THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:30

Chợ quê Sài Gòn

Dù không còn nguyên vẹn mọi giao tiếp sinh hoạt, buôn bán như ngày xưa, nhưng chợ quê Sài Gòn vẫn giữ được những đặc trưng, phong cách của chợ nơi thôn dã. Nghĩa là ở đây người ta đem bán mọi thứ có thể, nơi bán cũng rất đơn sơ, người mua thoải mái xem hàng, mặc cả.

Ở nhiều chợ, người bán vẫn giữ thói quen rao hàng. Đâu đó vẫn nghe tiếng mời chào: Rau muống đây mười ngàn một mớ; tôm càng đây; ao sơ mi đây; quần Tây đây; dao đây...Làm cho chợ thêm phần sôi động .Ở quận 7 (trước đây là huyện Nhà Bè), có chợ Tân Quy bên ngoài khu nhà lồng được xây kiên cố, có phân lô, phân sạp, thì phía ngoài chợ là khu buôn bán di động.

Chợ quê Sài Gòn

Chợ trên sông Sài Gòn.

Buổi sáng ai bán gì đến trước thì ngồi trước, ai đến sau còn nơi trống thì ngồi, không thì bê đi dọc đường mà bán. Hàng hoá cũng vậy, tất tật từ mớ rau, con cá đến những đồ dùng như rổ, rá, dao, rựa, gà, vịt giống...

Xuôi xuống một chút nữa, bên cầu Hàn là khu chợ nổi. Các chủ ghe từ miền Tây chở trái cây các loại, như: Mít, dừa, xoài, chuối... ghé lại đây họp thành chợ.

Chuẩn bị đến Tết Nguyên đán người ta kìn kìn chở hoa về bán làm cho một vùng sông nước trở nên sôi động, lung linh lạ thường. Cách bán hàng cũng rất khác, người mua thích gì cứ tuỳ ý lấy rồi mới hỏi giá trả tiền, không có cảnh cò kè thêm bớt.

Khách mua hàng nào thì tự do xuống xuồng chọn lựa. Nếu trong nội đô, các sạp bán trái cây bày biện rất đẹp, với nhiều loại hoa quả thì chợ bên sông Sài Gòn, trái cây xếp từng loại trên mẹt, thậm chí trên lề bờ sông.

Chợ quê Sài Gòn

Chợ hoa trên sông. 

Cách mua cũng khác, tuỳ trái cây to, nhỏ mà trả tiền chứ không theo cân, ký. Chị Hoàng Thu Minh, ở Trần Xuân Soạn (quận 7) cho biết: “Ngày nào tôi cũng mua trái cây ở đây vì không sợ mua phải trái cây nhập lậu từ nước ngoài”.

Còn ông Nguyễn Minh Sanh, một chủ ghe nói: “Một chuyến đi bán hàng của chúng tôi thường phải một tuần. Khi nào bán hết mới về, lời lãi không nhiều đâu, nhưng đi để bán đồ nhà trồng được và còn giúp bà con lối xóm tiêu thụ hàng hoá nữa chứ”.

Ở khu vực ngã tư Bẩy Hiền (quận Tân Bình) lại có khu chợ của người Quảng, người ta quen gọi là chợ Bà Hoa. Cách nay cả  trăm năm rồi, người Quảng Nam, Quảng Ngãi,... vào đây lập nghiệp, họ ở quây quần cùng nhau và lập ra làng dệt, khu làm bánh phở...

Và như một tất yếu họ hình thành nên một khu chợ của riêng mình. Nó không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hoá mà còn để mọi người gặp gỡ nhau, giao lưu, trò chuyện bằng thứ giọng nói rất riêng, đôi khi người nơi khác khó mà hiểu được.

Người buôn bán ở chợ kể, chợ này do một người phụ nữ tên Hoa (không rõ họ) dựng nên vào năm 1967, chủ yếu để bán những món đặc sản của Quảng Nam.

Chợ quê Sài Gòn

Chợ quê huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. 

