Cho đi để nhận lại – Còn gì quý hơn
- Bài thuốc hay
- 03:52 - 03/02/2021
Cho đi để nhận lại
Trong những ngày diễn ra dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp phải tạm ngưng nên nhiều doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng làm việc với công nhân hoặc cắt giảm thời gian làm việc.
Điều này khiến nhiều công nhân làm việc tại Bình Dương bị thất nghiệp, cũng như gặp khó khăn trong cuộc sống do thu nhập giảm. Nhằm chia sẻ khó khăn với công nhân, nhiều chủ nhà trọ quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương đã giảm tiền thuê phòng trọ, cũng như có những nhu yếu phẩm hỗ trợ người thuê trọ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện Bình Dương có hơn 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, đa số đến từ các tỉnh khác. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng kéo theo hàng trăm ngàn công nhân mất việc làm, thu nhập giảm. Thu nhập không ổn định nên đời sống công nhân xa quê ở Bình Dương rất khó khăn, họ càng lo lắng hơn khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Theo thống kê của Ban Quản lý Các khu công nghiệp Bình Dương ở 1.446 doanh nghiệp (313.000 lao động) thì trong năm 2020 có: 8.000 lao động bị mất việc làm, 2.600 lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, 33.700 lao động phải nghỉ việc không lương.
Hiểu được nỗi lo của công nhân lao động, ông Lê Hữu Huy, chủ nhà trọ Tùng Huy (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), đã quyết định chia sẻ khó khăn này bằng cách giảm 50% tiền trọ cho tất cả hộ gia đình đang sinh sống trong dãy trọ của gia đình, với giá thuê trọ khoảng 1,4 triệu đồng/phòng/tháng. Giảm 100% cho người lao động khó khăn, người lớn tuổi có thu nhập bấp bênh. Ngoài ra, ông Huy còn chuẩn bị những phần quà Tết ý nghĩa cho những trường hợp không về quê mà ở lại đón Tết.
"Ai cũng đi làm ăn xa quê hương đến cuối năm ai cũng mong muốn được về quê đón Tết đoàn tụ với gia đình nên tôi quyết định giảm giá thuê nhà trọ cho mọi người để có tiền mua vé xe, vé tàu về quê đón Tết, đối với những người ở lại thì tô có gửi tặng thêm phần quà để đón Tết".
Chị Phạm Thị Phượng (35 tuổi, quê quán Sóc Trăng) công nhân Khu công nghiệp Vsip vui mừng nói: Năm nay tình hình dịch bệnh nên công ty ít đơn hàng hơn, lương cũng giảm theo. Vợ chồng tôi đang lo lắng Tết này không biết làm sao để về quê đón Tết với gia đình thì được chủ nhà trọ thông báo giảm 50% tiền trọ của tháng này. Nghe tin chúng tôi cảm động rơi nước mắt, cảm ơn anh Huy chủ nhà trọ đã giúp đỡ những người công nhân lao động xa quê như chúng tôi.
Đồng chia sẻ với người lao động, gia đình bà Phạm Thị Luyến (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An), cũng giảm 50% tiền trọ cho 40 phòng trọ. Với giá cho thuê từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng, tổng số tiền giảm cũng khoảng 30 triệu đồng.
"Năm nay kinh tế khó khăn, công nhân lao động làm lương chỉ đủ sống chứ không có dư giả như mọi năm, nên vợ chồng tôi quyết định giảm 50% tiền thuê nhà trọ cho mọi người. Tuy của ít nhưng lòng nhiều, qua đó giúp người lao động có thêm cơ hội về quê vui Xuân đón Tết với gia đình". Chị Luyến chia sẻ.
Khuyến khích công nhân lao động có quê đang xảy ra dịch bệnh ở lại Bình Dương ăn Tết
Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Đắck Lắck, Bắc Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ngãi… Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã đề nghị tổ chức công đoàn phối hợp với doanh nghiệp, chủ trọ và địa phương để tổ chức hỗ trợ công nhân lao động có quê đang xảy ra dịch bệnh ở lại Bình Dương ăn Tết. Trường hợp khó khăn, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tính biện pháp trích ngân sách hỗ trợ thêm.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị Liên đoàn Lao động và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương tuyên truyền, vận động công nhân lao động quê những vùng có dịch ở lại Bình Dương đón Tết.
"Nếu công nhân di chuyển trong dịp cao điểm này về quê vùng đang xảy ra dịch bệnh khi trở lại Bình Dương thì rất khó kiểm soát. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, cũng như thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các cấp, các ngành, địa phương chủ động có kế hoạch chăm lo để công nhân có cái Tết vui, ấm áp, an toàn". Ông Hà nói.
Trước diễn biến khó lường của đại dịch, ông Nguyễn Văn Tọa – Giám đốc Nhà máy Công ty TNHH MTV Thép VAS An Hưng Tường (Bình Dương) đã có thông báo gửi toàn thể công nhân viên. "Do dịch Covid-19 bùng phát trở lại và lây lan nhanh hơn nên công ty sẽ dừng việc tổ chức thuê xe đưa rước cán bộ, công nhân viên về quê vui Tết 2021. Để khuyến khích công nhân, người lao động ở lại Bình Dương đón Tết, công ty sẽ hỗ trợ 500 ngàn đồng/người. Tất cả người lao động về quê dịp Tết Tân Sửu phải khai báo thông tin cho Trưởng bộ phận và Thống kê xưởng theo dõi". Ông Tọa cho biết.
Ông Tạ Kim Đoan – Chủ tịch Công đoàn Công ty Esquel Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, Bình Dương, doanh nghiệp có hơn 6.000 lao động) cho biết, khi thông tin về dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương và Quảng Ninh, công đoàn phối hợp với bộ phận nhân sự của công ty tuyên truyền, khuyến khích công nhân "thật sự cần thiết thì mới về quê" nhằm hạn chế thấp nhất việc di chuyển, góp sức cùng cả nước chống dịch. Đặc biệt khuyến khích công nhân có quê ở các tỉnh, thành có ổ dịch, ghi nhận ca nhiễm Covid-19 không về quê để đảm bảo an toàn.
Tại TP.HCM, Liên đoàn Lao động thành phố cùng phát đi thông báo đề nghị các cấp công đoàn, các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như tạm hoãn các hội nghị không cần thiết, các hoạt động họp mặt cuối năm; Tăng cường tuyên truyền trong công nhân, viên chức, lao động, nhất là đối với các trường hợp về quê ăn Tết, cần tuân thủ nghiêm các quy định khai báo, cách ly, phòng, chống dịch… của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương; ghi lại lịch trình di chuyển, tiếp xúc trong thời gian về quê, nhất là tại các vùng có dịch khi quay trở lại thành phố làm việc. Các hoạt động thường niên của các cấp công đoàn vào dịp cuối năm như Tết Sum vầy, "Hội trại mùa xuân" cũng thay đổi cách thức tổ chức hoặc không tiếp tục tổ chức…