THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:35

Chợ - Trung tâm thương mại: Số phận hẩm hưu của những "con lai"

 

Cảnh đìu hiu ở chợ Cửa Nam.

Ngắc ngoải tồn tại

Chợ Hàng Da là chợ truyền thống đầu tiên chuyển đổi mô hình chợ dân sinh thành Trung tâm thương mại. Được khởi công từ tháng 3/2009, TTTM Hàng Da được đầu tư quy mô 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với tổng chi phí hơn 223 tỷ đồng. Theo quy hoạch, tầng hầm và tầng một của trung tâm thương mại – chợ Hàng Da được thiết kế làm khu chợ truyền thống. Các tầng còn lại sẽ được sử dụng làm trung tâm thương mại cao cấp. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại này không giúp chợ Hàng Da lấy lại được sự sầm uất như trước đó, mà ngày càng vắng khách đi. Hoạt động từ tháng 10/2010 nhưng suốt 7 năm nay, chợ luôn trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu. Tại tầng B1 - nơi kinh doanh các mặt hàng rau quả, thịt, quần áo… rộng hàng trăm mét vuông nhưng chỉ èo uột có vài người khách qua lại.

Bà Lê Thanh Hải, quầy B435  Khu bán thịt than thở: “Tôi đã bán hàng ở đây 20 năm từ khi chưa xây dựng TTTM. Trước đây, chợ Hàng Da sầm uất không thua kém chợ Đồng Xuân, nhưng từ khi xây dựng TTTM thì vô cùng ế”. Theo bà Hải, trung bình mỗi ngày ki ốt có khoảng 3, 4 lượt khách, có ngày không có khách. Lý giải cho việc vắng như chùa ba đanh tại nơi này, một tiểu thương Nguyễn Thị Dần cho biết: “Người dân đã quen đỗ xe ở đâu mua ở đấy, rất khó thay đổi. Hơn nữa, không ai mất công, mất của gửi xe máy 3.000 đồng/lượt rồi đi bộ hàng chục bậc thang xuống hầm để mua 3 lạng thịt cả”. 

Tầng 1 chợ Hàng Da cho thuê làm trung tâm tiệc cưới. 

Tương tự tại khu chợ – trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa, tình cảnh cũng không sáng sủa hơn. Tuy không lớn về diện tích, TTTM được xây dựng trên nền chợ Ô Chợ Dừa cũ có vị trí rất đẹp, tọa lạc ngay tại ngã năm Ô Chợ Dừa, trung tâm quận Đống Đa, Hà Nội. Thế nhưng đã qua vài năm đưa vào sử dụng, chưa bao giờ người dân thấy được  không khí buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của khu chợ dân sinh cũ. Ngay ngoài cửa ra vào nhiều ki-ốt đóng cửa hoặc treo biển cho thuê lại. Phần chợ cũ được bố trí ở tầng hầm vừa vắng vừa khó tìm. Một số hộ kinh doanh rau, thịt… chiếm vỉa hè ngay trước TTTM kinh doanh, hình thành chợ cóc nho nhỏ.

Hay,  chợ Cửa Nam cũng dường như đã thất bại hoàn toàn sau khi được nâng cấp. Đến nay, khu chợ này không có nhiều hoạt động. Nhìn từ bên ngoài, nhiều người không còn hình dung được đây chính là một khu chợ, dù bên trong một số gian hàng vẫn hoạt động, nhưng không có nhiều khách mua.

Thất bại do bất hợp lý

Mới đây, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát tình hình quản lý, hoạt động một số chợ trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Đoàn giám sát chỉ ra, hiệu quả hoạt động của một số chợ trên địa bàn còn hạn chế, nhiều chợ hoạt động không hết công suất, cá biệt có chợ chỉ đạt 30-40%. Một số chợ hạng 1 sau chuyển đổi chưa phát huy được giá trị truyền thống của chợ đã có, chưa tương xứng với quy mô và lợi thế vị trí đất. Một số chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại hoạt động không hiệu quả (chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Gia Thụy). 

Nhiều ki - ốt bán hàng phải đóng cửa vì không có khách. 

Chỉ ra những điểm khiến mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại thất bại, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: “Ở nhiều nước trong khu vực, các chợ chỉ xây 3 tầng, trong đó tầng hầm phục vụ gửi xe, tầng thứ hai bán hàng ướt như tôm, cá... và tầng thứ 3 là bán hàng bách hóa nhỏ. Trong khi đó các chợ được cải tạo tại Hà Nội trông như một tòa nhà văn phòng, phía trên là để cho thuê, các sạp hàng hóa bị đẩy xuống tầng hầm. Tiền đầu tư chợ phân bổ vào các sạp khiến giá thuê bị đẩy lên quá cao so với khả năng của các tiểu thương. Do đó, nhiều người chấp nhận bỏ chợ, đóng cửa sạp”.

Không chỉ vậy, trong khi các sạp hàng trong chợ sau cải tạo chịu sự quản lý chặt về thuế, phí, vệ sinh an toàn thực phẩm thì các chợ cóc, chợ tạm xung quanh đó lại bị buông lỏng. “Đó là chưa kể, về phía người đi mua hàng, ví dụ một người muốn mua mấy gói mỳ, khi vào chợ gửi xe mất 5.000 đồng/lượt thì họ sẽ chọn vào chợ hay mua ở ngoài? Đặc biệt, thiết kế các khu vực bán hàng cũng không phù hợp, đơn cử như bán tôm, cá, gà, vịt mà cho xuống tầng hầm, lâu ngày sẽ rất mất vệ sinh”, ông Vũ Vinh Phú phân tích thêm.

Chị Lan Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị một Công ty Bất động sản cho rằng, việc mở các TTTM thay thế vào chợ truyền thống là không hợp lí. Trước đây người dân có thể ngồi trên xe mua được mớ rau, con cá còn bây giờ họ phải gửi xe rồi đi tận xuống dưới tầng hầm mới có thể mua được. Tâm lí chung là ngại vì mất thời gian. Hơn nữa, nhiều chợ sau khi cải tạo đã biến thành siêu thị, mà thực phẩm ở siêu thị thì thường không được tươi như đồ ở chợ…

“Theo tôi, cải tạo chợ là một trong những vấn đề cấp bách của thành phố Hà Nội. Không nên mải mê với mục tiêu 1.000 siêu thị mà hãy tập trung vào chỗ đang đáp ứng 85% nhu cầu mua bán hàng ngày của người dân. Cần đặt ra một mục tiêu rõ ràng, ví dụ trong 5 năm tới thì bao nhiêu phần trăm chợ loại 1, loại 2 được cải tạo thay vì những mục tiêu chung chung chỉ có tính chất khẩu hiệu”, ông Vũ Vinh Phú đề xuất.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh