THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:05

Chính sách tài khóa của Việt Nam luôn hướng tới người nghèo

 

Đây là nhận định của chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại hội thảo khoa học quốc gia về đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018 với chủ đề: "Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng" do trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa tổ chức.

 

Người nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.

 

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Phân tích kỹ các chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2019 sẽ thấy những yếu tố khó khăn bắt đầu xuất hiện.Đầu tiên là việc tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa được như kỳ vọng. Trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu chỉ ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018. Chưa kể nhập siêu đã bắt đầu quay trở lại, với con số ước tính của 2 tháng là 84,5 triệu USD…

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Trong khi đó, nhiều dự báo không mấy lạc quan về kinh tế thế giới với mức tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Không chỉ là tác động từ kinh tế thế giới, việc tăng trưởng trong nước phụ thuộc vào khối DN nước ngoài (FDI) cũng là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lo ngại, thách thức lớn nhất phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng trên cơ sở số liệu 2 tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT dự tính, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 6,58%. Con số này tuy cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2016, 2017, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ (6,93%).

Với dự báo quý I tăng trưởng chỉ 6,58%, để đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 6,8% trong năm 2019, Bộ KH&ĐT cập nhật lại tốc độ tăng trưởng 3 quý còn lại lần lượt phải là: 6,77% - 7,13% - 6,7%. Điều này có nghĩa nền kinh tế Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

Theo ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa. Tuy nhiên, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến nguồn thu như: việc thực hiện các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế, giá dầu giảm, thực hiện cắt giảm thuế theo các chương trình hội nhập.

Về chi, các khoản chi của Chính phủ chiếm tỷ lệ lớn so với GDP. Tỷ trọng chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng, trong đó có tăng chi an sinh xã hội, chi lương, trợ cấp, trả lãi vay… Chi đầu tư cơ bản giảm tỷ trọng trong tổng chi, nhưng vẫn cao so với bình quân thế giới và khu vực. Chính sách tài khóa của Việt Nam được đánh giá là hướng tới người nghèo, nhất là về phía chi. Điều này góp phần hạn chế bất bình đẳng và đóng góp vào giảm nghèo.

Mặc dù kết quả chi tiêu của Chính phủ tốt, nhưng việc tiết kiệm vẫn chưa triệt để tại nhiều ngành. Chẳng hạn, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu ví dụ, chi thuốc men của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và cả các nước OECD. 79% đầu tư giao thông dành cho đường bộ, chi xây dựng và chi phí giao thông đường bộ vẫn cao hơn trung bình khu vực. Chi bảo dưỡng thấp (10%) trong khi các nước trong khu vực chi 35%, OECD chi 30%. 65% chi cho nông nghiệp là dành cho tưới tiêu, trong khi năng suất nước thấp.

 Khuyến nghị về chính sách điều hành chi, các chuyên gia ĐH KTQD cho rằng, cần rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo một khuôn khổ chính sách nhất quán hơn. Giảm tỷ lệ chi thường xuyên bằng giảm tốc độ tăng biên chế của Chính phủ và quỹ lương cho cán bộ, công chức và viên chức của Chính phủ.

Để đảm bảo quy mô chi thường xuyên hợp lý thì cải cách về tổ chức và bộ máy cần được làm ngay và quyết liệt. Đồng thời, gắn kết chi đầu tư và chi thường xuyên, xem xét lại mức độ phân cấp chi đầu tư cho địa phương gắn liền với hiệu quả tổng thể kinh tế xã hội, hạn chế rủi ro đầu tư dàn trải; phân cấp đầu tư gắn liền với trách nhiệm giải trình và năng lực quản lý của địa phương.

ĐỨC THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh