Chủ tịch nước biểu dương 3 triệu công nhân dệt may, vừa chống dịch vừa sản xuất
- Tây Y
- 13:54 - 04/08/2021
Những “bông hoa đẹp” điển hình tiên tiến ngành dệt may
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả của ngành dệt may đạt được trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh và cho rằng, đây là những nỗ lực rất đáng biểu dương, ghi nhận, có ý nghĩa lớn với đất nước. Đất nước rất cần những “bông hoa đẹp” như các điển hình tiên tiến ngành dệt may.
Là ngành có tới gần 3 triệu lao động, chiếm gần 1/4 tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp của cả nước, các doanh nghiệp dệt may được đánh giá là đang thực hiện tốt mục tiêu kép.
Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện chỉ có 209 công nhân được ghi nhận mắc Covid-19, trong gần 150.000 người.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nổi bật, nửa đầu năm nay, ngay trong bối cảnh dịch bệnh thị phần của ngành dệt may tăng lên 6,7% so với 5% của năm ngoái.
"7 tháng qua, toàn ngành xuất khẩu đạt gần 23 tỷ USD so với mục tiêu khoảng 39 tỷ USD của năm nay. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, năm nay toàn ngành có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD", ông Trường thông tin và nêu, riêng Tập đoàn dệt may Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng mạnh tới 217%, cao gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái và cao nhất trong 25 năm qua, tương đương 620 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động là 8,4 triệu đồng.
Đảm bảo được 80% yêu cầu công việc so với lúc bình thường
Đối với công tác phòng, chống dịch, ông Trường cho biết, toàn ngành áp dụng mô hình hiệu quả nên đến nay chỉ có 209 người là F0. Trong đó, ngành đã áp dụng phương châm “3 tại chỗ” cùng là cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc, nên đảm bảo được 80% yêu cầu công việc so với lúc bình thường.
Các doanh nghiệp có phương án chuẩn bị điều kiện 3 tại chỗ cho khoảng 10% công nhân để hoàn thiện đơn hàng khi xảy ra cách ly. Với các biện pháp đó, ngay cả khi xuất hiện ca F0 thì cũng chỉ cách ly 15 đến 20 người.
Tuy nhiên, nỗi lo của các doanh nghiệp hiện nay chính là 40.000 lao động nghỉ việc do dịch bệnh, nhiều nhất là khu vực phía Nam.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, lượng lao động di chuyển về quê rất lớn, có thể chỉ 65% quay lại làm việc, trong khi từ nay đến cuối năm là cao điểm thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.
Mặc dù, hiện có tới 70% doanh nghiệp dệt may ở phía Nam và chiếm 35% của cả nước phải dừng sản xuất, 40% tổng số lao động phải giãn cách xã hội để phòng dịch song ngành này vẫn đặt mục tiêu nếu dịch được kiểm soát trong tháng 9, sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD; Nếu không, cũng đạt từ 34-37 tỷ USD.
Tại cuộc gặp, các doanh nghiệp dệt may cũng đề nghị Nhà nước quan tâm sớm tiêm vaccine cho công nhân lao động ngành dệt may.
Một cung đường hai điểm đến
Biểu dương và đánh giá cao 13.000 doanh nghiệp với gần 3 triệu lao động của ngành dệt may trong cả nước đã nỗ lực hết mình để vừa chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho công nhân vừa bảo vệ được sản xuất, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây tưởng là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau nhưng từ phòng dịch bệnh tốt nên đã duy trì được sản xuất.
Vì thế, trong 7 tháng qua, "khu vực này đã đạt kim ngạch xuất khẩu tới 23 tỷ USD, góp phần giảm bớt nhập siêu cho nền kinh tế".
Cho rằng, từ thành công trong thực hiện "mục tiêu kép" của một ngành có tới gần 3 triệu lao động đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh, những điển hình tiên tiến của ngành dệt may là minh chứng cho thấy, trong khó khăn vẫn có nhiều tấm gương sáng vươn lên, có mô hình hiệu quả để vừa bảo vệ sức khỏe công nhân, vừa duy trì sản xuất, lo cho đời sống của công nhân lao động.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Rất nhiều vấn đề các đồng chí đã áp dụng trong quá trình tổ chức sản xuất, đặc biệt là đã làm tốt hình thức sản xuất 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến, đảm bảo sự an toàn của người lao động vẫn là ưu tiên hàng đầu, ngành dệt may thực hiện tốt".
Như vậy, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đối với năm 2021 đầy khó khăn, thách thức, dệt may Việt Nam vẫn là 1 trong 2 quốc gia cùng Trung Quốc dẫn đầu thế giới... Trên cơ sở kết quả đó, Chủ tịch nước yêu cầu Tập đoàn và Hiệp hội tiếp tục phát huy kết quả đạt được, bám sát thực tiễn, có chính sách kịp thời, linh hoạt, tự lực tự cường, hoàn thành mục tiêu kép; Có các giải pháp ưu tiên đến từng doanh nghiệp, từng giai đoạn và từng loại sản phẩm.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ưu tiên lớn nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của công nhân, tiếp tục hạn chế thấp nhất số ca F0 như hiện nay.
Theo Chủ tịch nước, toàn bộ hệ thống doanh nghiệp cần động viên công nhân lao động, quan tâm hơn nữa đến đời sống, thu nhập, việc làm... của công nhân, không để ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh;
Những đơn vị dẫn đầu, nòng cốt như Vinatex đã phát huy được vai trò dẫn dắt trong thời gian vừa qua và cần tiếp tục phát huy vai trò này.
Đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế và chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa đến tiêm vaccine cho công nhân và lao động dệt may như đề xuất của Hiệp hội vì theo Chủ tịch nước, hiện nay, mới chỉ khoảng 1% người lao động trong ngành này được tiêm vaccine.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cuộc gặp mặt các điển hình tiên tiến của ngành dệt may hôm nay là sự chuẩn bị khởi đầu cho công cuộc khôi phục lại sản xuất và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước cần nghiên cứu và vận dụng cách làm sáng tạo của ngành dệt may trong thực hiện mục tiêu kép.