CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:39

Choáng ngợp với triển lãm đồ sộ của bốn họa sĩ hàng đầu Việt Nam

 

Triển lãm được sự bảo trợ của Vụ Ngoại giao Văn hóa và Unesco - Bộ ngoại giao. Với hơn hai trăm bức tranh thuộc thể loại sơn mài, khắc gỗ, đá quý, tranh kết hợp, các họa sỹ đã mang đến cho công chúng một món ăn tinh thần đậm giá trị văn hóa truyền thống nhưng vô cùng mới lạ cả về ý tưởng, bút pháp cho đến nghệ thuật tạo hình trên các chất liệu từ cổ điển đến hiện đại.

 

Cắt băng khai mạc

 

Phát biểu tại Lễ Khai mạc triển lãm, họa sỹ Ngô Xuân Bính cho biết, ông và các đồng nghiệp Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng và Đào Trọng Cường đã chuẩn bị gần hai năm cho buổi triển lãm này. Những tác phẩm được trưng bày ngày hôm nay chính là tâm huyết sáng tạo đặc biệt hướng về nguồn cội, “Niệm” về quê hương đất nước. Chính vì vậy, Triển lãm nghệ thuật đương đại “Niệm” mang đến cái nhìn khác lạ về hội họa, nơi mà nghệ thuật sáng tạo đã được đẩy lên cao trào, trong đó nét chung ở các tác phẩm là sự hướng thiện thể hiện trong những nét vẽ miên man, huyền diệu, cảm xúc sáng tạo trào dâng, cảm hứng vô thức khoáng đạt.

 

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trao tặng bức tranh khổ lớn tới Bộ Ngoại giao

 

Ngô Xuân Bính là một họa sỹ được mọi người ví von như một “kỳ nhân”, ông là “Thành viên Danh dự” của Viện Hàn lâm Nghệ thuật tạo hình Liên bang Nga. Lần thứ hai triển lãm tranh tại Hà Nội, Ngô Xuân Bính vẫn miệt mài với thể loại tranh sơn mài, nhưng lần này ông mang đến một sự sáng tạo mới gây ấn tượng mạnh với người xem bởi dám vượt lên mọi chất liệu đơn thuần và làm mới những giá trị cổ truyền theo hướng đồng điệu, tích cực và đầy triết lý nhân sinh. “Niệm” giống như đang thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng đỉnh cao của hội họa, phát triển sự sâu sắc và uyển chuyển đến giới hạn cao nhất để đưa thế giới nội tâm đa màu sắc vào từng nét vẽ. Đúng như nhận xét của họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức: “Niệm” còn là sự dồn nén năng lượng để bùng phá như “nham thạch” của núi lửa phun trào. Là sự cống hiến mà các họa sỹ muốn giới thiệu đến công chúng, người xem những đứa “con” hoàn toàn tươi mới, biết “khóc”, biết “cười”, biết tự mình “bộc bạch”, yêu “hết mình”, sáng tạo “hết mình”. Dồn nén – Bùng nổ ...

Họa sỹ Lê Văn Thìn với sở trường vẫn là những bức sơn mài trắng độc đáo, nội dung sáng tạo biến hóa muôn hình muôn vẻ, trong “Niệm”, Lê Văn Thìn đã mang đến những tác phẩm để đời với hồn xưa trong nghệ thuật đương đại.

 

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm

 

Họa sỹ Đặng Tin Tưởng gây chú ý cho người xem bởi sự phong phú về bút pháp và khả năng thay đổi bố cục một cách thông minh, hợp lý với nhiều tác phẩm đồ sộ về các danh thắng, kiến trúc cổ. Tại triển lãm lần này, ông đã chứng minh khả năng diễn đạt những tinh thần mới của một trong những chất liệu cổ xưa nhất của người Á Đông.

Đặc biệt, trong “Niệm” còn có thêm một chất liệu đá quý của hoạ sỹ, nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường, người mà họa sỹ Ngô Xuân Bính cho rằng, cũng như những “người anh” khác là Lê Văn Thìn và Đặng Tin tưởng, đã thực sự là niềm tự hào khi ông được đứng chung một sân chơi nghệ thuật với họ.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một bước phát triển của nghệ thuật đương đại, chứng kiến một quy trình không mệt mỏi của các tác giả trên từng tác phẩm của họ. Và tôi nghĩ hôm nay với một khối lượng lớn tác phẩm, họa sỹ Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn sẽ mang đến diện mạo mới, ngôn ngữ khác, thay đổi cả về chất liệu với những đột phá mới”.

Mỗi họa sỹ một phong cách khác nhau, ở “Niệm”, sự khác biệt từ chất liệu cho đến cảm xúc ẩn hiện trong từng tác phẩm của các họa sỹ và nghệ nhân, nhưng ngược lại cũng vẫn cảm nhận được chút hài hòa, đồng điệu đến kinh ngạc của những bậc thầy về mỹ thuật, nghệ thuật hội họa.

Triển lãm “Niệm” diễn ra bắt đầu từ ngày 30/5 và kéo dài 2 tháng tại Bảo tàng Hà Nội (Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Vào cửa tự do.

M.VŨ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh