THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:00

Chính sách về BHXH, tiền lương công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 4/2023

03 chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa ngày 21/02/2023.

Theo đó, quy định 03 chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa, gồm:

- Tuyên truyền viên văn hóa chính Mã số: V.10.10.34

- Tuyên truyền viên văn hóa Mã số: V.10.10.35

- Tuyên truyền viên văn hóa trung cấp Mã số: V.10.10.36

* Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa:

- Có trách nhiệm với công việc được giao, tuân thủ các quy định của pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.

- Tâm huyết với nghề, trung thực, khách quan, thẳng thắn; làm việc khoa học, có chính kiến rõ ràng; có thái độ khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân; có ý thức đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Có tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.

Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.

3-895

Từ 1/4/2023, thêm 01 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Đây là nội dung tại Thông tư 02/2023/TT-BYT ngày 09/02/2023 sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, bổ sung “bệnh COVID-19 nghề nghiệp” vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp quy định tại Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BYT (bổ sung bởi Thông tư 02/2023/TT-BYT).

Theo hướng dẫn chẩn đoán giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp (Phụ lục 35), các yếu tố gây bệnh COVID-19 nghề nghiệp bao gồm:

- Có tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.

- Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau:

+ Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2 được quy định tại Phụ lục 36 ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BYT (bổ sung bởi Thông tư 02/2023/TT-BYT).

+ Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại mục VI Mẫu 04 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP.

+ Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.

Thông tư 02/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.

Tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần/năm

Chính phủ ban hành Nghị định 06/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Cụ thể, việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức được quy định như sau:

- Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

- Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.

- Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

- Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định 06/2023/NĐ-CP và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định. 

Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.

Xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) y tế công lập

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Theo đó, nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong ĐVSN y tế công lập được quy định như sau:

- Vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được xác định theo các nguyên tắc quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định 106/2020/NĐ-CP.

- Số lượng người làm việc tối thiểu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định theo giường bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh theo công suất sử dụng giường bệnh trung bình của 03 năm gần nhất; trong cơ sở thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và cơ sở giám định được xác định theo quy mô dân số, điều chỉnh theo tính chất, đặc điểm chuyên môn, khối lượng công việc của mỗi cơ sở và đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương; trong cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định được xác định và điều chỉnh theo số lượng mẫu kiểm nghiệm trung bình năm; trong Trung tâm cấp cứu 115 được xác định theo định mức xe cứu thương của trung tâm.

- Định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT là số lượng người làm việc tối thiểu của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần bố trí nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của viên chức, người lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật. 

Tùy theo khối lượng công việc và khả năng tài chính, các đơn vị sự nghiệp y tế có thể bố trí số lượng người làm việc cao hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm hiệu quả.

- Định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT là căn cứ để các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc hằng năm.

Thông tư 03/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 05/4/2023.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh