4 chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 6/2020
- Tây Y
- 01:13 - 20/06/2020
Cụ thể như sau:
1. Quy định về cửa khẩu NK, XK hàng hóa tạm nhập tái xuất
Đây là quy định tại Thông tư 09/2020/TT-BCT về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu qua biên giới đất liền đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.
Theo đó, từ 00h00 ngày 01/01/2021, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì:
Việc nhập khẩu hoặc tái xuất đó chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở theo quy định tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014.
Quy định này áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.
Thông tư 09/2020/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ 30/6/2020.
2. Phân loại xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế
Ngày 14/5/2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư 7/2020/TT-BYT về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế được phân loại như sau: Xe ô tô cứu thương gồm có: Xe ô tô cứu thương đáp ứng quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương tại Thông tư 27/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017; Xe ô tô cứu thương có kết cấu đặc biệt (xe có kết cấu không gian rộng rãi được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu, hồi sức tích cực trên xe).
Xe ô tô chuyên dùng có kết cấu đặc biệt sử dụng trong lĩnh vực y tế gồm: Xe chụp X.quang lưu động; xe khám, chữa mắt lưu động; Xe xét nghiệm lưu động; Xe phẫu thuật lưu động; Xe lấy máu ...
Xe ô tô chuyên dùng có gắn hoặc sử dụng thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động y tế, bao gồm: xe vận chuyển người bệnh; xe giám định pháp y, xe vận chuyển tử thi; xe chở máy phun và hóa chất lưu động ...
Thông tư 7/2020/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ 28/6/2020.
3. Hướng dẫn cơ cấu tổ chức của đại học vùng
Nội dung này được quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
Theo đó, Đại học vùng là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT; chịu sự quản lý theo lãnh thổ của UBND cấp tỉnh nơi đại học vùng đặt trụ sở; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Cơ cấu tổ chức được quy định gồm có: Hội đồng đại học vùng; Giám đốc đại học vùng; phó giám đốc đại học vùng; Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); Trường đại học thành viên, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường thuộc đại học vùng, ban chức năng; tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học vùng.
Thông tư 10/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 29/6/2020 và thay thế Thông tư 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014.
4. Bãi bỏ một số VBQPPL trong lĩnh vực ngân sách nhà nước
Theo Thông tư 38/2020/TT-BTC về bãi bỏ VBQPPL do Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực ngân sách nhà nước có hiệu lực từ 26/6/2020, một số văn bản sau đây bị bãi bỏ toàn bộ:
Quyết định 42/2004/QĐ-BTC ngày 22/4/2004 về việc ban hành quy định về chi ngân sách trung ương bằng hình thức lệnh chi tiền.
Thông tư 63/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 quy định về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Thông tư 319/2016/TT-BTC ngày 13/12/2016 quy định việc xử lý chuyển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 sang năm 2017.