Từ đó đến người nay, mọi người vẫn quen gọi là chợ Bà Hoa, mặc dù tên trên văn bản của chính quyền là chợ “Phường 11”. Nét đặc trưng nhất của ngôi chợ là bất cứ chỗ nào cũng thấy hàng quán treo những bảng hiệu giới thiệu các đặc sản xứ Quảng.

Đó có thể là những lọ ớt khô cay nồng, những mẹt hành tỏi nhỏ mà thơm của miền Trung, hay những phong bánh nổ, bánh đậu xanh, bánh tổ, bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng... cùng những bịch kẹo gương, những lon mạch nha ngọt đậm đà.

 Dạo chợ Bà Hoa, ta sẽ khám phá thêm những nét đặc trưng trong nếp ăn, nếp ở của cộng đồng người Việt ở miền Trung. Ở đây khách có thể thưởng thức quà vặt đậm chất Quảng như bánh bèo chấm với nước xốt tôm thịt, bánh tráng đập chấm với mắm cái cá cơm pha thật cay; món ruột già xào nghệ tươi xúc bánh tráng... và dĩ nhiên, nhắc đến món Quảng, chúng ta không thể bỏ qua những tô mì.

Chợ Quảng - Bà Hoa với những món dân dã trở thành nơi lưu giữ hồn quê “không lẫn vào đâu được” của một cộng đồng người giữa đất Sài Gòn đa hương, đa sắc, đồng thời góp thêm một nét văn hóa truyền thống độc đáo cho xứ Sài thành.

Thời gian gần đây, chiều theo mong muốn của nhiều người ở thành phố luôn nhớ về đồng quê với những phong cảnh đơn sơ, dân dã, những món ăn mộc mạc, một chợ quê mang đậm tính chất Việt đã được tái hiện trong không gian nhỏ của quán chợ Mới, ở đường Trần Thiện Chánh (phường 2, quận 10).

Chợ quê Sài Gòn

Quán bán hàng trong Chợ Mới.

Khuôn viên chợ Mới, có dòng kênh xanh nhỏ với khá nhiều tai bèo và bông súng nở rộ giống như những dòng sông quê. Khách hàng có thể tận hưởng không gian rất quê với những mái nhà tranh mát rượi, những bụi tre xanh tươi.

Dù “họp” giữa thành phố đông đúc nhưng chợ Mới vẫn mang đầy đủ sắc màu, tính chất của vùng miền Tây Nam bộ.

Chợ Mới luôn thu hút khách hàng đến thưởng lãm, cũng vì tính chất rất quê, với những thanh niên nam nữ mặc áo bà ba, khăn rằn quàng cổ kèm theo các món ăn đậm chất miền Tây.

Đến với chợ quê này khách hàng có cảm giác như mình đang quay về với thời kỳ xa xưa của miền Tây sông nước. Trong không gian ẩm thực ấm cúng có phần nhộn nhịp khi đi chợ chọn món khách hàng sẽ được nghe những câu mời chào mua hàng nhẹ nhàng kiểu:

 "Bánh lọt nước dừa không em?”, "Hột vịt lộn đi cưng”... Nhộn nhịp nhưng không náo nhiệt, đến đây khách hàng có thể tự do ngắm nghía và chọn món, hoàn toàn không có sự kỳ kèo bớt một thêm hai bởi giá cả của quán chợ Mới khá “mềm”.

Ở TP Hồ Chí Minh hiện có nhiều khu chợ “quê” mang tầm quốc tế như khu chợ Ấn Độ, với những món gà, bò ca ri cay xé; chợ Nga với rượu vốt ca, vải vóc và những con búp bê xinh xắn.

Ngoài ra còn có khu chợ “quê” của người Campuchia, chợ Hàn Quốc... Tất cả đã mang lại vẻ đẹp, sự hấp dẫn của thành phố năng động, sẵn sàng đón nhận mọi giá trị văn hoá mới nhưng không quên lưu giữ những vẻ đẹp văn hoá truyền thống.

Hiền Nhi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh