CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:31

Chộn rộn Tết, lặng lẽ Xuân

 

Vậy là đã giữa tháng Chạp, Tết Nhâm Thìn đã cận kề. Thường người ta hay đồng nghĩa Tết với Xuân; đón Tết cũng là đón Xuân. Nhưng Tết là con người đặt ra, còn Xuân là tiết của đất trời, quy luật của tự nhiên. Tựu trung lại, đó là thời điểm quan trọng nhất trong năm, khi mọi người đều được nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè trước khi khởi đầu cho một năm làm việc mới. Và Tết hay Xuân thì cũng đều được con người mong đợi, nhất là đám trẻ con.

Tôi nhớ hồi nhỏ, mỗi khi Tết đến, nhà tôi làm thịt một con lợn to để làm cỗ cúng tổ tiên. Khoảng sáng tinh mơ ngày 28 Tết, bố tôi nhờ chú Hải Trâu và mấy chú trong nhà máy sang làm thịt lợn giúp. Tiếng lợn kêu eng éc, rồi tiếng các chú kêu "bắt phèo", tiếng chát chát cốp cốp… Đến sáng thì mọi thứ đã đâu vào đấy: Chỗ này để gói bánh chưng, chỗ này làm giò, thịt này để quay, chỗ này để luộc…Mấy chú ngồi nhấm nháp chén rượu với phèo luộc. Tôi được bố cho cái đuôi lợn luộc còn nóng hôi hổi, lấy lạt xâu xách toòng teng, ngon tuyệt. Thấy thằng Tuân tít bảo nhà nó "đụng" lợn, nên chỉ có một khúc đuôi. Tôi không biết về hỏi bố mới biết "đụng" có nghĩa là mấy nhà mổ chung nhau một con lợn và tất cả chia đều. Nhà thằng Tuân tít chung với một nhà khác nên nó chỉ có nửa cái đuôi lợn, nếu 4 nhà chung nhau thì chỉ có ¼ cái đuôi thôi.

Rồi bố tôi hối hả gói bánh chưng. Trước Tết cả tháng chúng tôi đã vào rừng đi lấy lá dong, chặt giang làm lạt. Trước hôm gói bánh chưng, mấy anh em tôi đã tập trung rửa sạch lá dong, ngâm lạt cho dẻo, rồi đi tìm cái khuôn gói bánh cũ treo trên gác bếp từ năm ngoái cho bố gói bánh chưng. Khi nồi bánh chưng đã nổi lửa, bố con tôi bắt đầu xếp mâm ngũ quả, chọn một cành đào phai thui gốc rồi cắm vào lọ nước; rồi trang hoàng nhà cửa…

Tết nào tôi cũng có bộ quần áo mới, giày mới xúng xính đi chơi. Tất nhiên là cùng với bố đi chúc tết thôi, còn về nhà là tháo giày chạy nhông ngay. Tôi lớn nhanh lắm, quần áo rất nhanh bị cộc. Mấy đứa em liền tôi toàn con gái, nên mấy bộ đồ cộc cỡn của tôi, thằng Duyên lùn "thầu" hết. Nhà nó nghèo lắm, nhiều Tết nó ở luôn nhà tôi không về. Nó học với tôi từ lớp 2 cho đến hết phổ thông, sau này học Đại học Nông nghiệp và trở thành kỹ sư nông nghiệp. Tôi còn nhớ, quanh năm nó chỉ có mỗi bộ quần áo, mà lại là quần chun. Tôi rất khoái khi ra chơi, lúc cả lũ đang mải mê chơi chọi cù hay đánh đáo, tôi rón rén lẻn ra sau nó, lợi dụng lúc nó không để ý, tụt... một cái, quần nó đến tận đầu gối!… Về sau nó cảnh giác, cứ thấy bóng dáng tôi là nó hai tay giữ quần khư khư… Có lần gần Tết, tôi về nhà lục lọi tìm mấy cái quần áo cũ của tôi, xin bố mẹ mang cho nó. Nó mặc vừa in, khoái chí cười toét miệng, khoe mấy chiếc răng bàn cuốc vàng khè.

Cứ như vậy, nó như hình với bóng với tôi cho đến khi vào đại học mới chia tay nhau…Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác mong Tết đến hồi đó như thế nào, bởi vì Tết không phải đi học, được mặc quần áo đẹp, được mừng tuổi, được đánh chén và vui chơi thỏa thích. Cứ nghĩ đến Tết, tôi lại nhớ về những ngày Tết thơ ấu mà thôi…

Trái ngược với cái Tết chộn rộn, lo toan của con người, Xuân của đất trời cứ lặng lẽ, lặng lẽ bao trùm xứ sở với những chồi nụ cựa mình, với những hạt giống tí tách thức dậy, nảy mầm. Mùi hương mùa xuân cũng rất lạ, cứ ngan ngát trong gió, trong mưa, tổng hợp của rất nhiều hương hoa và mật ong và khói đồng… Rồi mưa phùn, rồi cái lạnh sắt se len lỏi mọi ngõ ngách xóm thôn - cái đặc trưng của mùa Xuân xứ Bắc. Tôi cứ nhớ mãi cái bài học thuộc lòng, nhưng không nhớ lớp mấy, với nhan đề là "Mưa xuân":

"Mưa rơi nhè nhẹ
Lên mái tóc em
Mát như sương đêm
Tươi cành xanh lá
Nghiêng nghiêng bên má
Chào đón mưa rơi
Em ngẩng nhìn trời
"Xuân sang đẹp quá"!

Đẹp quá mùa Xuân xứ Bắc! Mùa Xuân xứ Bắc không thể không nói đến mưa phùn gió bấc. Mưa xuân như hơi sương, như gió thoảng, bảng lảng như có lại như không. Mưa như là không mưa, mưa như là thực như là hư, như là tấm khăn voan mỏng choàng hững hờ trên mái tóc đài các của thiếu nữ Hà thành. Chỉ có mưa bụi mùa Xuân Hà Nội mới có sức lay động được nỗi niềm hoài cổ của những đứa con xa xứ làm vậy. Mưa bụi cứ như tơ nhện giăng mắc nỗi nhớ nhung. Những sợi mưa mong manh như hơi thở, như cố níu lại năm cũ, bởi vì chỉ khoảnh khắc cái hiện tại đã trở thành quá vãng rồi, mà cái tương lai đang rụt rè chưa muốn biến thành hiện tại…

Năm Nhâm Thìn này, ngày Lập xuân nhằm ngày 13 tháng Giêng. Như vậy, Tết đến sớm hơn Xuân mươi ngày. 
Con người cứ hối hả chộn rộn chuẩn bị cho cái Tết đủ đầy. Còn từ mặt đất đìu hiu, nâu trầm, mùa Xuân cũng đã lặng lẽ thức dậy dâng nhựa sống cho cỏ cây nảy lộc trổ hoa.
Và hoa, chính là ngôn ngữ của mùa Xuân!

LƯU HỒNG SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh