THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:37

Choáng với cách tính tiền 'trên trời' ở các khu du lịch

 

Gà luộc 600 ngàn ở Sầm Sơn

Ngày 29/6 mới đây, hóa đơn thanh toán tiền ăn với giá con gà luộc lên tới 600.000 đồng khiến nhiều người hốt hoảng. Chị Th., người phải cắn răng trả hóa đơn trên cho biết, cả đoàn chị đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Sau nhiều ngày ăn hải sản, đoàn chọn một nhà hàng cách xa bãi biển để ăn những món ăn dân dã, nhưng khi thanh toán thì choáng váng bởi hóa đơn có nhiều món ăn với giá cắt cổ.

“1 con gà luộc giá 600.000 đồng, 1 đĩa bò xào lèo tèo vài miếng giá 250.000 đồng, thịt rang 150.000 đồng... có lẽ lần này là lần đi du lịch Sầm Sơn cuối cùng của tôi”, chị Th. chia sẻ.

 

Hóa đơn tính tiền của chị Th.

 

Chị đã gọi điện đến đường dây nóng của UBND thị xã Sầm Sơn để phản ánh sự việc. Ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, xác nhận thông tin trên là có thật. Tuy nhiên, vụ việc này rất khó xử lý bởi du khách không phản ánh luôn ngay lúc ăn xong, và đây là mặt hàng không niêm yết giá, chủ yếu là do thỏa thuận giữa nhà hàng và du khách.

Còn chủ nhà hàng thì cho rằng “con gà luộc có trọng lượng 2,4 kg, nếu giá trên thị trường thì khoảng 150 nghìn/kg (kg hơi) vậy nên một con gà 2,4 kg (loại ngon) có giá 600.000 đồng sau khi chế biến cùng phí dịch vụ cũng bình thường”.

Mua cua 1,2kg, luộc xong còn 420gram

Một khách du lịch tên C. phải trả 420.000 đồng cho một con cua luộc nặng 4 lạng khi ăn ở một nhà hàng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nha Trang.

Vụ việc xảy ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua, theo sự giới thiệu nhiệt tình của ông xích lô, chị C. đã vào quán Làng Chài ăn, chị gọi một số món và chọn một con cua buộc dây, cân thấy 1,2kg, giá 350.000 đồng/kg. Khi nhân viên phục vụ bưng cua ra, thấy con cua 1,2kg giờ thành con cua nhỏ xíu, chị đã phản ánh lại với quản lý nhà vị này tỏ vẻ khó chịu, nói rằng cua luộc nó nhẹ đi.

 

Con cua nặng 1,2kg sau khi luộc chỉ còn 420g.


Chị C. mang con cua ra cân trước sự chứng kiến của quản lý và các nhân viên khác thì con cua đã luộc chỉ nặng 420 gram. Quản lý giải thích cua luộc bị hao đi và phần nặng thiếu là do... sợi dây.

Nếu tính theo đơn giá 350.000 đồng/kg thì chị C. phải trả 420.000 đồng cho một con cua thực chất chỉ có 4 lạng 2!

Chị C. đã phản ánh lại vụ việc với Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa và đến ngày 26/6 thì được phản hồi kết quả qua email rằng qua xác minh thì việc khách mua cua sống còn dây buộc có số lượng cân là 1,2kg với giá là 350.000 đồng, sau khi chế biến thành phẩm còn lại 0,42kg là có thật. Chủ quán lý giải rằng, khi cửa hàng mua cua để bán thì cua cũng được buộc dây, đến lúc bán vẫn còn dây buộc, dây khi ngâm nước rất nặng (dây buộc cua ngâm nước nặng 0,45 -0,5kg). Số hao hụt trọng lượng còn lại là do chế biến. Chủ quán cam kết việc đánh tráo cua là không có.

Đội quản lý thị trường số 1 đã tham khảo một số nơi chuyên cung cấp cua sống cho các nhà hàng thì việc mua bán cua sống vẫn được buộc dây và giá cả được hai bên thỏa thuận. Như vậy, qua xác minh vụ việc chưa đủ cơ sở để xác định cơ sở kinh doanh này có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa khi giao hàng cho khách hàng, người tiêu dùng”.

“Là khách hàng, liệu các bạn có chấp nhận lời giải thích như trên?”, chị C. bức xúc.

Ca nước dừa giá 200 ngàn

Vụ việc xảy ra vào tháng 10 năm ngoái, chị Nguyễn Thị Thu Thảo đang công tác tại Báo Dân tộc và Phát triển và đồng nghiệp vào một cửa hàng gần biển Sầm Sơn để uống nước dừa, với một ca nước dừa nhưng chủ quán đã yêu cầu thanh toán 200.000 đồng.

Thắc mắc với chủ quán thì được giải thích là cửa hàng đã chặt 4 quả dừa. Không đồng tình với giải thích của chủ cửa hàng, chị Thảo đã liên lạc với lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn qua đường dây nóng.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, đội kiểm tra liên ngành của thị xã Sầm Sơn đã xuống cơ sở kinh doanh xác minh thông tin và lập biên bản chủ cơ sở kiot số 4 với số tiền phạt 12.500.000.

Đánh rách mặt du khách vì dám “ý kiến”

Vụ việc xảy ra vào chiều 27/6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Hòa (23 tuổi) và gia đình gồm 12 người từ Đồng Nai đi thị xã La Gi (Bình Thuận) du lịch cuối tuần. Chị Hòa và hai phụ nữ khác trong đoàn là Nguyễn Thị Thùy Dung và Võ Thị Đào cùng đi mua hải sản tại khu vực ven biển xã Tân Tiến.

Khi đang mua hàng, thấy hải sản bị cân thiếu, có người bị cân thiếu hải sản từ 4kg thành 2kg, chị Hòa phản ánh với người bán hàng thì lập tức bị những phụ nữ bán hàng và nhiều người khác lao vào đánh. Chị Hòa bị thương chảy máu ở vùng mặt và mang tai.

 

Chị Hòa bị chủ hàng đánh rách mặt vì dám “ý kiến” chuyện cân thiếu.

 

Chiều tối cùng ngày, Công an xã Tân Tiến đã mời những người liên quan đến cơ quan công an để lấy lời khai lập hồ sơ xử lý về hành vi cố ý gây thương tích và gian lận thương mại của những người bán hàng cân thiếu.

“La Gi trước nay là địa điểm du lịch hiền hòa, chúng tôi rất tiếc vì xảy ra sự việc này và xin lỗi khách du lịch. Đây chỉ là hành vi của một số người bán hàng cá biệt và chúng tôi sẽ xử lý nghiêm vụ việc để không tái diễn tình trạng trên, giữ hình ảnh đẹp cho du lịch La Gi. Khách du lịch đến La Gi là ủng hộ kinh tế địa phương phát triển, vì vậy chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của du khách”, vị lãnh đạo Công an thị xã La Gi nói.

Theo Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh