Cho con tri thức để nên người
- Văn hóa - Giải trí
- 13:51 - 30/04/2015
Cụ Tợi có năm người con trai. Người con trai cả là Nguyễn Khắc Chư đang ở quê nhà chăm lo hương hỏa. Người con trai thứ hai là anh Nguyễn Khắc Chử, hiện đang giữ trọng trách là Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu. Người con trai thứ ba là doanh nhân Nguyễn Quốc Huy. Hai người con kế tiếp của cụ Tợi là anh Nguyễn Công Hùng và Nguyễn Mạnh Cường cũng học hành thành đạt.
Hậu phương vững chắc
Chúng tôi về xã Đô Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào những ngày đầu tháng Tư. Là vùng đất của “Quê hương năm tấn” với truyền thống “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” những năm tháng kháng chiến, Đô Lương được bao quanh bởi những con sông, những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn khiến khung cảnh làng quê càng thêm yên bình trong trẻo. Là mảnh đất được hình thành từ sự bồi đắp phù sa từ những con sông lớn, ngày xưa đi lại khó khăn nên những người dân vùng đất Đô Lương rất cần cù chịu khó, ham học hỏi, vì thế đã có nhiều người con của mảnh đất này thành công trên nhiều lĩnh vực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của quê hương và đất nước.
Khi biết chúng tôi về tìm hiểu những gia đình hiếu học, con cái thành đạt của vùng đất này, lãnh đạo xã giới thiệu cho chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Khắc Tợi ở thôn Phú La.
Ảnh gia đình cụ Tợi
Nhà cụ Tợi nằm giữa làng Phú La, bao bọc xung quanh ngôi nhà hai tầng khang trang là mảnh vườn rợp bóng cây xanh, cùng ao thả cá khiến cho ai cũng phải trầm trồ thích thú. Ngồi nhâm nhi chén trà nóng dưới những gốc cây ăn trái rợp bóng mát, cụ Tợi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày bền chí nuôi năm người con ăn học.
Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ cụ Tợi vẫn còn minh mẫn lắm. Cụ cho biết, cụ sinh năm 1928, vợ cụ là cụ bà Nguyễn Thị Thẽo (sinh năm 1930).
Năm 1950, hai ông bà cưới nhau. Cũng chính vào năm đó thực dận Pháp tấn công đánh chiếm Thái Bình (tháng 2/1950), kinh tế gia đình khó khăn, quê hương rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc. Với khẩu hiệu “Giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất” vợ chồng ông Tợi cùng tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân du kích bảo vệ xóm làng, bảo vệ cơ sở cách mạng. Ban ngày thi đua sản xuất, đêm đến cầm vũ khí đánh giặc. Cuối năm đó người con cả, anh Nguyễn Đình Chư được sinh ra. Tám năm sau, năm 1958 người con trai thứ hai là anh Nguyễn Khắc Chử ra đời. Thời gian đó, cụ Tợi được bầu làm Chủ tịch UBND xã Đô Lương, thì cũng là lúc đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường tổ chức lực lượng quân đội chống Cộng quyết liệt, chúng kêu gọi lấp sông Bến Hải và Bắc tiến. Trước tình hình đó, Miền Bắc thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa làm hậu phương lớn chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của kẻ địch để bảo vệ đất nước. Với cương vị là người đứng đầu xã, cụ Tợi đã kêu gọi và trực tiếp tổ chức người dân trong xã vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu chi viện cho tiền tuyến. Phát động phong trào toàn dân thi đua yêu nước không sợ gian khó, không sợ hy sinh.
Chồng bận rộn với công việc chung của làng của xã, ở nhà công việc gia đình được bà Nguyễn Thị Thẽo một tay lo liệu quán xuyến chăm sóc gia đình để chồng yên tâm công tác. Cụ Tợi chia sẻ, lúc các con còn nhỏ, sáng nào bà ấy cũng phải dậy từ 4 giờ sáng nhưng có khi đến tận nửa đêm mới được nghỉ. Không chỉ lo cơm nước, công việc đồng áng mà mà bà ấy còn chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt, bò để trang chải chi phí sinh hoạt gia đình.
Đến năm 1963, Nhà nước kêu gọi các cán bộ đi tăng cường cho vùng Tây Bắc, cụ Tời xung phong rời làng lên huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu công tác, thì cũng là lúc người con thứ ba, anh Nguyễn Quốc Huy mới gần 3 tuổi. Chồng đi công tác xa nhà, bà Thẽo lại một mình chăm sóc 3 người con trai.
Thương cha mẹ vất vả nên anh Chư, anh Chử ngay từ bé đã có ý thức học hành và biết đỡ đần mẹ những công việc lớn nhỏ trong nhà. Sau mỗi buổi đi học về anh Chư biết đi kéo cá, kiếm thêm thức ăn cho gia đình và đi cắt cỏ nuôi bò. Còn anh Chử biết phụ mẹ nuôi gà, lợn và chăn trâu. Ngoài thời gian học ở nhà, ba anh em bảo ban nhau học hành không để mẹ thêm vất vả.
Và những người con thành đạt
Chia sẻ thêm về những ngày đầu đặt chân lên vùng Tây Bắc, cụ Tợi cho biết, sau khi đã ổn định nơi công tác mới, cụ mới đưa được anh Chử lên ở cùng với mình: “Lúc đấy Chử đã học xong cấp 2. Nhưng vào thời gian đấy huyện Phong Thổ vẫn còn hoang sơ lắm! Cả huyện chưa có một trường cấp 3”. Không thể để con thất học, cụ Tợi đã đứng ra vận động các con em cán bộ trong huyện đi học rồi mở lớp học cấp 3 đầu tiên cho các cháu. Những tháng ngày ở vùng quê mới là thời gian hết sức khó khăn với hai cha con. Với đồng lương 64 đồng/tháng cùng 30 kg lương thực thì có đến 10 kg là khoai, sắn, vì thế bữa cơm của hai bố con lúc nào cũng phải độn thêm rất nhiều khoai sắn mới đủ no.
Ảnh gia đình cụ Tợi
Cụ Tợi kể: “Hôm nào cũng vậy, sau mỗi buổi học, Chử lại lên rừng kiếm củi mang về để lấy cái đun và bán lấy tiền trang chải thêm chi phí sinh hoạt của hai bố con. Hồi đấy Chử nhỏ bé lắm! Mỗi khi đi học về cõng trên lưng bó củi là chẳng còn nhìn thấy người đâu. Vì bận công việc cơ quan nên tôi cũng không có nhiều thời gian dạy con học. Ngoài thời gian học ở lớp về, Chử rất tự giác học. Có những đêm trời mùa đông, thời tiết lạnh giá nhưng Chử vẫn chong đèn đến tận 12 giờ đêm để học bài. Đến sau này tôi có đưa thêm Huy lên nữa thì lúc đó hai anh em cùng tự bảo ban nhau học”.
Năm 1982 đến tuổi về hưu, cụ Tợi về lại quê nhà sinh sống, còn anh Chử đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên về Lai Châu công tác; anh Huy đã tốt nghiệp đại học đi làm; anh con trai cả Nguyễn Khắc Chư đang làm lái xe tại Lào Cai; còn anh Nguyễn Công Hùng và Nguyễn Mạnh Cường đang đi học nơi quê nhà. Noi gương các anh hai, người em sau này cũng đã thi đỗ các trường đại học ở Hà Nội.
Đến nay, năm người con trai cụ Tợi đều thành đạt. Anh Nguyễn Khắc Chử đang giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu; anh Nguyễn Quốc Huy là doanh nhân, hiện giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO); anh Nguyễn Công Hùng hiện đang công tác tại Cty Bao bì Đại Hữu; người con út là anh Nguyễn Mạnh Cường đã tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải hiện đang công tác tại Tổng cục Đường sắt, làm việc tại Yên Viên – Gia Lâm (Hà Nội); Người con trai cả, anh Nguyễn Khắc Chư trước đây là lái xe nay đã về nghỉ ở làng chăm lo phụng dưỡng cha mẹ già và lo hương hỏa, giỗ tết, giữ vững nếp nhà. Mấy năm trước đây, cụ bà đã qua đời, nay chỉ còn cụ ông vui vầy bên con cháu.
Cụ Tợi kể cho chúng tôi nghe, một trong bí quyết giúp các con say mê học tập là ngay từ nhỏ, gia đình luôn quan tâm, khích lệ tinh thần ham học hỏi của mỗi thành viên. Cụ không bao giờ làm thay các con, không ép học một cách thụ động, mà khuyến khích lối suy nghĩ độc lập, truyền cho các con chí tiến thủ, nỗ lực ở bản thân.
Giữa thời chiến tranh ác liệt, vô cùng khó khăn gian khổ nhưng hai vợ chồng cụ vẫn thay nhau vừa công tác, vừa phát triển sản xuất gia đình để nuôi con ăn học. Cụ Tợi tâm sự: "Tuổi trẻ của chúng tôi chỉ khao khát được học tập. Tri thức giúp chúng tôi hiểu biết, vượt qua gian khó. Dù cha mẹ có nhiều tiền của cho con cũng không thể bằng cho con cái chữ. Chỉ có cái chữ, sự hiểu biết mới giúp con nên người. Tôi vẫn thường bảo các con, đấy mới chính là hạnh phúc!".
Hồi tưởng về người vợ, người bạn đời đã về trời trước mình, chia sẻ về những ngày gian khó, cụ Tợi tâm sự: “Có được ngày hôm nay cũng nhờ tôi may mắn lấy được người vợ chịu thương chịu khó tần tảo nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành, vượt qua biết bao gian khó, thiếu thốn để cho tôi yên tâm công tác. Tôi chưa bao giờ thấy bà ấy than thở dù thiếu thốn đến đâu đi nữa hay cũng chẳng khi nào chịu ngơi tay chăm lo làm lụng, dạy dỗ và vun vén cho các con, mệt nhọc đến mấy thì lúc nào lời lẽ của bà ấy cũng nhẹ nhàng, ân cần với chồng con, với bà con chòm xóm”.