THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:24

Chủ động phòng ngừa TNLĐ,BNN cho người lao động

Chủ động phòng ngừa  TNLĐ,BNN cho người lao động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hàng năm, đơn vị trong Tổng Cty đều lập kế hoạch công tác bảo hộ lao động và phân công trách nhiệm đến từng cấp, từng đơn vị trực thuộc, từng chức danh quản lý và người lao động. Đồng thời, thực hiện thường xuyên và đầy đủ việc rà soát, chỉnh sửa bổ sung, phổ biến, hướng dẫn và ban hành mới các quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ, PCCN. Năm 2019, đơn vị đã chi gần 131 tỷ đồng cho công tác đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ cũng được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức phong phú và nội dung cơ bản, sát thực tế, như: Tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, thi tìm hiểu Pháp luật về ATVSLĐ; Đăng tải các bài viết, phóng sự trên các phương tiện truyền thông… với cao điểm là Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng An toàn giao thông, Tháng hành động vì môi trường… Qua đó, đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, nâng cao được nhận thức của người lao động về quy trình làm việc an toàn.

Bên cạnh đó, hàng năm, các đơn vị thành viên của VICEM chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện ATVSLĐ và tổ chức thực hiện huấn luyện cho 6 nhóm đối tượng, đảm bảo 100% lượt người được huấn luyện định kỳ theo quy định. Trong năm 2019, các đơn vị đã tổ chức huấn luyện cho 9.129 lượt người, với chi phí gần 3,1 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, đã có 3.535 lượt người lao động được huấn luyện, với chi phí gần 2,3 tỷ đồng.

Do điều kiện làm việc đặc thù trong các nhà máy nên các đơn vị đều trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, bao gồm: Quần áo, mũ, giầy, kính bảo vệ mắt, nút tai chống ồn, găng tay, khẩu trang (cả khẩu trang đặc biệt chứa than hoạt tính cho những vị trí có yếu tố độc hại); và các thiết bị dùng chung như: thảm, găng tay, ủng cách điện, bút thử phóng xạ, liệu kế, dây an toàn… Có sổ theo dõi cấp phát và kiểm tra, thử nghiệm, bảo quản trang bị an toàn, phương tiện nghiêm ngặt về an toàn theo đúng quy định.

Đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đều được 100% các đơn vị thuộc VICEM đăng ký và kiểm định đầy đủ, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) thường trực 24/24, có trang bị xe cứu hỏa chuyên dụng (hoặc ký kết với cơ quan chức năng PCCC tại địa phương), bố trí họng cứu hỏa, máy bơm, bình chữa cháy xách tay đầy đủ, để có thể ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy, nổ. Còn tại các đơn vị sản xuất đều được trang bị dàn chữa cháy tự động.

Công tác kiểm tra, đánh giá rủi ro trong dây chuyển sản xuất và tổ chức khắc phục sự cố cũng được chú trọng. Định kỳ, hàng năm VICEM chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá rủi ATVSLĐ theo kế hoạch hoặc đột xuất. Duy trì việc đánh giá rủi ro theo hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHASA 18001. 100% dây chuyền sản xuất của VICEM được kiểm tra, có biên bản kết quả làm việc về xác định các mối nguy tiềm ẩn, có nguy cơ gây TNLĐ, BNN và cháy nổ và đề xuất các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên phân tích nguyên nhân gây TNLĐ, BNN và cháy nổ để chia sẻ các kinh nghiệm trong toàn VICEM.

Tại các đơn vị đều thành lập đoàn kiểm tra cấp công ty, phân xưởng và tổ, thường xuyên giám sát, đôn đốc thực hiện quy định của pháp luật, nội quy, quy chế, quy trình vận hành, biện pháp an toàn, kỷ luật lao động tại tất cả các vị trí sản xuất, đặc biệt chú trọng những vị trí có nguy cơ xảy ra TNLĐ cao. Trong năm 2019, qua đợt kiểm tra của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tất cả các đơn vị thành viên của VICEM đều được đánh giá thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

Trong thời gian tới, VICEM sẽ thường xuyên cập nhật và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật. Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, cập nhật các tình huống gây mất an toàn, cháy nổ đã xảy ra để rút kinh nghiệm và có kế hoạch khắc phục, ngăn ngừa những tình huống tương tự. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người lao động nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong việc chấp hành Luật ATVSLĐ, Luật Bảo vệ môi trường…; Cải tiến và nâng cao chất lượng huấn luyện ATVSLĐ, PCCN; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho công tác ATVSLĐ, tổ chức tập huấn các tình huống có nguy cơ tiền ẩn gây TNLĐ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra an toàn tại hiện trường, duy trì và nâng cao tần suất của các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất… Hướng đến mục tiêu không để xảy ra TNLĐ gây tử vong và không để xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại về người và tài sản, góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với tổng sản phẩm tiêu thụ đạt trên 168,5 triệu tấn, tăng 17,8% so với nhiệm kỳ trước; doanh thu đạt 218.383 tỷ đồng, tăng 36,5%; tổng lợi nhuận trước thuế cả nhiệm kỳ phấn đấu tăng 28,3%; năng suất lao động tăng 8%/năm và bình quân tiền lương tăng 5%/năm./.


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh