"Chợ ve chai Sài Gòn": Nơi gặp gỡ của những người hoài cổ
- Văn hóa - Giải trí
- 22:20 - 17/04/2017
Với diện tích khiêm tốn trong khuôn viên của quán cà phê Cao Minh, “Chợ ve chai” đã trở nên quen thuộc của những người đam mê sưu tầm vào chủ nhật hàng tuần. Từ 5 giờ sáng, mọi người đã tấp nập đổ về đây để trưng bày những sản phẩm của mình, trong đó có các loại đồ cổ, đồ cũ để bán cho những ai cần. Vì thế nơi đây được gọi là “Chợ ve chai”.
Sáng chủ nhật hàng tuần rất đông người đến "Chợ ve chai" tìm mua đồ
Đến với “Chợ ve chai”, người mua, kẻ bán hay khách tham quan không phân biệt, khi vào cổng đều phải mất một khoản phí là 30.000 đồng. Phí này bao gồm 1 phần nước uống để khách có thể vừa nhâm nhi thưởng thức trong những điệu nhạc trầm lắng, vừa dạo xem trao đổi những món đồ cổ. Ngoài ra, các chủ quầy, sạp trưng bày trong chợ đều không phải mất phí nào thêm. Tuy nhiên, để có một chỗ trưng bày và bán hàng, người bán phải đến từ sớm, tự tìm chỗ thích hợp cho mình. Hiện tại, chợ có 40 sạp bày bán, giao lưu và trao đổi với đủ các loại mặt hàng, Thế nhưng, hàng hóa được bán trong chợ phải minh bạch về xuất xứ, nguồn gốc cũng như giá cả.
Rất nhiều đồ cổ, đồ cũ được bày bán tại đây
Một điều đặc biệt tạo nên dấu ấn cho phiên “Chợ ve chai” độc đáo này là những món hàng đã được thanh toán có thể được đổi trả một cách dễ dàng và thân tình.
Khi được hỏi về “Chợ ve chai”, anh Đoàn Văn Duy Bảo (quản lý quán cà phê) cho biết: “Tuy gọi là “chợ”, nhưng thực chất nơi đây chỉ là nơi giao lưu của các “tín đồ” yêu thích đồ cổ, đồ cũ. Ban đầu chỉ có mấy anh em tới quán uống cà phê, mang theo những món đồ cổ sưu tầm được đem ra khoe với nhau. Về sau, nhiều người yêu thích đồ cổ tìm đến tham gia. “Chợ” cũng từ đó mà hình thành tới bây giờ.
Khách vừa uống cà phê vừa đi xem và chọn mua món đồ mà mình thích
Đến “Chợ ve chai”, người mua không nặng nề chuyện mặc cả, người bán thì chẳng đanh đá chua ngoa. Họ đến chỉ để trao đổi, san sẻ những vật dụng quen thuộc cổ xưa. Nhiều người nói “Chợ ve chai” tuy lạ mà quen không chỉ bởi những món đồ vô giá được bày bán, mà nó còn là một kho tàng, kí ức của nhiều người. Những bộ bình ly bị sứt vai, chiếc máy may bị sờn cũ lớp sơn ở tay cầm hay những tờ tiền giấy úa vàng theo từng năm tháng... Đó là những vật dụng xưa cũ nhắc cho nhiều người nhớ về một hồi ức xa xăm, một thời đã từng sở hữu nó, kỉ niệm về những ngày thơ trẻ mà dù rất muốn cũng không thể quay trở về được.
Máy đánh chữ và máy nghe nhạc cũ được bày bán
Khách đến đây đa số là những anh chị em đam mê hoài cổ, để được tận mắt nhìn thấy và tận tay sờ vào những gì mà bấy lâu nay ngỡ như chỉ còn trong ký ức. Những chiếc máy ảnh, máy hát, đồng hồ, kính lúp... có vẻ ngoài cũ kỹ nhưng khiến không ít người mê mẩn.
Và rất nhiều mặt hàng cũ linh tinh khác bày bán trong "Chợ ve chai"
Những đồ cũ lâu ngày ai không muốn dùng nữa thì có thể đem tới chợ ký gửi, vừa uống cà phê, vừa nghe nhạc, chuyện trò. Tuy nhiên, chợ không chỉ dành riêng cho những người yêu thích đồ cổ, mà nơi đây luôn thu hút mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Không chỉ thế, khu chợ "ve chai” độc đáo này còn được khá nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm.