Cho F1 đi làm: Giải bài toán nguồn nhân lực cho doanh nghiệp
- Bài thuốc hay
- 06:01 - 19/03/2022
Bộ Y tế vừa có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể theo hình thức trực tuyến, có thể chăm sóc người bệnh Covid-19 tại gia đình, cơ sở điều trị. Đồng thời, F1 được chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm (thay vì cách ly tại nhà 5 ngày), tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến. Người F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến; nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.
Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cũng đã có kiến nghị về nội dung này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, đề xuất này đã và đang tiếp tục nhận được sự đồng thuận cao của giới chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho rằng, công nhân là F1, nếu test âm tính vẫn có thể đến nhà máy làm việc là hợp lý. Vì nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần 1 công nhân ở nhà trọ là F0, có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1. Đồng thời, nếu 1 công nhân được xác định là F0 tại nhà máy, có nguy cơ các công nhân của tổ sản xuất đó hoặc chuyền sản xuất đó bị quy vào diện F1. Nhà máy không có công nhân đi làm trong khi các doanh nghiệp hiện nay thiếu lao động rất trầm trọng.
Từ đó, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m. Các F1 này có sự giám sát của quản lý nhà máy. Đến ngày thứ 5, nếu xét nghiệm vẫn âm tính, công nhân đó được hòa nhập lao động trở lại.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã cho phép F1 tại cả khối nhà máy và khối văn phòng đi làm trực tiếp từ nhiều tháng nay. Tất cả nhân viên phải tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang khi làm việc, nhà ăn có vách ngăn. Nếu nhân viên thấy có triệu chứng thì công ty sẽ phát kit test nhanh để kiểm tra trước khi vào vị trí làm việc.
“Việc cách ly F0, F1 ảnh hưởng lớn đến công ty bởi hầu hết vị trí phải đào tạo 1-2 năm mới “ra thợ”. Các công việc đều đòi hỏi kỹ năng cao và có chuyên môn nên không phải cứ có người nghỉ là lập tức tìm được nhân sự thay thế. Thiếu lao động kéo theo dây chuyền sản xuất luôn bị gián đoạn và trì truệ sẽ ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng”, đại diện công ty may Thái Bình – KCN Long Hậu, TP.HCM cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, các doanh nghiệp ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.. đều đồng tình với phương án người F1 đi làm bình thường, và đề xuất từ Bộ Y tế sẽ tạo sự đồng nhất ở các địa phương. Tuy nhiên, với phương án F1 đi làm khu riêng, xưởng riêng, theo đại diện nhiều doanh nghiệp là không khả thi, bởi đặc thù của một số ngành sản xuất là làm theo dây chuyền, không phải ai cũng có tay nghề giống nhau, chuyên môn khác biệt. Đó là chưa kể có nhiều công việc cần thực hiện với máy móc rất nặng, không thể di chuyển.
Đại diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Tân, TP.HCM) cho biết: Nếu F1 đi làm thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể hỗ trợ chi phí xét nghiệm vào các ngày 3, 5, 7 để đảm bảo an toàn, quản lý chặt chẽ, sắp xếp khu vực ăn uống riêng biệt.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ khó có thể sắp xếp khu vực làm việc riêng cho các công nhân F1, bởi lẽ PouYuen sản xuất theo dây chuyền liên tục từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Do vậy, giải pháp phù hợp nhất với doanh nghiệp này hiện nay vẫn là F0 tự cách ly và F1 đi làm với sự quản chế chặt chẽ.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã có một số quy định về quản lý F1 thoáng hơn so với thời gian trước đây. Cụ thể, các F1 tại doanh nghiệp có độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 từ 80% trở lên sẽ được đi làm ngay, phải thực hiện xét nghiệm vào ngày 3 và ngày 7.
Theo đại diện HCDC, gần như tất cả doanh nghiệp tại TP.HCM, tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 85%. Do đó, hầu hết người lao động là F1 trên địa bàn đã có thể đi làm ngay. Tất nhiên, các đối tượng phải tuân thủ nghiêm các biện pháp theo quy tắc 5K, đặc biệt là khẩu trang, khử khuẩn. Đối với cơ sở có tỷ lệ tiêm chủng dưới 80%, người lao động chưa tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 cần cách ly theo quy định. Tuy nhiên, người lao động đã tiêm vắc xin sẽ được cho đi làm ngay.
Tính đến thời điểm hiện tại, người lao động là F0 trên địa bàn vẫn cần tuân thủ tuyệt đối quy định của Bộ Y tế về việc cách ly 7 ngày hoặc 14 ngày đối với trường hợp chưa tiêm đủ số mũi vaccine phòng COVID-19.
Long An trở thành địa phương tiên phong trong cả nước khi tạm thời cho phép người nhiễm SARS-CoV-2 và người tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm đi làm trên tinh thần tự nguyện. Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, theo quy định tạm thời việc F0, F1 được đi làm của UBND tỉnh Long An, Để thực hiện an toàn hiệu quả, các DN cần chú ý 4 yêu cầu đặt ra, thứ nhất, phải trên tinh thần tự nguyện của những trường hợp F0, F1 này, thứ hai là phải được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan, chủ các doanh nghiệp, thứ 3 là phải tuân thủ nghiêm 5K trong quá trình làm việc của mình, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với người xung quanh và vấn đề cuối cùng là phải được sự hỗ trợ, thống nhất của cơ quan y tế cấp huyện, cấp xã, nơi các cơ quan, đơn vị đóng trụ sở.
“Mục tiêu của việc ban hành nội dung tạm thời này là nhằm giải quyết cấp bách vấn đề thiếu hụt nguồn cung lao động và giải quyết tất cả các công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, không để ách tắc, bị động đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp vừa qua”, ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết thêm.