CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:18

Chó, Nghê, Cẩu trong tâm linh và đời sống văn hóa người Việt Nam

 

 

Chó trong truyền thuyết người Việt

Hình tượng con chó trong truyền thuyết  của người Việt được lưu truyền lâu đời và hình thành sớm nhất. Dân gian truyền rằng, ban đầu An Dương Vương chọn đất Uy Nỗ (Tó) làm nơi xây dựng kinh đô, nhưng đàn chó của vua cứ kéo nhau sang đất Cổ Loa, trong đó có con chó quý tìm đến một khu gò đất lót ổ đẻ con, vì thế vua cho dời đô sang Cổ Loa, dựng cung điện ngay trên gò đất nơi chó đẻ. Với quan niệm “đất chó đẻ là đất quý” nên người dân Cổ Loa trước đây có tục làm nhà trên khu đất chó đẻ con.

Rồi tài liệu thần tích Ngọc phả cổ lục cũng cho biết rằng, bà mẹ vua Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn. Khi vua Lý Công Uẩn xuất hiện, con chó bằng đồng đã sủa inh ỏi, rồi vua Lý Công Uẩn lại sinh năm Tuất...

Chính vì cuộc đời huyền thoại của vị vua này luôn luôn liên quan đến Thần Chó mà khi định đô ở Thăng Long, việc lập miếu thờ chó (Thần Cẩu Mẫu, Thần Cẩu Nhi) để canh giữ, bảo vệ kinh thành là những giả thiết rất phù hợp với quy luật lịch sử, bối cảnh văn hóa nước ta.

 

 

 

Trong tín ngưỡng của người Cơ Tu, con chó chính là vật tổ của họ. Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa có một trận đại hồng thuỷ tiêu diệt muôn loài. Chỉ còn một cô gái và một con chó sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng với con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Cuối cùng hai người lại gặp lại và lấy nhau, sinh ra một quả bầu. Từ quả bầu đó, người Cơ Tu, người Bru, người Tà Oi, người Việt…ra đời.

Truyền thuyết về ông tổ chó cũng còn thấy ở nhiều dân tộc khác ở Việt Nam như Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô…Tuy nhiên, các truyền thuyết và phong tục gắn với ông tổ chó ở người Dao là rõ rệt và đặc sắc nhất. Truyền thuyết kể rằng: “Xưa kia có ông vua của người Dao không có con trai mà chỉ sinh được 12 người con gái. Một ngày kia giặc sang xâm lược, vua liền truyền rằng ai đánh thắng giặc vua sẽ gả cả cho 12 cô con gái, và vua cầu khấn trời để xin. Một buổi chiều xuất hiện 1 con Long khuyển ngũ sắc, là con chó mình rồng, 5 màu có 12 chiếc đuôi, chạy đến xin vua cho đánh giặc. Khi giặc đến thấy con chó lạ mắt liền bắt về nuôi, nó ngoan ngoãn theo về, đợi khi giặc ngủ say liền cắn cổ cho bọn giặc chết hết. Con chó trở về, theo đúng lời hứa, vua liền gả các con gái cho con chó và con chó được vua truyền ngôi báu. Để nhớ ơn con chó đã có công dẹp giặc cứu dân tộc nên đồng bào đã thêu hình con chó và 4 chiếc chân chó ở sau áo”.

 

 

Chó, nghê trong di chỉ khảo cổ, điêu khắc mỹ thuật và văn hóa tâm linh người Việt

Theo các nhà khảo cổ học từ thời kỳ đồ mới ông, cha ta đã nuôi chó, trong nhiều di chỉ khảo cổ thời kỳ này các nhà khảo cổ đã tìm được di cốt của loài chó thuần dưỡng. Chó trong di chỉ khảo cổ Đa Bút (Thanh Hóa) có niên đại cách đây khoảng 6000 năm trước. Đó là di tích chó nhà cổ nhất ở nước ta. Trống đồng trong văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm, trên thuyền có 4 người và 1 con chó săn béo bụ bẫm. Tượng chó bằng đồng có niên đại 3.000 năm cũng đã được phát hiện ở Dốc Chùa (Bình Dương). Hình khắc chó đón hươu trên rìu đồng tìm được ở nhiều nơi ở nước ta như Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa..

Chó và ngựa là hai con vật trung thành tuyệt đối với chủ. Vì những đức tính ấy, chó được nuôi để giữ nhà cho chủ. Và, cao hơn, “thăng hoa sang lĩnh vực tâm linh, người Việt xưa tin rằng “chó sủa ma”, có thể xua đuổi được tà ma. Vì vậy ngày trước, ở cổng làng, cổng ngõ xóm mỗi làng Việt ở Bắc Bộ đều có tượng chó đá. Cả ở nhiều mộ táng cổ cũng vậy”. Chó đá canh giữ cho nơi thờ này thể hiện sự tôn nghiêm về mặt tâm linh. Chẳng hạn, tại di tích Đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình - Đan Phượng – Hà Nội, có thờ nhóm tượng chó đá. Nhóm tượng này gồm nhiều con, làm bằng đá xanh, có kích cỡ nhỏ khoảng 50 đến 60 cm, ước đoán được tạc thế kỉ XVIIITại đình và chùa ở Làng Phù Trung (nay là Trung Hiền) , Hà Nội, trong khuôn viên của di tích có tượng chó đá. Tượng chó đá đặt trên bệ thờ ở góc bên trái của sân đình. Bệ thờ xây bằng gạch, trát xi măng, giữa đặt một hòn đá tảng chân cột của ngôi đình cũ. Tượng chó tạc bằng đá xanh ở tư thế ngồi, hai chân sau áp sát xuống đất. Thần thái tượng chó linh hoạt, mắt nhìn xa xăm, toàn thân cao một mét. Trước mặt tượng để bát hương, lễ vật đặt vào chân đá tảng hình tròn như cái mâm. Dân làng gọi là quan Hoàng Thạch.

Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) có 4 con chó đá, 2 con nghê đá, toàn bộ bằng đá xanh nguyên phiến. 4 con chó đá đặt trước và sau phủ gọi là thạch cẩu, hai chân trước đứng, chân sau như sắp nhổm lên sủa. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ.

Ở Đình Ngọc Canh xã Tam Canh, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc có bức tranh chạm gỗ “Đi săn” diễn tả đoàn người, ngựa đi săn trở về, với đòn gánh nặng trĩu buộc một chú nai. Chú chó săn đang nghển cổ hãnh diện dẫn đầu đoàn người về làng với tất cả niềm vui của thú săn bắn.

 

 

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại:“Lăng Ngải Sơn: lăng Trần Hiến Tông, ở dưới núi xã An Sinh, người đá và voi đá, ngựa đá, hổ đá, dê đá, trâu đá nay vẫn còn”. Ngải Sơn lăng còn có tên gọi là An Lăng, hiện nay tọa lạc tại chân đồi khu Ao Bèo, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nằm trong Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều có một tượng chó đá dài khoảng 60cm, nằm khoanh tròn chân, thu vào trong lòng, đầu gục xuống, đuôi công kéo dài xuống dưới. 

Ở Miền Trung, ở làng Phổ Trung, Phổ Đông (xã Phú Thượng, Phú Vang) chó đá cũng được thờ và đặt ngay đầu xóm, dưới bệ thờ có mái che, bên cạnh có đĩa dâng, nhang đèn. Dân hai làng ở đây cung kính gọi hai bức tượng chó đá là ngài “Thiên cẩu”. Những ngày rằm, mùng một người dân thường đến thắp nhang và cầu khấn.

Ở Nam Trung Bộ, tại Chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam) được xây dựng vào thế kỷ 17 có bốn  câu đối chữ Hán, Nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên (1911-1996) đã tìm lại được những câu đối chữ Hán này chứa đựng nội dung sâu sắc:

Đôi câu đối chữ Hán ở phía cửa đông của cầu như sau :

Thiên cẩu song tinh an cấn thổ,
Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân.

Đôi câu đối chữ Hán ở cửa phía tây của cầu có nội dung :

Ngoạn nguyệt khách du châu vĩ điện,
Khán hoa nhân đáo mã đề lôi 

 Tạm dịch :

Hai sao thiên cẩu ở yên nơi đất cấn
Hai tướng tử vi định được chốn quẻ khôn

Khách ngắm trăng thuyền nhanh như chớp

Người xem hoa vó ngựa sấm vang.

Vì được “thăng hoa sang lĩnh vực tâm linh”, chó đá được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ, đầu chó, mặt chó đầy những nét oai nghiêm trưng bày trước  điện thờ, hay bàn thờ, ở các đình chùa, đền miếu... Nếu con chó là vật canh giữ của cải, nhà cửa cho người dân, thì nghê là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ. “Bản thân chữ Nghê trong tiếng Hán gồm bộ Cẩu (chó) và chữ Nhi (trẻ con) hợp thành”. Về mặt tạo hình, Nghê là con vật có bốn chân, “có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó chứ không tròn mập như dáng sư tử”. 

Con Nghê thường được thấy qua các món đồ gốm cổ như: Tượng con Nghê, Bình đốt trầm hương trên bàn thờ, Nậm rượu hình con Nghê, Chân đèn hình con nghê, Đĩa trang trí hình con nghê. Tiêu biểu như: Nghê thời Lý thế kỷ 17 làm bằng gốm ở chùa Cổ Chất, tỉnh Nam Định; Nghê đá, thế kỷ 17, lăng Họ Ngọ, Hiệp Hòa, Bắc Giang; Đôi nghê đá, thế kỷ 18, lăng Dinh Hương, Hiệp Hòa, Bắc Giang; Nghê đá, thế kỷ 17, đền Gióng, Gia Lâm,Hà Nội; Hai linh vật nghê ở cổng chùa Lại yên được đắp khá hấp dẫn. Nhưng có điểm khó hiểu và khó chịu nữa là lưng nghê đươc cắm đầy mảnh chai (nhìn rất nguy hiểm), chắc để ngăn trẻ con cưỡi.

Sang thời nhà Nguyễn ở Huế có hai con nghê trấn giữ trước cửa Hiển Nhơn, Đại Nội Huế; hai con nghê trên lăng Tự Đức; hai con nghê trên Điện Ngưng Hy lăng (Lăng Đồng Khánh); cặp  nghê trước cổng vào phủ Tuy Lý Vương; nghê đá ở Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, Huế....Những con nghê trên lăng tẩm, điện đài Huế được tạo hình rất mềm mại, có nhiều răng, đuôi xòe như ngọn lửa thật oai vệ.

Ngoài ra, con Nghê còn được dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam. Nghê được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái ngoài), hay được đạt trên đầu đao (sống mái chạy từ đỉnh nóc nhà xuống, cong lên như hình cây đại đao (mã tấu) nên gọi là đầu đao), như trên cốn đình làng An Hoà (Hà Nam), Phất Lộc (Thái Bình), cột đình làng Hội Thống (Hà Tĩnh) đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang), làng Trung Cần (Nghệ An), làng Tây Đằng (Sơn Tây)...

Có thể nói rằng,con chó đá đã đi từ đời sống hái lượm, sắn bắt vào đời sống nông nghiệp cây trồng. Nó từ vật chất đi vào đời sống văn hóa tâm linh của người Việt mấy nghìn năm nay. Rồi hình tượng con nghê cũng bắt nguồn từ chó đá và dần biến đổi qua từng thời kỳ để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Thế mà, trong những năm gần đây ta thường thấy những con sư tử ngoại lai đặt ở các trú sở, đền miếu, chùa chiền, những dinh thự lớn. Năm Mậu Tuất lại về, nhắc nhớ mọi người không nên sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Năm mới chó đá, nghê đá, thạch cẩu sẽ trấn yểm trừ tà ma, giữ nhà, giữ cột mốc chũ quyền cho đất nước thanh bình, xua đuổi dịch bịnh, cho những mùa màng tươi tốt, cơ quan, xí nghiệp, nhà nhà  an lành, thịnh vượng!

Bài, ảnh NGUYỄN VĂN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh