trước khi tăng giá điện, Bộ Công thương cũng đã họp và báo cáo trước Ban Tuyên giáo trong cuộc họp giao ban, báo cáo đầy đủ việc tăng giá điện ngày 20/3/2019.
Chính vì vậy việc công khai minh bạch việc tăng giá điện đã được Chính phủ, Bộ Công thương đã làm đầy đủ các thủ tục theo quy định.
“Việc điều chỉnh điện vào tháng 3, cũng có ý kiến là tại sao EVN lại điều chỉnh giá điện vào mùa nắng nóng. Thực ra, việc điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ, từ năm 2017 đến nay có 11 lần điều chỉnh giá điện, trong đó có 4 lần điều chỉnh vào tháng 3 và 3 lần điều chỉnh vào tháng 12.
Như vậy tỷ lệ các lần điều chỉnh giá điện vào tháng 3 cao nhất trong các lần điều chỉnh giá điện. Vừa rồi nắng nóng đột biến vào tháng 4 nên điện có tăng cao hơn so với trước đây. Chính vì vậy việc điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ mà cũng đúng theo quy định. Trong phân tích của Chính phủ, tháng 3 là tháng CPI thấp nhất, thuận lợi nhất cho việc điều chỉnh giá điện”, ông Thành lý giải.
Đặc biệt, trước dư luận của người dân về việc EVN tăng giá điện, chủ tich tập đoàn EVN cho biết: “Trong báo cáo của Chính phủ nêu rất rõ, trong lần điều chỉnh giá điện và thanh toán tiền chỉ có 11 trường hợp phản ánh trên các phương tiện báo chí, có 8 trường hợp phản ánh trên mạng xã hội. Đối với 11 trường hợp khách hàng phản ánh trên báo chí, EVN cũng đã giải thích và đã thống nhất với giải thích của EVN. 8 trường hợp phản ánh trên mạng xã hội cũng được giải thích và họ đã gỡ thông tin phản ánh trên mạng xã hội. Như vậy, lượng phản ánh không phải là số lớn, hiện nay EVN có 27 triệu khách hàng sử dụng điện”.