Cho NLĐ nghỉ việc vào cuối năm: Lắm chiêu, nhiều trò!
- Bài thuốc hay
- 18:37 - 30/12/2018
Khoảng 30 công nhân (CN) Công ty TNHH May mặc JK Vina (huyện Củ Chi, TP.HCM) mới đây đã bị chủ DN cho nghỉ việc. Lý do giám đốc công ty này đưa ra là hết đơn hàng và Công ty sắp bị phá sản. Thế nhưng, rất bất ngờ là, sau khi đã hoàn tất các thủ tục cho công nhân nghỉ việc, chốt trả sổ BHXH, Công ty chỉ đóng cửa ít ngày rồi mở cửa lại và rao tuyển lao động mới. Công ty còn ngang nhiên "mời" cả những CN vừa bị cho nghỉ việc trở lại làm việc với những bản HĐLĐ mới…
Điêu đứng vì mất việc
Chị Lan, một nữ CN Công ty May mặc JK Vina cho biết: "Tôi làm ở đây 4 năm nên biết quá rõ. Năm thì họ kêu chuyển nhượng cho chủ mới, thay đổi tên công ty. Năm thì kêu ca khó khăn, DN phá sản… Tất cả chỉ với mục đích né tránh thưởng Tết, lương tháng 13 và né đóng BHXH với mức cao cho công nhân. Còn khi ký lại HĐLĐ mới, tất cả quan hệ lại bắt đầu từ đầu, người lâu năm cũng như người mới. Ở đây vùng xa, ít DN hoạt động nên công nhân dù biết là "chiêu trò" nhưng vẫn làm để có lương".
Việc sa thải lao động gây rất nhiều hệ lụy cho công nhân cũng như trật tự xã hội
Cuối tháng 10 vừa qua, 58 CN đang làm việc cho Công ty TNHH Yesum Vina ở KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng lao đao khi bỗng dưng bị chủ DN cho nghỉ việc. Anh Đỗ Thành Công (29 tuổi) cho biết, làm ở đây được gần 4 năm thì bất ngờ Phòng Nhân sự đưa ra thông báo, anh sẽ bị chấm dứt HĐLĐ vào ngày 22/11 với lý do Công ty không có đơn hàng. Phía Công ty thông báo đợt đầu sẽ cho 58 người nghỉ việc và sẽ tiếp tục cắt giảm nữa.
Theo anh Công, điều CN bức xúc là công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không bảo đảm quyền lợi cho CN. Chưa kể việc cắt hợp đồng xảy ra cận kề dịp Tết, CN bị thôi việc sẽ không kịp xin việc làm mới để trang trải cuộc sống, mất hàng loạt khoản thưởng, chế độ phúc lợi, nâng lương, đóng BHXH…
Ông Huỳnh Văn Tuấn- Chủ tịch Công đoàn KCX-KCN TP.HCM (Hepza) cho biết, Công ty TNHH Yesum Vina cho CN nghỉ việc khi chưa có phương án sắp xếp, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Do đó, Công đoàn Hepza đã đề nghị Công ty muốn cắt giảm nhân sự, cần phải có phương án thoả thuận, đảm bảo quyền lợi, chế độ cho NLĐ theo quy định pháp luật…
Tại TP.HCM, "chiêu trò" CN nghỉ việc cận Tết thể hiện rõ nhất là tại Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi). Đã 2 năm qua, cứ đến dịp gần Tết, Công ty lại đột ngột chấm dứt HĐLĐ với CN. Vào ngày 1/11 vừa qua, ông Nam Sung Ho- Giám đốc Công ty- sau khi để lại giấy thông báo với nội dung mong CN… thông cảm, lại tiếp tục "biệt tích" ngay trước Tết. Hơn 300 CN nơi đây ngoài việc bị mất việc làm, bị "xù" gần 2 tháng tiền lương còn có khả năng mất số năm tham gia BHXH, mất thưởng Tết…
Vừa trái pháp luật, vừa thiếu tình người
Theo Luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM), tình trạng lợi dụng những dịp cao điểm như cận Tết hay dịp tăng lương tối thiểu vùng để chấm dứt HĐLĐ, sa thải NLĐ nhằm né tránh các nghĩa vụ không những vi phạm pháp luật mà còn rất thiếu tình người.
Cụ thể, về hành vi cho NLĐ nghỉ việc trái pháp luật, Luật sư Nam phân tích: Đa phần DN hiện nay đều lấy lý do khó khăn về kinh tế để chấm dứt HĐLĐ và cho công nhân nghỉ việc. Tuy nhiên, để cho NLĐ nghỉ việc, DN cần phải tuân thủ các quy định của Bộ Luật Lao động- được hướng dẫn tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP và Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể, nếu DN thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà ảnh hưởng đến việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm, phải cho thôi việc từ 2 NLĐ trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản trước 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh biết, trước khi tiến hành cho thôi việc.
Riêng việc sa thải NLĐ, chủ DN cần phải phải tuân thủ quy định tại Điều 126 Bộ luật Lao động, khi NLĐ có hành vi như trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý, tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng. Bên cạnh đó, để tự bảo vệ mình khi DN yêu cầu chấm dứt HĐLĐ trái luật, NLĐ hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan chức năng can thiệp hoặc khởi kiện đòi quyền lợi.
Trao đổi với phóng viên Báo BHXH, một số chuyên gia lao động cũng cho rằng, việc một số chủ sử dụng lao động đến cận Tết hoặc thời điểm thay đổi chính sách lương tối thiểu cho NLĐ nghỉ việc nhằm né tránh chi trả lương, thưởng và đóng BHXH đã cho thấy rõ hành vi làm ăn "chụp giật", khó phát triển bền vững. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng rất cần lưu tâm để có giải pháp phòng ngừa, giám sát, nhằm bảo vệ NLĐ vào thời điểm nhạy cảm này, tránh để xảy ra những hệ lụy đáng tiếc do một số chủ sử dụng lao động mang lại. |