Chính sách mới về thuế, bảo hiểm, tiền lương có hiệu lực từ tháng 7/2020
- Tây Y
- 17:57 - 01/07/2020
Lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp
Nghị định 53/2020/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đưa ra lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như sau:
Thứ nhất, đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi):
- Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm.
- Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, áp dụng theo Biểu sau:
+ 4.000.000 đồng/năm đối với cơ sở lưu lượng nước thải bình quân từ 10 đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ).
+ 3.000.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 5 đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ).
+ 2.500.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 5 m3/ngày (24 giờ).
Thứ 2, đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên: phí tính theo công thức sau: F = f + C.
Trong đó:
- F là số phí phải nộp.
- f là mức phí cố định: 1.500.000 đồng/năm (kể từ ngày 1/1/2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm); trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I, số phí phải nộp tính cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm, mức phí cho 01 quý = f/4.
- C là phí biến đổi, tính theo: tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất theo Biểu tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 53/2020.
Nghị định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, thay thế Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016.
Những việc hiệu trưởng trường công lập phải công khai
Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, quy định 12 việc hiệu trưởng phải công khai:
- 9 việc phải công khai để nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động biết, đơn cử như:
+ Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của cơ sở giáo dục;
+ Các nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục.
+ Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cơ sở giáo dục;...
- 3 việc phải công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật:
+ Những việc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
+ Tất cả các quy định của cơ sở giáo dục liên quan đến việc học tập của người học theo quy định của pháp luật;
+ Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 1/7/2020 và thay thế Quyết định 04/2000/QĐ-BGDĐT ngày 1/3/2000.
Chỉ 3 trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức
Theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 20/7/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 3 trường hợp:
1. Cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao...
2. Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
3. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
Doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/5/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
Hiện nay, hàng tháng, người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Song tới đây, người sử dụng lao động sẽ được đề xuất mức đóng giảm xuống còn 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Thêm giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7 tới đây.
Nghị định này đã bổ sung thêm 03 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là:
- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
- Văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo đó, Nghị quyết đã điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm). Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ này là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, tương đương 52,8 triệu đồng/năm. Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, tương đương 43,2 triệu đồng/năm.
Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.
Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh được xác định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi năm 2012), được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại nghị quyết này khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế. Theo tính toán trước đó của Chính phủ, với mức giảm trừ mới, sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Chưa tăng lương cơ sở và lương hưu từ ngày 1/7/2020
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã quyết định chưa tăng lương cơ sở từ 1/7.
Như vậy, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lương hưu... vẫn giữ ở mức 1.490.000 đồng/tháng, đi cùng đó là các khoản khác tính theo lương cơ sở cũng sẽ giữ nguyên.
Ngoài ra, Quốc hội cũng giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.
3 Thông tư về thuế, phí, lệ phí
- Thông tư 32/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 268/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng mã, số viễn thông.
- Thông tư 31/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
- Thông tư 92/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 72/2014/TT-BTC quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh.