CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:21

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ

Đêm 25/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ từ ngày 25 - 29/11/2021

Đêm 25/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ từ ngày 25 - 29/11/2021

Nhận lời mời của Tổng thống Guy Parmelin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sĩ ngày 25 - 29/11. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin và hội kiến Chủ tịch Hội đồng quốc gia Andreas Aebi…

Chuyến thăm Liên bang Thụy Sĩ diễn ra vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Với bối cảnh đặc biệt và đầy ý nghĩa nêu trên, chuyến công du Thụy Sĩ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng và mong muốn của Việt Nam viết tiếp những trang hợp tác mới cho quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Thụy Sĩ.

Việt Nam và Liên bang Thụy Sĩ thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào năm 1971 và các chương trình ODA của chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1991. Đáng chú ý, đến cuối năm 2020, Thụy Sĩ đóng góp 600 triệu franc Thụy Sĩ (15.000 tỷ đồng) vào chương trình nghị sự đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong ba thập kỷ qua, Thụy Sĩ tiếp tục điều chỉnh chương trình ODA tập trung vào lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế… Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh mang tính ổn định và tin cậy. Các hoạt động trên trường quốc tế đang được phối hợp hiệu quả.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước diễn ra tốt đẹp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ năm 2020 và các năm 2016 - 2018 duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu luôn gần gấp 1,5 - 2 lần XK.

Từ năm 2020 đến nay, tuy dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương giữa hai nước, nhưng thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch XK giữa hai nước đạt 706,3 triệu USD, trong đó XK đạt 184,7 triệu USD và nhập khẩu đạt 521,6 triệu USD.

Về đầu tư, theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến tháng 5/2021, Thụy Sỹ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đa số các nhà đầu tư Thụy Sỹ lựa chọn hình thức công ty 100% vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

Đáng chú ý, là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam trong ba thập kỷ qua, tổng kinh phí tài trợ của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam lên tới 600 triệu USD.

Các dự án hợp tác phát triển do Thụy Sỹ tài trợ ở cả song phương và đa phương đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Tháng 3/2021, Thụy Sỹ  công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sỹ - Việt Nam 2021 - 2024, theo đó Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác. Tổng kinh phí dành cho chương trình 4 năm này là 70 triệu CHF.

Theo Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber, nhìn vào tổng thể, quan hệ kinh tế giữa Thụy Sĩ và Việt Nam chính là động lực và lĩnh vực hợp tác lớn nhất giữa hai nước và vẫn còn tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là ở cấp độ đầu tư. 

Hợp tác phát triển, văn hóa và giáo dục cũng là một điểm nhấn trong quan hệ hai nước. Thụy Sĩ đã đồng hành cùng quá trình phát triển, hỗ trợ Việt Nam, không chỉ giúp về vốn mà còn giúp Việt Nam về kinh nghiệm và tri thức. Trong hơn 30 năm qua, Thụy Sĩ đã viện trợ phát triển cho Việt Nam 650 triệu USD, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ Thụy Sĩ hiện cung cấp hỗ trợ cho khu vực sông Mekong nhằm đối phó với những thách thức cấp bách do biến đổi khí hậu.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan khẳng định những thành tựu đạt được trên tất cả các mặt từ chính trị-ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa - giáo dục chính là cơ hội, xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ hai nước.

Hai nước nhìn lại chặng đường tốt đẹp nửa thế kỷ qua, hướng tới tương lai với những triển vọng hợp tác mới, cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, làm sâu sắc các mối quan hệ thương mại đầu tư, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ song phương để góp phần khắc phục khó khăn và thúc đẩy phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

Trong nửa thế kỷ qua, mối quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Sĩ đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, và giao lưu nhân dân. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thụy Sỹ sẽ là điểm nhấn quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, từ đó mở ra cơ hội mới trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia Á - Âu trong thời gian tới.

Tháp tùng Chủ tịch nước và Phu nhân trong chuyến đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

Tham gia đoàn còn có lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ VHTT&DL , Ngân hàng NNVN, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.

Tham gia đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan; Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.

Thúc đẩy ngoại giao đa phương là một trong những trọng tâm trong chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Sĩ, tại Geneva, trung tâm của các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước gặp tổng giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)..., qua đó khẳng định sự chủ động tham gia, tích cực đóng góp của Việt Nam trong các thể chế đa phương.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh