CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Chợ đầu mối thứ 4 phải dừng hoạt động vì Covid-19, Hà Nội vẫn khẳng định đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa

Chiều 4/8, Sở Công Thương Hà Nội thông tin tới báo chí về kế hoạch đảm bảo hàng hoá phục vụ nhân dân Thủ đô trong những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát lại các vùng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố để cơ cấu tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi (nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm,…) phù hợp nhu cầu tiêu dùng người dân trong phòng chống dịch nhằm đảm bảo nguồn tự cung cao nhất cho Hà Nội.

Chợ đầu mối thứ 4 dừng hoạt động, Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa - Ảnh 1.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho Hà Nội qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Sở Công Thương khẳng định, qua 12 ngày thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Trong hai ngày đầu thực hiện giãn cách, sức mua tăng bình quân tại các hệ thống phân phối khoảng 30% so với ngày bình thường. Nhờ có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hóa, nhân lực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá của các lực lượng chức năng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở Công Thương cho biết đến ngày thứ ba trở đi, hoạt động mua sắm trở lại bình thường. Cho đến nay, mặc dù một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa nhưng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân.

Chợ đầu mối thứ 4 dừng hoạt động, Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa - Ảnh 2.

Sở Công Thương đề nghị người dân đi mua hàng đúng ngày, khi đi mua sắm như thực hiện 5K, xếp hàng giãn cách 2m cả trong và ngoài nơi mua sắm, khuyến khích không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc giữa người mua và người bán…

Đến nay, 4 chợ đầu mối của Hà Nội phải đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đại diện sở, ban, ngành Hà Nội khẳng định nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo.

"Chúng tôi đã tuyên truyền, phối hợp với chợ Long Biên để thông tin trực tiếp thông qua hình thức gọi điện thoại và có thông báo cụ thể đến từng hộ kinh doanh để họ có sự kiểm soát đối với số lượng hàng hóa, chủ động hơn trong việc nhập hàng", Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) Phạm Thị Nết cho hay.

Đại diện ngành Công Thương Hà Nội khẳng định nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân vẫn được đảm bảo bởi các giải pháp khác trong việc cung ứng hàng hóa đã được tính đến. Sở Công Thương đã yêu cầu các hệ thống phân phối tăng gấp 3 lần dự trữ hàng hóa thiết yếu.

"Hiện nay, nguồn hàng từ các tỉnh đưa về Hà Nội được đưa vào các điểm tập kết khác ở trên địa bàn giáp ranh vào thành phố để các đầu mối có thể cung ứng hàng hóa về cho tiểu thương. Từ đó, tiểu thương phân luồng đi các chợ dân sinh mà không phải tập kết về các chợ đầu mối", bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã công khai danh sách trên 8.000 điểm bán hàng hóa thiết yếu và hơn 450 chợ truyền thống đang hoạt động tại các quận, huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh