Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp thăm Thụy Sỹ, Nga: Thành công rực rỡ về mọi mặt, với nhiều kết quả cụ thể
- Tây Y
- 06:30 - 04/12/2021
Sáng 3/12, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang (LB) Thụy Sỹ và LB Nga từ 25/11 – 2/12/2021.
Về kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ và Liên bang Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công du này của Chủ tịch nước.
Thành công tốt đẹp với nhiều kết quả cụ thể
- Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Thụy Sỹ?
Thứ trưởng Tô Anh Dũng: Đây là chuyến thăm Thụy Sỹ và châu Âu đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, có ý nghĩa biểu tượng của quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước khi diễn ra đúng dịp hai bên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 – 2021) và 30 năm hợp tác phát triển (1991 – 2021).
Với tinh thần đó, cả hai bên Việt Nam và Thụy Sỹ đều rất coi trọng và tổ chức chuyến thăm thành công tốt đẹp với nhiều kết quả cụ thể, nổi bật là:
Thứ nhất, về chính trị, hai bên đã trao đổi sâu rộng, thực chất và đạt được sự nhất trí cao về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và đa phương, tạo xung lực, định hướng mới thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của hai nước;
Đồng thời chia sẻ tầm nhìn về các vấn đề chiến lược khu vực và toàn cầu, trong đó có tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh – an toàn hàng hải ở Biển Đông phù hợp với Luật pháp quốc tế.
Hai là, quan hệ hợp tác kinh tế được tạo thêm lực đẩy mới. Đích thân Chủ tịch nước và Tổng thống Guy Parmelin tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao Việt Nam – Thụy Sỹ với hơn 100 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu của hai nước, chứng kiến ký một số thỏa thuận hợp tác quan trọng về hỗ trợ điều trị Covid–19; sản xuất và phát triển vaccine; phát triển ngân hàng; ứng dụng công nghệ trong phát triển đô thị; dịch vụ hàng không…
Đặc biệt, chuyến thăm là cơ hội để hai nước cùng nỗ lực tìm giải pháp thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do EFTA trong đó Thụy Sỹ đóng vai trò đầu tàu, theo tinh thần linh hoạt và cân bằng lợi ích, qua đó mở ra triển vọng hiện thực hóa những tiềm năng hợp tác to lớn, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo.
Ba là, trong chuyến thăm, hai bên đạt được định hướng chung nhằm triển khai hiệu quả hơn các hoạt động hợp tác trong lĩnh vục khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cấp hợp tác từ Ý định thư lên Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác khoa học - công nghệ và hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác về Đổi mới sáng tạo.
- Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Chủ tịch nước thăm, làm việc với các cơ quan của Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế tại Geneva?
Thứ trưởng Tô Anh Dũng: Hoạt động đa phương là một trọng tâm trong chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước. Chỉ trong chưa đầy 24 giờ ở Geneva và mặc dù vào ngày Chủ nhật, Chủ tịch nước đã gặp gỡ Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc và người đứng đầu của các tổ chức quốc tế lớn có trụ sở tại đây như Văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới, Liên đoàn Bóng đá quốc tế.
Đây là lần đầu tiên Nguyên thủ ta thăm và làm việc với các tổ chức quốc tế quan trọng ở Geneva, đặc biệt là trong bối cảnh ta đảm nhiệm rất thành công vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tích cực triển khai ở cấp cao hoạt động đối ngoại đa phương theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ 13 và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức chuyên môn Liên hợp quốc cũng như vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế cho công cuộc phát triển đất nước.
Lãnh đạo các tổ chức quốc tế đều bày tỏ ấn tượng trước các chủ trương, chính sách và những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tự do hóa thương mại,…
Trong dịp này, các tổ chức quốc tế có nhiều cam kết quan trọng trong hợp tác và hỗ trợ Việt Nam.
WHO khẳng định tiếp tục tích cực hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc cung cấp vắc-xin thông qua COVAX, tăng cường năng lực hệ thống y tế, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, chuyển giao công nghệ vắc-xin ở khu vực, tạo điều kiện để vắc-xin do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệm toàn cầu của WHO.
WIPO cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và địa phương.
Thành công rực rỡ về mọi mặt
- Kết quả chuyến thăm Nga, đặc biệt là việc hai bên thông qua Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga tầm nhìn đến năm 2030 có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước, thưa ông?
Thứ trưởng Tô Anh Dũng: Trước tiên phải khẳng định chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước đã thành công rực rỡ về mọi mặt.
Chủ tịch nước đã gặp tất cả các lãnh đạo cao nhất của Nga như Tổng thống Putin, Thủ tướng Mishustin, Chủ tịch Duma Quốc gia Volodin, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Matvienko, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev…
Các cuội hội đàm, hội kiến diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân tình, ấm áp tình đồng chí, anh em, đặc biệt cuộc hội đàm với Tổng thống Putin suốt gần 4 giờ đồng hồ, trao đổi sâu rộng, thực chất và cụ thể hàng loạt các vấn đề song phương, tình hình thế giới, khu vực và hợp tác hai nước trong các vấn đề đa phương.
Với tin cậy chính trị rất cao và quyết tâm làm sâu sắc hơn, đưa quan hệ lên tầm cao mới, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga đến năm 2030.
Điều này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và hướng tới kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, xác định rõ các biện pháp và phương hướng cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam – Nga trong 10 năm tới;
Là minh chứng cho quyết tâm của cả hai nước trong việc mở ra một giai đoạn phát triển hợp tác mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả, và rộng khắp trên mọi lĩnh vực, trên bình diện song phương và đa phương, đáp ứng lợi ích lâu dài của hai nước, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung trên thế giới.
Liên bang Nga luôn chiếm vị trí quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách của Nga đối với khu vực châu Á -T hái Bình Dương.
Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó, trải dài hơn bảy thập kỷ, được dày công vun đắp bởi nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, giúp đỡ nhau chí tình trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.
Trên cơ sở những nền tảng vững chắc đó, với kết quả chuyến thăm lần này, tôi cho rằng hai bên sẽ nỗ lực cùng nhau phát huy hơn nữa các tiềm năng và thế mạnh để hiện thực hoá Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt –Nga đến 2030 với một số hướng lớn sau:
Một là duy trì đối thoại và tin cậy chính trị, phối hợp chặt chẽ để giải quyết những phát sinh trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác, phù hợp với lợi ích và mong muốn của cả hai bên;
Hai là tạo đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại trên cơ sở tận dụng cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu mang lại;
Ba là mở rộng và nâng cao hiệu quả trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống như thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng; đồng thời khuyến khích đầu tư và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ cao, phát triển hạ tầng, công nghiệp lắp ráp ô tô, nông-lâm-ngư nghiệp, hợp tác địa phương…;
Bốn là tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, văn hoá, y tế, giao lưu nhân dân và tạo thuận lợi cho công dân của nhau sinh sống, làm việc, học tập ở mỗi nước;
Năm là tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, ứng phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.