THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:43

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau

Cùng đi với Đoàn có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành, Trung ương.

Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Quyết liệt với các giải pháp chống dịch 

Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương có dân số 2,5 triệu người, đã xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 31/3/2021. Luỹ kế đến ngày 30/7/2021, tỉnh đã có 12.014 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố; 62 ca tử vong. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Bình Dương đã nghiêm túc triển khai chuyển trạng thái chống dịch với các giải pháp trực chiến cao nhất để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ"

Bình Dương đã nghiêm túc triển khai chuyển trạng thái chống dịch với các giải pháp trực chiến cao nhất để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và "03 không" (không nói thiếu kinh phí; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch). Tỉnh chỉ đạo siết chặt, quản lý đối với các địa phương đang có ổ dịch bùng phát, các khu vực phong toả có nguy cơ cao và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0 giờ ngày 19/7/2021. Yêu cầu tất cả mọi người dân trên địa bàn tỉnh không được ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngưng hoạt động từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau  kể từ ngày 28/7/2021. 

Theo phương châm siết chặt quản lý từng địa bàn, tỉnh yêu cầu các địa phương, bên cạnh các trạm kiểm soát hiện hữu, triển khai thành lập mới các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tới tận khu phố, ấp; chủ động có biện pháp cấp thẻ, phiếu đi lại cho người dân có nhu cầu thật sự cần thiết phải ra ngoài; kiên quyết không để "chặt ngoài, lỏng trong" ở các khu cách ly, phong toả.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh báo cáo tại buổi làm việc

Qua 12 ngày thực hiện kế hoạch xét nghiệm sàng lọc diện rộng để nhanh chóng "tách" ngay F0 ra khỏi cộng đồng, Bình Dương đã xét nghiệm cho 978.647 người, chiếm 40% dân số; qua đó phát hiện 10.728 người nghi ngờ mắc Covid-19 (tỷ lệ 1,1%), đang gửi mẫu xét nghiệm khẳng định PCR. 

Toàn tỉnh có 1.100 khu vực đang phong toả với 107.867 người; 126 điểm cách ly tập trung với 18.969 người và 2.533 trường hợp F1 đang cách ly tại nhà. 

Bình Dương có 16 khu điều trị với số giường đáp ứng cho 17.240 người và đang xây dựng kế hoạch điều trị lên 20.000 giường. Công tác điều trị được xây dựng theo mô hình "03 tầng" để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh. 

Bình Dương có gần 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành. Trong đó có 29 khu công nghiệp với trên 2.000 doanh nghiệp, 485.670 lao động Việt Nam và 14.900 lao động nước ngoài; 12 cụm công nghiệp với 40.000 lao động. Đồng thời có nhiều khu nhà trọ đan xen với các nhà máy, xí nghiệp, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào doanh nghiệp rất cao. 

Tỉnh chỉ cho phép các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt phải đảm bảo phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm". Đến nay, có 3.662 doanh nghiệp đăng ký thực hiện sản xuất theo 2 phương án này. 

Trong 2 tuần tới Bình Dương có khoảng 20.000 ca mắc mới

Theo ông Võ Văn Minh, với việc triển khai kế hoạch xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho 1,8 triệu người dân, dự báo trong 2 tuần tới Bình Dương có khoảng 20.000 ca mắc mới. Để đảm bảo năng lực đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch, sắp tới tỉnh tiếp tục thần tốc hơn nữa trong công tác xét nghiệm sàng lọc diện rộng; trả kết quả nhanh không quá 12 tiếng để sớm phát hiện, "tách" ngay F0 ra khỏi cộng đồng. Tỉnh sẽ đầu tư thêm các khu cách ly tập trung đảm bảo 50.000 giường và mở rộng lên 100.000 giường; bổ sung khu điều trị bệnh nhân đáp ứng 5.000 giường và nâng lên 20.000 giường. Khẩn trương mua sắm các vật tư, thiết bị, test, sinh phẩm… đảm bảo đủ yêu cầu ứng phó khẩn cấp; đầu tư 60 máy thở, mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ oxy SP02… phục vụ điều trị. Song song đó, triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, Bình Dương kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ thêm 1.486 bác sĩ, 4.014 điều dưỡng, kỹ thuật viên và các trang thiết bị y tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại Bình Dương

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá, Bình Dương đang làm rất tốt công tác vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch. Đây là nguồn lực rất lớn hỗ trợ cho tỉnh chống dịch. Đồng thời lưu ý, công tác triển khai chế độ, chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng rất quan trọng, Bình Dương cần triển khai ngay để đảm bảo đời sống cho người dân. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 4.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ Bình Dương 5 tỷ đồng để phòng, chống dịch


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 5.

Ngân hàng Sacombank hỗ trợ Bình Dương 5 tỷ đồng để phòng, chống dịch

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 6.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng tỉnh Bình Dương chiếc bình may mắn

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Dương là nơi kết nối giao thương, có nhiều doanh nghiệp, nhà máy, số lượng công nhân lớn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh. Chủ tịch nước đánh giá cao các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh và nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch. Đồng thời biểu dương Becamex IDC là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thống nhất quan điểm "chống dịch như chống giặc", Chủ tịch nước đề nghị Bình Dương nghiên cứu áp dụng các chính sách hiệu quả của TP.Hồ Chí Minh để giảm tải áp lực cho đội ngũ y tế… Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa. Huy động hệ thống bệnh viện tư nhân, bác sĩ về hưu tham gia công tác điều trị. Giữ vững "vùng xanh", khoanh chặt "vùng đỏ".

Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh tiếp tục triển khai giải pháp giảm thấp nhất số ca nhiễm và ca tử vong. Tăng cường sàng lọc, xét nghiệm, mở rộng khu điều trị, đẩy mạnh tiêm vắc xin. Các ca nặng phải được cấp cứu điều trị kịp thời, nhằm giảm số bệnh nhân tử vong. Bên cạnh đó, tăng cường phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ an toàn Covid-19 để giám sát, phát hiện ca bệnh. Truyền thông đúng, đủ, minh bạch, để nhân dân tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh cần nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng như chính sách đặc thù của địa phương, huy động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ, không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bí thư Nguyễn Văn Lợi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và hứa sẽ cụ thể hoá các ý kiến chỉ đạo thành giải pháp, chủ động điều hành các kịch bản chống dịch với phương án 20.000 ca mắc trong thời gian tới. Bí thư mong muốn các ban ngành Trung ương hỗ trợ tối đa giúp Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ Bình Dương 5 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ 5 tỷ đồng và Ngân hàng Sacombank hỗ trợ 5 tỷ đồng để phòng, chống dịch.

Đã giải ngân trên 18,2 tỷ đồng cho các đối tượng

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, ngày 16/7/2021 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 09) về việc hỗ trợ người lao động (NLĐ) không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Kết quả thực hiện Quyết định 09 của UBND tỉnh về hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác đến ngày 29-7 như sau: Số hồ sơ tiếp nhận là 3.436 hồ sơ. Số lượng đối tượng được phê duyệt hỗ trợ 1.294 người, với số giải ngân là 1,94 tỷ đồng (trong đó đối tượng bán vé số lưu động đã tiếp nhận 371 hồ sơ và đã có 261 người lãnh tiền, tương ứng tổng số tiền gần 400 triệu đồng). Lũy kế đến nay, số lượng các đối tượng được duyệt lãnh là 12.168 người, số giải ngân là 18.252.000.000 đồng.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh