THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:08

Chủ tịch Quốc hội: Giảm dần việc đưa lao động giản đơn đi làm việc ở nước ngoài

Chủ tịch Quốc hội: Giảm dần việc đưa lao động giản đơn đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần phân biệt rõ việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng và hoạt động đưa người ra nước ngoài trái phép

Giải quyết các vướng mắc, bất cập sau gần 13 năm áp dụng Luật

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và đáp ứng các yêu cầu:

Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế.

Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây.

Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo gồm 8 chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật,  Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị của Ban Soạn thảo trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường đã cố gắng tiếp thu, giải trình một số ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án Luật. Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật.

"Về cơ bản dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, điều ước và cam kết quốc tế, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát: (1) Mối quan hệ giữa dự thảo Luật với quy định của các luật hiện hành và các dự án Luật mà Quốc hội đang cho ý kiến. (2) Tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có kế hoạch phê chuẩn, chuẩn bị gia nhập trong thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm, nghiên cứu các ý kiến góp ý sơ bộ của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam về vấn đề này. Bên cạnh đó, đề nghị quan tâm thêm việc hài hòa hóa với pháp luật của các nước tiếp nhận lao động", bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Cần phân biệt rõ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và xuất cảnh trái phép - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình Dự án Luật

Quy định với những yêu cầu rất cao về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thảo luận về các nội dung liên quan đến Dự án Luật, các đại biểu đều thống nhất với việc cần thiết phải ban hành Luật mới để đáp ứng yêu cầu công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong giai đoạn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, ngoài vấn đề thu nhập, việc làm thì công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn liên quan đến thể diện của một quốc gia. Trên thế giới có những mô hình rất thành công như Philippines. "Nhờ công tác XKLĐ, Chính phủ Philippines có nguồn tăng GDP, tạo cán cân thanh toán quốc tế. Lao động của họ có khả năng ngoại ngữ, khả năng chuyên môn và khả năng "nhập gia tùy tục" rất tốt. Lao động của chúng ta một bộ phận nhỏ vẫn còn chưa tốt, còn hiện tượng đánh bài, đánh nhau làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con người Việt Nam. Do đó, Luật phải đặt ra tiêu chuẩn cao hơn. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề bảo hộ công dân, qua đợt dịch Covid-19 này mới thấy chúng ta phải bảo hộ cho một bộ phận không nhỏ lao động bất hợp pháp Việt Nam ở nước ngoài. Vấn đề đặt ra là trong các điều cấm của Dự án Luật thì chúng ta tập trung cấm người lao động hay cấm các tổ chức đưa người đưa lao động đi, theo tôi phải tăng cường gia cố hơn nữa các điều cấm tập trung vào các tổ chức đưa người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài", ông Giàu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, với lao động bất hợp pháp qua đợt dịch Covid-19 phải bị xử lý hành chính chứ không phải như những lao động bình thường được. "Phải có những quy định cụ thể để xử lý các đối tượng này. Liên quan đến vấn đề Quỹ, nhà nước và người lao động phải chia sẻ, chứ nhà nước không thể hỗ trợ đi và hỗ trợ về, thậm chí hỗ trợ cho cả lao động bất hợp pháp. Quy định trong Luật phải bình đẳng và công bằng. Phải có quy định với những yêu cầu rất cao về tổ chức đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Chúng ta đánh giá cao đóng góp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng công tác này phải chất lượng hơn, nề nếp hơn, phải đảm bảo phẩm giá của con người Việt Nam", ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Vũ Trọng Việt cho rằng, thời gian qua, việc lợi dụng chính sách  để đưa người ra nước ngoài lao động phi pháp rất nhiều nhưng xử lý chưa nghiêm, do vậy, Luật phải làm thế nào để thắt chặt hơn, đồng bộ hơn, chặt chẽ hơn, để các tổ chức không lợi dụng được.

Cần phân biệt rõ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và xuất cảnh trái phép - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật

Cần phân biệt rõ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng và xuất cảnh trái phép

Thảo luận về nội dung Dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chúng ta phải phân biệt rõ việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng và hoạt động đưa người ra nước ngoài trái phép với các hình thức như đi du lịch, đi thăm thân rồi ở lại lao động. "Không phải cứ vụ nào xuất cảnh trái phép là ghép chung với XKLĐ và chúng ta cũng không nên dùng từ XKLĐ nữa, cho nên Luật của chúng ta có tên là Luật đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

"Vừa rồi, Đại sứ Nhật phàn nàn về lao động trốn, tôi nói chúng tôi có quy định pháp luật rất rõ ràng, họ trốn được vì có những chủ sử dụng lao động phía Nhật cũng thích lao động Việt Nam và sử dụng lao động trốn  nên các ngài cũng phải phải xem lại việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp của mình".

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc đưa  người lao động ra nước ngoài là một hình thức tạo việc làm ngoài nước cho người lao động, giải quyết được việc làm và thu nhập cho người lao động, đã có nhiều gia đình và làng xã trở nên giàu có. Nhưng cũng có những trường hợp đem con bỏ chợ hay đi làm những công việc không đáng, ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia, dân tộc.

"Tôi đồng ý với sự cần thiết của việc ban hành Luật, Luật cũ có hiệu lực từ năm 2007, từ khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. 13 năm nay, xã hội đã phát triển lên, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Luật Lao động đã sửa hai lần, rất nhiều Luật có liên quan đã được sửa đổi bổ sung, cho nên rất cần thiết phải ban hành Luật mới", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.  

Cần phân biệt rõ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và xuất cảnh trái phép - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp

Nhất trí với quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm đến ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Trong điều kiện hiện nay, những lao động giản đơn sẽ được dùng robot để thay thế, những ngành nghề thâm dụng lao động sẽ giảm, chuyển sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. Do vậy, chúng ta phải dần dần giảm đưa lao động giản đơn mà cần khuyến khích lao động đi làm việc ở những ngành nghề có năng suất lao động, giá trị gia tăng cao. "Phải dần đào tạo lao động có kỹ năng quản lý. Chúng ta đã có quy định rất rõ rằng, chặt chẽ về dạy nghề, chỉ có điều làm chưa tốt. Ngoài ra Luật cần gắn giữa việc làm trong nước và ngoài nước để làm sao khi lao động về nước có thể tận dụng được nguồn nhân lực đó. Rồi chính sách đóng BHXH sẽ tính thế nào, thủ tục đưa đi ra sao... cần phải thiết kế chính sách làm sao để  bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi đi và sau khi về nước".

Thứ hai, về những quy định trong Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, những điều kiện kinh doanh phải chặt chẽ, đồng thời phải xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc để  trục lợi bất chính, bỏ rơi người lao động khi họ gặp khó khăn…

Về hành vi nghiêm cấm, điều 7 của Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định những công việc và khu vực mà người lao động không đi làm việc ở nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần cân nhắc quy định này, cấm cái gì nên ghi vào Luật. 

Liên quan đến Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quỹ này đang có và thật sự đang phát huy tác dụng, do vậy nên cho tiếp tục chứ không cần thành lập mới.

"Về quy định đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương được quyền đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, quy định này cần phải làm rõ hơn. Việc đưa thêm hình thức đi làm việc ở nước ngoài vào Dự án Luật đối với đối tượng xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải thuần túy lao động  thì nên cân nhắc có nên đưa vào Luật hay không, tính khả thi thế nào… Việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh các DN thì hiểu thế nào cho thống nhất để phù hợp với Luật DN đang sửa đổi và Luật Dân sự nếu xảy ra tranh chấp. Dự thảo luật này liên quan đến một số luật được sửa đổi và sắp tới sẽ sửa đổi trong thời gian gần đây như Bộ luật Dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật DN, Luật dầu tư, phí lệ phí, Luật việc làm,  Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động... do đó, cần phải rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất những nội dung có liên quan",  Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cần phân biệt rõ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và xuất cảnh trái phép - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên họp

Không chỉ số lượng mà chất lượng lao động cũng đã được nâng lên

Báo cáo thêm một số vấn đề của Dự án Luật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là chủ trương chính sách rất lớn, hàng năm chúng ta giải quyết việc làm thông qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 10% số lượng giải quyết việc làm mới hàng năm (10% của 1,6 triệu lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm). "Về cơ bản, cho đến nay, chúng ta đạt chỉ tiêu này. Gần đây chúng ta cũng vươn lên giải quyết được không chỉ số lượng lao động đưa đi mà chất lượng lao động lao động cũng được nâng lên, thu nhập của người lao động cũng cao hơn", Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua còn có rất nhiều vấn đề cần chú ý, cụ thể:

Về quản lý, thời gian qua chúng ta đã rất chú trọng vừa đảm bảo chăm lo cho người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng phải thực hiện một cách nghiêm túc Luật cũng như các quy định liên quan đến lĩnh vực này. Do đó, 2 năm nay số lượng doanh nghiệp phát triển rất nhanh, tăng khoảng 300 doanh nghiệp so với mấy năm trước, số lượng người lao động đưa đi nhiều hơn, địa bàn cũng được lựa chọn tốt hơn. Nhiều địa bàn tiềm năng, có chất lượng được khai thác trong thời gian gần đây như Nhật Bản, các nước Đông Âu như Đức, Hunggari, Rumani…

"2 năm qua chúng ta đưa được 1066 người sang Đức mà toàn bộ số này Đức đầu tư tiền cho chúng ta đào tạo trong 3 năm, mức lương của lao động bây giờ là 3000 Euro/ tháng, tôi đã sang trực tiếp kiểm tra nơi ăn ở, điều kiện làm việc của người lao động và thấy rằng rất tốt", Bộ trưởng thông tin.

Thứ hai là chúng ta đã chuyển hướng mạnh sang đào tạo lao động trước khi đi gắn với trường nghề, gắn với doanh nghiệp, ký kết ngay với doanh nghiệp ngay từ khi khi doanh nghiệp đào tạo lao động.

"Tuy nhiên, đúng là hiện nay trong vẫn còn tình trạng thu lạm phí. Hợp đồng thì đúng, tất cả các loại phí của chúng ta đều công khai, minh bạch. Từ năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã được Chính phủ ủy quyền ký công khai tất cả các loại phí. Những loại phí gì, quỹ gì, thu thêm hay không thu đều có hiệp định giữa hai quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động đúng nghĩa thì thu rất đúng, nhưng cũng có tình trạng bên ngoài thu đúng nhưng đằng sau đó là thu ngấm ngầm, thậm chí còn tình trạng các công ty ma, doanh nghiệp trá hình thời gian qua là có. Các cơ quan chức năng của chúng ta cũng đã xử lý rất nhiều DN kiểu này", Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề đưa thêm loại hình đơn vị sự nghiệp công lập được tham gia vào hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, trên thực tiễn rất nhiều địa phương đang có hợp tác lao động ngắn hạn với một số địa phương của các nước. Việc đó lại không thuộc phạm vi của doanh nghiệp đưa đi. "Vừa qua Chính phủ đã xin phép được làm thí điểm thì thấy một số tỉnh làm rất tốt như Đồng Tháp chẳng hạn, không xảy ra bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, việc này không thể giao cho doanh nghiệp mà phải giao cho một đơn vị trực thuộc tỉnh với tính chất là phi lợi nhuận, không thu của người lao động", Bộ trưởng nói.

Liên quan đến quy định về chi nhánh doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, qua đánh giá thời gian qua, những DN lớn rất ít chi nhánh nhưng những DN làm ăn không ra sao thì lại rất nhiều chi nhánh. Nếu quy định hiện nay trong Luật hiện hành là 3 chi nhánh thì với 400 doanh nghiệp sẽ có 1200 chi nhánh ở 60 tỉnh sẽ rất khó kiểm soát. Quy định này cũng hoàn toàn không trái với Luật doanh nghiệp.

"Chúng tôi sẽ dành thời gian rà soát, tiếp thu tất cả các ý kiến của Ủy viên Ủy ban thường vụ QH hôm nay để bổ sung hoàn thiện Dự án Luật", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh