CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:54

Chở hàng từ Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 từ Hàn Quốc về Việt Nam

 

Doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều khoản chi phí cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực

 

Dẫn báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, VCCI cho biết, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia.

Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cũng cao nhất so với ASEAN 4 (ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore).

Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Các loại chi phí khác cũng đang gây ra những mối quan ngại lớn. Chẳng hạn như chi phí logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

VCCI cho biết, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển…

 

Chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam

 

Về chi phí vay vốn, vấn đề nổi lên là rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn. Theo góc độ của các ngân hàng cho vay, để đảm bảo cho doanh nghiệp có chính sách giá cạnh tranh hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn vay từ nợ ngắn hạn (tài trợ kinh doanh) sang gia tăng tỷ trọng nợ dài hạn nhằm ổn định trần chi phí lãi vay.

Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước cũng đang ở mức quá cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô trung bình trở xuống tại Việt Nam không thể chi trả những khoản phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi, bị lép vế so với các đối thủ quốc tế - là những nhà bán lẻ danh tiếng, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vững mạnh hơn. Giá thuê mặt bằng là nguyên nhân dẫn đến các chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bán lẻ nội địa bị lép vế hơn so với hầu hết các chuỗi bán lẻ của nước ngoài.

Chi phí về lao động cũng là một vấn đề lớn. Theo Báo cáo “Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016” được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố ngày 14/2/207, có gần 60% doanh nghiệp lo ngại chi phí nhân công tăng cao tại Việt Nam. So với nhiều nước và ngay trong khối ASEAN, Việt Nam đang có mức đóng bảo hiểm cao nhất khi quy định  đóng bảo hiểm ở mức 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Trong khi đó, Malaysia chỉ đóng bảo hiểm xã hội 13%, Phillippines 10% còn Indonesia là 8%.

Mặt khác, tỷ lệ đóng bảo hiểm giữa doanh nghiệp và người lao động ở Việt Nam cũng khác xa, trong khi nhiều nước quy định doanh nghiệp và người lao động đóng bằng nhau, mỗi bên 50%.

Điều đáng nói là với chi phí như vậy đòi hỏi người lao động phải tạo ra một giá trị nhất định thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được, tức là năng suất lao động phải đạt ở mức đủ cao. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động thế giới, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn của Singapore tới gần16 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Nhưng năng suất lao động thấp rõ ràng không hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát của doanh nghiệp.

Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm.

“Có từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014- 2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước.

“Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó. Các doanh nghiệp thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”, báo cáo cho biết.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh